Nhiều doanh nghiệp tại các khu công nghiệp trong thành phố muốn vay vốn để đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, tiết kiệm năng lượng, nhưng quá trình làm các thủ tục vay vốn với lãi suất ưu đãi gặp rất nhiều khó khăn.
Đó là nhận xét của ông Lê Anh Tuấn, Phó ban Quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp TPHCM (Hepza). Ông Tuấn cho biết, thời gian gần đây, Hepza đã nhận hơn 10 hồ sơ gửi đến từ các doanh nghiệp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp của thành phố có nhu cầu vay vốn với lãi suất ưu đãi để đổi mới công nghệ sản xuất, tiết kiệm năng lượng. Hepza đã chuyển các hồ sơ trên đến các cơ quan chức năng, nhưng đến nay các hồ sơ này vẫn chưa được giải quyết. Tính đến nay, vốn cho các doanh nghiệp vay với lãi suất ưu đãi để đổi mới công nghệ sản xuất, tiết kiệm năng lượng tại các khu chế xuất, khu công nghiệp vẫn chưa đến tay các doanh nghiệp.
Phát biểu tại hội thảo góp ý cho dự thảo Luật Sử dụng năng lượng hiệu quả của đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM diễn ra chiều 17-9, ông Tuấn đề nghị cần điều chỉnh Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (sắp ban hành) theo hướng tập trung quy định rõ hơn về trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước có liên quan đến việc ban hành các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp được vay vốn, đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất.
Điều 44 của dự thảo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả quy định: tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. |
Góp ý cho dự thảo luật này, một số đại biểu khác cho rằng, nhiều chi tiết quá tỉ mỉ, không cần thiết được đưa vào trong dự thảo luật, nhiều quy định thiếu thực tế, không khả thi cần được điều chỉnh.
Dự kiến, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ được Quốc hội thông qua và ban hành vào tháng 6-2010. Luật bao gồm các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm, thúc đẩy toàn xã hội tiết kiệm năng lượng, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng, bảo vệ và cải thiện môi trường, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Theo dự báo, với tốc độ gia tăng mức khai thác năng lượng như hiện nay, đến cuối thế kỷ này, các nguồn năng lượng của Việt Nam sẽ dần khan hiếm, các mỏ dầu và khí đốt sẽ dần cạn kiệt trong vòng vài chục năm tới.
Không thành lập quỹ tiết kiệm năng lượng Ban soạn thảo dự thảo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã thống nhất không thành lập quỹ tiết kiệm năng lượng như một số ý kiến trước đây đề nghị nên thành lập quỹ để đảm bảo nguồn tài chính ổn định cho các chương trình, dự án tiết kiệm năng lượng như một số nước đang áp dụng. Theo Ban soạn thảo dự thảo luật này, căn cứ vào điều kiện cụ thể của Việt Nam và tính không ổn định của nguồn thu cho quỹ tiết kiệm năng lượng, thay vì thành lập quỹ, ban soạn thảo đề xuất nên áp dụng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả chủ yếu thông qua chính sách miễn, giảm thuế theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, ban soạn thảo cũng đề nghị cho phép các chương trình, dự án tiết kiệm năng lượng được vay vốn ưu đãi từ các ngân hàng phát triển, quỹ hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ, quỹ đổi mới công nghệ quốc gia … |
(Theo Văn Nam // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com