Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Doanh nghiệp phân phối bán lẻ nước ngoài: “Tọa sơn quan hổ đấu”

DN có vốn cũng không dám mạo hiểm đầu tư vào lĩnh vực phân phối nếu như không tìm được đối tác nước ngoài có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.  

Dường như vụ mua Phở 24 thông qua Highlands Coffee của Jollibee là để khai thác thương hiệu này cho toàn bộ chuỗi bán lẻ của tập đoàn này ở Philippines, cũng như khai thác trên các thị trường khác trên thế giới
 
Khi mở cửa thị trường bán lẻ theo cam kết WTO có một nguy cơ ít được nhắc đến là sự cạnh tranh triệt tiêu của chính các DN phân phối bán lẻ trong nước. Điều này vô tình “tiếp sức” cho các nhà  phân phối bán lẻ nước ngoài.

Hàng loạt siêu thị phải đóng cửa trong thời gian gần đây không còn là hiện tượng mà nó đã bộc lộ phần nào những điểm yếu của hệ thống siêu thị VN đã được cảnh báo trước đó từ rất lâu. Tuy nhiên, thống kê cho thấy mặc dù kinh tế khó khăn nhưng thị trường bán lẻ năm 2011 vẫn đạt quy mô khá, xấp xỉ 90 tỉ USD, đóng góp 15-16% GDP của cả nước. Hiện toàn quốc mới có trên 600 siêu thị, 120 trung tâm thương mại và trên 1.000 cửa hàng tiện ích. Dự báo, từ nay đến năm 2014, doanh số bán lẻ tại VN có thể tăng 23%/năm. Điều này cho thấy thị trường bán lẻ VN có rất nhiều cơ hội, nhất là khi người tiêu dùng đang có khuynh hướng chuyển sang mua sắm tại các siêu thị lớn và cửa hàng hiện đại

Tự “tàn sát” lẫn nhau

Không chỉ các siêu thị nhỏ, nhiều siêu thị lớn cũng đang trong tình trạng “cầm hơi” khi mà hàng tồn kho đang chất đống. Nhiều chuyên gia cho rằng đây đang là thời điểm thanh lọc khốc liệt đối với hệ thống siêu thị. Và như vậy, rất có thể danh sách các DN phân phối bán lẻ phá sản sẽ còn nối dài trong tương lai gần.

Trong số các siêu thị phá sản thời gian gần đây thì các siêu thị điện máy chiếm số lượng áp đảo. Lý do được các siêu thị điện máy nhắc tới nhiều là chi phí thuê mặt bằng quá cao (chiếm tới trên 50% tổng chi phí của các siêu thị) dẫn đến kinh doanh không hiệu quả và hàng tồn kho lớn bởi sức mua suy giảm mạnh trong năm 2012. Bên cạnh đó là việc các DN điện máy kinh doanh chủ yếu dựa trên vốn vay. Nhiều siêu thị đã phải tính đến chuyện thu hẹp phạm vi hoạt động và dừng kế hoạch mở rộng mạng lưới đã đề ra trước đó.

Tuy nhiên có một lý do rất quan trọng mà các “ông chủ” đều biết nhưng không bao giờ nhắc tới đó chính là việc cạnh tranh “phá giá” thay vì chất lượng dịch vụ giữa các siêu thị điện máy để giành thị phần. Có thể dễ dàng nhận thấy cuộc chạy đua về giá thông qua các chương trình khuyến mãi, giảm giá sốc diễn ra khốc liệt giữa các siêu thị điện máy trong những năm gần đây. Và hệ quả của cuộc chạy đua này các DN điện máy đã tự “tàn sát” lẫn nhau, làm suy yếu lẫn nhau.

Khi hỏi một doanh nhân có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phân phối bản lẻ rằng tại sao các siêu thị điện máy nước ngoài không hào hứng vào VN trong khi đó các DN phân phối hàng tiêu dùng đều đã đầu tư và rất thành công? Vị doanh nhân này đã đặt lại câu hỏi: Với cách cạnh tranh như các siêu thị điện máy của VN liệu họ có cạnh tranh nổi không? Nhưng ông cũng khẳng định rằng chắc chắn các siêu thị điện máy của nước ngoài sẽ vào VN, rất có thể  là 2015 khi thị trường chỉ còn 3 -4 DN kinh doanh điện máy mạnh, còn bây giờ là thời điểm “tọa sơn quan hổ đấu”. Đợi thị trường tự thanh lọc, khi đó các siêu thị điện máy nước ngoài sẽ vào độc lập hoặc liên kết với các DN trong nước.

