Các nhà máy thủy điện nhỏ đang bị tính thuế cao hơn giá bán |
Các nhà máy thủy điện Lào Cai đã gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền từ hơn một năm nay, nhưng đến nay vẫn chỉ là "ném đá ao bèo".
Đầu tư lớn - giá bán thấp - thuế cao
Theo ông Hoàng Minh Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Lào Cai, Chủ tịch HĐQT Cty CP Nam Tiến Lào Cai cho biết: Để đầu tư cho một nhà máy thủy điện thì DN phải hoàn thiện trình dự án tới các bộ ban ngành liên quan rất phức tạp và mất nhiều thời gian. Không những vậy, số tiền đầu tư trung bình đến vài chục tỉ đồng (khoảng 30 tỉ đồng/1 MW), DN phải vay lãi ngân hàng ít cũng 50%, nhiều thì 70% vì vốn đối ứng 30%. Trong khi các quyết định của Bộ Tài chính về việc thu thuế, thuế tài nguyên nước phải nộp theo giá điện bình quân thương phẩm (năm 2011 ở mức 1.242 đồng/kWh và 2012 ở mức 1.304 đồng/kWh) nhân với 2% của sản lượng điện phát thì dù ở thời điểm nào các nhà máy thủy điện cũng chẳng bao giờ bán được mức giá cao như vậy. Đơn cử, Cty CP Nam Tiến Lào Cai bán cho EVN với giá khoảng 800 đồng/kWh, còn nhà máy điện Nậm Khóa 3 (Lào Cai), theo biểu giá bán điện của Cục Điều tiết điện lực ban hành năm 2010 thì giá bán điện bình quân trung bình của các nhà máy chỉ ở 916 đồng/kWh. Ông Tuấn bức xúc: "Đóng thuế tài nguyên là hợp lý. Tuy nhiên, chúng tôi có bán điện được giá đó đâu mà thu thuế giá đó. Sao Nhà nước không căn cứ vào hóa đơn bán điện mà thu?".
Thực chất, vấn đề khúc mắc xung quanh thuế tài nguyên nước đã tồn tại vài năm nay, các nhà máy thủy điện đã tốn khá nhiều giấy mực và công sức. Tháng 11/2011, Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cũng đã có buổi họp với đại diện các nhà máy thủy điện để giải quyết những vấn đề khúc mắc và cũng đã mang thuế tài nguyên ra xem xét. Vào thời điểm đó, thuế được tính là 2% của sản lượng điện phát nhân với đơn giá 1.242 đồng/kWh, trong khi giá bán chỉ ở xung quanh 700 đồng/kWh. Chính Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Đặng Huy Cường cũng đồng ý với quan điểm của các nhà máy rằng mức thuế này chưa hợp lý và sẽ có ý kiến với Bộ Tài chính. Tuy nhiên, từ đó đến nay vấn đề vẫn chưa được giải quyết.
Ông Ngô Đức Ảnh - Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh Lào Cai chia sẻ: "Thu thuế các nhà máy thủy điện đang rất khó bởi, khi DN phát điện có doanh thu thì ngân hàng lại thu hết tiền. Một lý do nữa khiến họ chây ì không nộp thuế là giá bán điện thương phẩm phụ trội với giá bán thực họ phải đóng thuế. Mặt khác, Lào Cai điện vẫn mua từ Trung Quốc, trong khi một số DN trong nước sản xuất được điện nhưng việc đấu nối và giá điện khó khăn và giá bán cao nhất chỉ khoảng 600 - 800 đồng/kWh".
Nghịch lý ...
Khi các nhà máy chịu lỗ, chịu bị cắt giảm công suất vì thừa điện... thì chúng ta vẫn phải bỏ ngoại tệ để mua điện Trung Quốc với giá cao. |
Sau thời gian căng thẳng nhất về việc thừa công suất khiến điện chạy ngược sang Trung Quốc, thì đến nay, tình trạng này lại tiếp tục tái diễn. Cũng theo ông Tuấn, "năm ngoái chúng tôi phải nộp chênh mất hơn 700 triệu đồng, năm nay theo giá mới tôi phải nộp chênh mất hơn 1 tỉ đồng. Còn theo ông Nguyễn Văn Ngọc - TGĐ Cty cổ phần Phát triển Năng lượng Sơn Vũ (chủ đầu tư nhà máy thủy điện Mường Hum, Lào Cai) thì đến thời điểm này, nhà máy vẫn thường xuyên bị giảm công suất phát vào giờ cao điểm do lưới điện của Lào Cai bị cô lập, sản lượng điện phát bị thừa. Ngay tháng 3 vừa qua, nhà máy này cũng bị dừng hoạt động 10 ngày. Trong tình trạng vốn đầu tư bị đội lên 160% so với dự toán, liên tục gánh lãi suất "khủng" có lúc lên đến 24%/năm, lại thêm việc giá điện bán không đạt được đến mức trần theo quy định khiến các nhà máy này hầu hết trong tình trạng sống dở chết dở. Theo tính toán của ông Phạm Hải Hà - TGĐ Cty cổ phần công nghiệp Việt Long, chủ đầu tư của các nhà máy thủy điện Thanh Thủy 2, Việt Long 1 và Việt Long 2, ở điều kiện lý tưởng nhất thì hiện mỗi MW đầu tư cho thủy điện vẫn lỗ hơn một tỉ đồng/năm.
Hơn nữa, khi các nhà máy chịu lỗ, chịu bị cắt giảm công suất vì thừa điện… thì chúng ta vẫn phải bỏ ngoại tệ ra để mua điện Trung Quốc với giá cao. Theo các nhà máy phản ánh, trong năm 2011, TCty Điện lực miền Bắc mua điện của Trung Quốc với giá 6,08 cent, tương đương 1.268 đồng/kWh, cao hơn khoảng 37% với giá mua điện trong nước. Chưa kể trong đàm phán mua điện của họ, các điều kiện là hết sức ngặt nghèo. Mặc dù hiệp hội và nhà máy thủy điện đã gửi nhiều văn bản kiến nghị… đến cơ quan chức năng, nhưng sự việc vẫn chỉ là "ném đá ao bèo".
Hiệp hội DN tỉnh Lào Cai đã có văn bản kiến nghị gửi đến các cơ quan chức năng nhằm tháo gỡ khó khăn cho các nhà máy thủy điện nhỏ và vừa với 5 điểm chính: Thứ nhất, đề nghị cho phép các nhà máy thủy điện được giảm tháng mùa mưa từ 4 tháng xuống 3 tháng như các nhà máy có công suất trên 30 MW để phù hợp với điều kiện thủy văn thực tế và DN đỡ thiệt thòi do giá bán điện trung bình mùa mưa rất thấp. Thứ hai, giá tính thuế tài nguyên được giảm theo giá bán điện thực tế của nhà máy. Thứ ba, đề nghị tăng giá mua điện của nhà máy trong nước bằng giá điện mua của Trung Quốc. Thứ tư, đề nghị giãn thuế. Cuối cùng là được giảm lãi suất ngân hàng để tháo gỡ khó khăn.
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com