Thị trường giấy in đang lên "cơn sốt" vì giá tăng, nhưng cũng khó có hàng để mua. Sau đợt tăng giá vào ngày 1-4-2010, giá giấy in các loại tăng thêm 5-15%.
Trong khi nhiều cơ quan báo giấy chưa kịp tính toán làm cách nào để bù vào khoản tăng "đầu vào" từ giá mua giấy in, lại có thông báo tiếp theo của Công ty CP Tập đoàn Tân Mai về việc tăng giá bán các loại giấy sẽ được thực hiện từ ngày 1-5-2010 và giá giấy in báo sẽ tăng thêm 13%. Như vậy, chỉ trong 1 tháng, giá giấy in báo đã tăng từ 12,58 triệu đồng/tấn lên 13,65 triệu đồng/tấn (chưa có VAT).
Sản xuất giấy tại Công ty Giấy Bãi Bằng. (Ảnh minh họa: Huy Hùng) |
Sức ép của ngành giấy…
Nếu như năm 2008 và 2009 được xem là khó khăn, thì năm 2010 sẽ là năm khó khăn của những khó khăn cộng lại với ngành giấy. Hầu hết các doanh nghiệp (DN) sản xuất trong ngành công nghiệp giấy đều đang phải đối mặt với những khó khăn về giá nguyên, nhiên liệu "đầu vào" tăng cao, như năng lượng, hóa chất, vận chuyển… Bên cạnh đó, đồng USD đang dần hồi phục cũng góp phần làm tăng chi phí "đầu vào". Các nhà máy sản xuất bột giấy, giấy đang phải chịu áp lực khi giá dầu, than, điện, nước, hóa chất… cũng trên đà "leo thang". Nhìn ở góc độ thị trường, có thể thấy, giá sẽ tăng mạnh liên tục trong các tháng tới và giá giấy các loại sẽ đạt mức kỷ lục mới (cao hơn cả giá trong tháng 8-2008). Câu hỏi được đặt ra: Làm gì để giá giấy có thể tăng chậm, hoặc dừng ở mức cho phép? Các chuyên gia đều nhận định là rất khó thực hiện được điều này trong năm nay, với các lý do: giá giấy nhập khẩu tăng cao, lượng nhập khẩu về sẽ khan hiếm, vì các nhà sản xuất phải đáp ứng các đơn hàng lớn từ châu Âu, Mỹ và Trung Quốc và thị trường Việt Nam sẽ chỉ được đáp ứng những đơn hàng truyền thống; tỷ giá USD sẽ tăng cao khó lường, do đó giá "đầu vào" của các nguyên liệu nhập khẩu sẽ đội lên; lạm phát cao dẫn đến lãi suất vay và bảo lãnh cao cũng sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất. Trong trường hợp kiềm chế được lạm phát cũng chỉ có thể tác động làm giảm tiêu dùng chứ không ảnh hưởng đến giá giấy "đầu ra" - vì hầu hết nguyên liệu sản xuất phải nhập khẩu.
Công ty CP Giấy Sài Gòn cho biết, biến động tỷ giá giữa đồng USD và VND đã làm tăng khoảng 2% giá nguyên liệu nhập khẩu. Hiện Công ty nhập khẩu khoảng 10% giấy nguyên liệu phục vụ sản xuất. Đây là tỷ lệ đã được điều chỉnh sau khi có những biến động về tỷ giá. Bên cạnh sức ép về tỷ giá, ngành sản xuất giấy do phải sử dụng nhiều nước, điện, nên cũng chịu tác động mạnh của việc tăng giá hai mặt hàng này...
Dồn gánh nặng lên cơ quan báo chí và nhà in
Giám đốc Công ty In Quân đội Nguyễn Công Tuấn cho biết, cứ mỗi đợt giá giấy tăng cao, thị trường giấy hết sức khan hiếm. Một trong những nguyên nhân là do nhà sản xuất "găm" hàng chờ lên giá. Ngành in đang đứng trước khó khăn chưa có biện pháp khắc phục. Toàn ngành có hơn 500 DN, nên tính cạnh tranh rất cao. Để giữ việc làm cho người lao động, các DN phải chấp nhận khó khăn từ những đợt tăng giá giấy liên tiếp của Tân Mai. Đặc biệt, phải được khách hàng chấp nhận giá, nhà in mới mua giấy. Thực hiện xong thỏa thuận này chưa thu được tiền, đợt tăng giá khác lại ập đến và cứ thế như cuộc rượt đuổi không hồi kết… sức ép cạnh tranh sẽ dồn gánh nặng lên thu nhập của công nhân.
Dây chuyền in báo tại Công ty in Quân đội. Ảnh: Ngọc Hà |
Các cơ quan xuất bản, báo chí phải chịu tăng giá giấy tới 30%. Cả nước có 63 tờ báo là cơ quan ngôn luận của đảng bộ 63 tỉnh, thành phố, chưa kể nhiều báo khác cũng phải đảm nhận nhiệm vụ chính trị, tất cả đều phải gánh chịu sức ép nặng nề từ việc tăng giá giấy in báo. Đơn cử, Báo Quân đội nhân dân, mỗi số phát hành khoảng 5 vạn tờ, với 8 trang nội dung, sẽ phải tiêu thụ 4-5 tấn giấy/ngày, trong khi giấy in chiếm 55-60% giá thành sản phẩm, nếu dùng giấy Couche, tỷ lệ này sẽ tới 70% giá thành. Như vậy, việc tăng giá giấy sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận của tờ báo. Một ví dụ khác, nếu một tờ báo Đảng địa phương có số phát hành khoảng 4,5 vạn tờ/ngày, sẽ tiêu thụ khoảng 3 tấn giấy/ngày, chỉ trong 2 lần tăng giá vào ngày 1-4 và 1-5-2010 đã làm tăng thêm 1,070 triệu đồng/tấn giấy. Giá giấy tăng sẽ khiến cho nhiều tờ báo Đảng địa phương rơi vào tình trạng rất khó khăn trong cân đối thu - chi...
Độc quyền hô mưa, gọi gió
Năm 2008, khi giá giấy in báo tăng 5 lần liên tiếp, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng và Chính phủ nhưng đều không có kết quả. Nói về nguyên nhân tăng giá, Tổng Công ty Giấy cho biết, giá giấy tăng là do các DN trong nước phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Riêng giấy in báo, hiện nay duy nhất có Công ty CP Giấy Tân Mai sản xuất, đáp ứng được 50% nhu cầu trong nước, còn lại toàn bộ phải nhập khẩu. Như vậy, trong nước chỉ có duy nhất một DN độc quyền sản xuất giấy in báo. DN này là Công ty CP Tập đoàn Tân Mai được thành lập trên cơ sở hợp nhất hai công ty CP Giấy Tân Mai và CP Giấy Đồng Nai (nguyên đều là những DN nhà nước). Tại thời điểm cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ 49% vốn điều lệ, nhưng đến nay chỉ còn 29% và trên thực tế đã nhường quyền lãnh đạo cho tư nhân. Vì vậy, ngay cả việc tăng giá bán, Công ty CP Tập đoàn Tân Mai cũng được phép tự quyết định, không cần thông qua Tổng Công ty Giấy. Có lẽ những bế tắc không thể giải quyết được đối với giá giấy in báo bắt đầu từ sự độc quyền của một DN cổ phần.
Việc để một DN độc quyền sản phẩm đã khiến hàng trăm tờ báo, trong đó có gần 100 tờ là cơ quan ngôn luận của Đảng, của các tổ chức chính trị - xã hội… gặp khó khăn phải được xem xét lại, không thể coi giấy in báo là mặt hàng nằm trong diện "không bình ổn". Để các cơ quan báo chí lao đao vì giá giấy là không thể chấp nhận được. Vì vậy, đề nghị ngành tài chính và Tổng Công ty Giấy Việt Nam phải vào cuộc.
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com