Trong lĩnh vực phân phối bản lẻ hiện đại có lẽ điện máy là lĩnh vực đi tiên phong trong việc xây dựng quảng bá hình ảnh cũng như đầu tư cơ sở vật chất và mạng lưới. Và sự thất bại của hệ thống siêu thị điện máy cũng phần nào phản ánh thực tại cũng như dự cảm về tương lai bức tranh thị trường phân phối bán lẻ hiện đại của VN.

Trước thực trạng khó khăn của ngành bán lẻ, tháng 3/2012 Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với Hiệp hội các nhà bán lẻ VN. Tuy nhiên, trong thông báo kết luận của Bộ trưởng Bộ Công Thương  sau đó hơn 1 tháng về buổi làm việc này được gửi đến Hiệp hội bán lẻ và các DN vẫn chỉ là những kết luận hết sức chung chung giống như một bài tổng kết của ngành và không đưa ra được bất kỳ mục tiêu cụ thể nào. Điều này cũng dễ hiểu bởi đến lúc này đề án xây dựng hệ thống phân phối bán lẻ gắn với sản xuất mà Chính phủ giao cho Bộ Công Thương thực hiện vẫn chưa làm xong.

Đến mức, nói như ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, “Phi thương bất hoạt” và nếu như hệ thống phân phối bán lẻ không phát triển nó sẽ tác động trực tiếp đến hệ thống sản xuất - vấn đề này đã nói mãi. Thế nhưng trong khi chúng ta có khuyến công, khuyến nông nhưng lại không có cơ chế khuyến thương dù cũng đã có nhiều đề xuất. Chính vì vậy các DN phân phối bán lẻ cũng không thể trông chờ vào sự hỗ trợ từ các chính sách trong thời gian tới. Vì vậy, DN đành tự bơi.

Sự liên kết lỏng lẻo

 “Liên kết” là từ đã được các DN phân phối bán lẻ cũng như các nhà quản lý nhắc đến rất nhiều, thậm chí còn coi đây là “kỳ vọng” để có thể cạnh tranh với các tập đoàn phân phối nước ngoài khi VN mở cửa thị trường bán lẻ theo cam kết WTO.

Năm 2007, đánh dấu một sự kiện mang tính đột phá đối với ngành phân phối, bán lẻ VN khi 4 DN hàng đầu trong lĩnh vực này là Saigon Co.op, Hapro, Satra, và Phú Thái group liên kết thành lập công ty cổ phần tập đoàn phân phối VN (VDA). Sự liên kết đa thành phần với những lợi thế riêng (hạ tầng, mạng lưới...) được kỳ vọng sẽ tạo được sự năng động, đưa VDA cạnh tranh được với các tập đoàn phân phối nước ngoài đồng thời tạo cầu nối thúc đẩy thương mại nội địa phát triển, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng trong tương lai gần. Nhưng sự liên kết lỏng lẻo, thiếu chiều sâu, thiếu những cam kết chặt chẽ cũng như lộ trình thực hiện và hơn cả là sự bế tắc trong việc tìm hướng đi đã khiến cho sau 5 năm  thành lập, đến thời điểm hiện tại VDA vẫn chưa có đóng góp gì vào hệ thống phân phối bán lẻ của VN. Điều này cũng dễ hiểu bởi các DN đều đang phải gồng mình cho những đứa “con riêng” của mình hơn là “con chung”.

Trên một bình diện khác, TCty thương mại Sài Gòn (Satra) và TCty thương mại Hà Nội (Hapro) được coi là hai “đầu tàu” lớn nhất trong lĩnh vực phân phối bán lẻ của VN. Với rất nhiều lợi thế về mặt bằng và ưu đãi từ cơ chế nhưng sự bất cập trong mô hình quản lý, sự lúng túng trong hướng đi khiến cho các DN này dường như vẫn dậm chân tại chỗ sau 5 năm VN gia nhập WTO và 3 năm mở cửa thị trường phân phối bán lẻ. Việc trông chờ vào sự bứt phá của hai đầu tàu này trong tương lai cũng rất khó.

Để có thể cạnh tranh với các tập đoàn phân phối bán lẻ của nước ngoài thì phải có các nhân tố đủ mạnh trong nước nhưng với bức tranh phân phối bán lẻ như hiện tại thì dường như là “nhiệm vụ bất khả thi”.

Mạo hiểm hay là chết ?

Lúc này để nói về những bất cập từ chính sách hay trông chờ vào các chính sách hỗ trợ có lẽ là đã quá muộn.  Các DN phải nghĩ cách tự cứu lấy mình trước khi được cứu.

Khi mà sự liên kết giữa các DN trong nước với nhau không mang lại hiệu quả, một số DN trong nước đã nhanh chân tìm cách liên kết với các tập đoàn phân phối nước ngoài với hi vọng nhận được sự hỗ trợ về kinh nghiệm, tài chính, công nghệ... Điều này cũng mang đến nhiều rủi ro bởi mục tiêu của các tập đoàn phân phối nước ngoài vào VN là để chiếm lĩnh thị trường, thị phần và liên kết với các DN VN cũng là cách họ thôn tính để tạo ra “cái chết ngọt ngào”. Nhưng dù sao trước mắt đây vấn là “bài toán” an toàn cho đồng vốn.

Sau thất bại của hệ thống G7 Mart có lẽ Tập đoàn Trung Nguyên đã rút ra được bài học và mới đây họ đã quyết định hợp tác với Ministop của Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) để mở 500 cửa hàng bán lẻ tại VN.

 

Đợi thị trường tự thanh lọc, khi đó các DN nước ngoài sẽ “đổ bộ” vào VN độc lập hoặc liên kết với các DN trong nước.

Trước đó, tháng 7/2011, E-Mart, tập đoàn bán lẻ lớn của Hàn Quốc đã ký kết thiết lập liên doanh bán lẻ tại VN với đối tác trong nước, tập đoàn U&I. Liên doanh E-Mart VN có vốn đầu tư ban đầu 80 triệu USD. E-Mart VN dự kiến khởi động dự án đầu tiên vào năm 2012. Theo kế hoạch đến năm 2020, E-Mart VN sẽ thiết lập hệ thống chuỗi 52 siêu thị, cửa hàng tại các đô thị lớn và tổng đầu tư tăng dần đến 1 tỉ USD. Đây là nhà bán lẻ thứ hai của Hàn Quốc vào VN sau Lotte Mart đã có mặt từ năm 2008.

Xa hơn, FamilyMart VN, liên doanh giữa Tập đoàn Phú Thái  với Tập đoàn Itochu và Cty TNHH Family (Nhật Bản) đã xây dựng được chuỗi FamilyMart với 16 cửa hàng tại TP HCM và theo kế hoạch, sẽ mở thêm 27 cửa hàng trong năm 2012.

Tại sao các DN VN lại hướng đến sự liên kết với các tập đoàn phân phối bán lẻ nước ngoài? Ông Phạm Đình Đoàn, TGĐ Tập đoàn Phú Thái cho rằng: Bây giờ có vốn cũng không dám mạo hiểm đầu tư vào lĩnh vực phân phối nếu như không tìm được đối tác nước ngoài có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Bởi trong lĩnh vực phân phối bán lẻ công nghệ và quản trị đóng vai trò vô cùng quan trọng. Ngay cả khi có đối tác tốt rồi thì việc triển khai cũng phải hết sức thận trọng. Đó cũng là lý do vì sao Family Mart không phát triển một cách ồ ạt hệ thống của mình.

Mạo hiểm hay là chết? Chưa thể khẳng định hướng đi liên kết với đối tác ngoại của các DN sẽ thành công nhưng dù sao cũng thể hiện nỗ lực “tự cứu mình” của các DN.

  
Phan Nam // DDDN

  • Xăng dầu lãi lớn: Neo giá cao, chi hoa hồng lớn
  • Nỗi niềm... thủy điện nhỏ
  • CEO Vinamilk là 'lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc châu Á'
  • TPHCM: hơn 38.000 đơn vị kinh doanh ngưng hoạt động
  • Tham vọng của Kinh Đô
  • Doanh thu của Vinashin giảm hơn 80%
  • Doanh nghiệp phá sản, giám đốc thành anh xe ôm
  • Doanh nghiệp vận tải biển phụ thuộc vốn vay đến mức nào?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
Thanh Dũng Furniture - Nội thất Thanh Dũng

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao