Người khuyết tật làm việc tại một cơ sở lắp ráp đồ điện tử ở TPHCM. Ảnh: Lê Toàn. |
Em Nguyễn Đức V., một công nhân của Công ty May Đại Việt và là học viên sau cai nghiện ma túy, run run kể lại câu chuyện của mình. Được một trung tâm cai nghiện giới thiệu, em đã vào làm việc ở công ty, ban đầu là một công nhân mũi nẹp, rồi phụ trách đường chuyền và bây giờ là giao nhận, lương trên 3 triệu đồng.
Từ một người “đi đâu người ta cũng dặn nhau canh chừng em, sợ em chôm đồ” - giọng chàng trai cố tỏ ra tự nhiên nhưng vẫn nghẹn lại vì tủi nhục, rồi lại tự hào một cách hồn nhiên - “Bây giờ thì mọi người hòa đồng với em lắm, nhiều khi cứ để nhà cho em coi từ sáng tới chiều”.
Câu chuyện đơn giản đó đối với em lại là một hành trình dài và xúc động, đó là hành trình tìm lại được phẩm giá của mình. Ngoài quyết tâm của bản thân, một cơ hội việc làm đã giúp em đạt được điều đó.
Em V. là một nhân vật “người thật việc thật” được mời đến chia sẻ trong hội thảo “Tư vấn hướng nghiệp, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho nhóm người dễ bị tổn thương” do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức tại TPHCM ngày 16-6-2010 vừa qua.
Tham gia hội thảo có đại diện các tổ chức hoạt động vì các nhóm người dễ bị tổn thương như người sau cai, người nhiễm HIV, phụ nữ bị buôn bán và mại dâm, người khuyết tật...; đại diện các cơ quan, tổ chức dạy nghề và giới thiệu việc làm; đại diện một số doanh nghiệp, phần lớn đều có tuyển dụng công nhân, nhân viên thuộc các nhóm người dễ bị tổn thương này.
Các doanh nghiệp đã chia sẻ những câu chuyện về việc tuyển dụng và tạo công ăn việc làm cho người dễ bị tổn thương, ví dụ Công ty May Đại Việt mà em V. đang làm có đến hơn 200 công nhân, nhân viên là học viên sau cai, trong số đó có người nhiễm HIV. Trải qua nhiều khó khăn, bằng tình thương và sự đồng thuận giữa lãnh đạo, công đoàn... công ty đã giúp các em trụ vững trong công việc và trở thành một mái ấm gia đình đùm bọc các em.
Chỉ vì chưa hiểu
Tuy nhiên, cũng không có nhiều công ty, doanh nghiệp có sẵn định hướng hay chính sách tuyển dụng nhiều nhân công và nhân viên thuộc đối tượng dễ bị tổn thương như Đại Việt, hay có thể biến công ty thành một môi trường đặc biệt thân thiện với họ. Trong khi đó, người dễ bị tổn thương rất cần nhiều cơ hội làm việc để kiếm sống, đóng góp và tái hòa nhập cuộc sống bình thường như bao người khác.
Anh M., hơn 30 tuổi, có chuyên môn và đã từng làm việc văn phòng, rồi vướng vào ma túy và nhiễm HIV, đã gặp nhiều kỳ thị, xa lánh của đồng nghiệp và bạn bè. Sau khi cai nghiện ma túy thành công, anh đã tự xin được việc làm tại một công ty liên doanh của Nhật. Tuy nhiên, cả khi phỏng vấn tuyển dụng lẫn khi vào làm việc, anh hoàn toàn giấu công ty và đồng nghiệp việc mình từng cai nghiện và đang điều trị HIV.
Qua hai tháng làm việc yên ổn, công ty có một đợt khám sức khỏe tổng quát định kỳ cho toàn bộ nhân viên. Ngay sau đó, lãnh đạo công ty mời anh lên cho biết anh sẽ nghỉ việc thời gian tới do tình hình kinh doanh của công ty không tốt nên họ không thể tiếp tục hợp đồng với anh nữa.
Nhạy cảm, đoán rằng đó không phải là lý do thật mà có thể bị cho thôi việc vì công ty phát hiện anh nhiễm HIV qua đợt khám sức khỏe vừa rồi, anh M. chia sẻ vấn đề với cán bộ một dự án tư vấn cho người nhiễm HIV mà anh đang là đối tượng thụ hưởng. Khi chuyên viên của dự án đến gặp, doanh nghiệp này đã thẳng thắn nói, đúng là họ đã phát hiện anh M. nhiễm HIV qua đợt khám sức khỏe và thử máu đó. Công ty cho biết họ khá bối rối vì anh M. làm việc tốt, rất có tinh thần trách nhiệm và tận tụy, tuy nhiên có một nhân viên nhiễm HIV là một điều quá mới đối với họ, đồng thời công ty cũng lo ngại người nhiễm HIV có thể không đủ sức khỏe để tiếp tục công việc.
Câu chuyện này cũng cho thấy rằng, nhiều doanh nghiệp e ngại tuyển dụng không phải vì sự kỳ thị, mà do họ không có thông tin về vấn đề mới lạ này, cũng như còn băn khoăn một số nguyên tắc làm việc với đối tượng dễ bị tổn thương.
Ví dụ, nhiều người còn chưa biết người nhiễm HIV hoàn toàn có thể sống và làm việc bình thường như bao người khác nếu tuân thủ những nguyên tắc điều trị phù hợp. Ngoài ra, một trong những yếu tố quan trọng để bảo vệ người nhiễm HIV khỏi sự kỳ thị là quyền bảo mật thông tin về bệnh của họ. Chính vì vậy, doanh nghiệp không có quyền bắt buộc nhân viên khám sức khỏe hay thử máu.
Như trường hợp công ty anh M., thật may là lãnh đạo công ty đã khá thận trọng với sự việc và có khuynh hướng cởi mở khi trao đổi thẳng thắn với nhân viên xã hội mà anh M. nhờ can thiệp, nếu không thì có thể xảy ra một trong hai trường hợp: công ty có thể sa thải anh vì một lý do nào đó khi biết được anh M. nhiễm HIV, hoặc anh vẫn tiếp tục làm việc nhưng thông tin này lan truyền khắp công ty (do chưa nắm quy định về bảo mật thông tin), rồi không sớm thì muộn anh cũng phải tự nghỉ việc vì bị kỳ thị.
Điều tốt đẹp là sau đó công ty này đã rút lại quyết định cho thôi việc anh M., một phần vì được giải đáp những băn khoăn của họ khi có nhân viên là người nhiễm HIV nên đã yên tâm hơn nhiều, phần khác, anh M. cũng đã chứng tỏ năng lực và làm tốt công việc của mình.
Chị Huỳnh Ngọc Bích, phụ trách bộ phận hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật của Chương trình Khuyết tật và Phát triển, nói: “Đối với người khuyết tật cũng vậy, việc làm là chuyện “xương máu” lắm, là cơ hội để khẳng định giá trị bản thân, sự độc lập và tự lực, không còn sống trong mặc cảm lệ thuộc nữa. Nói cách khác, nó đem lại cho người ta cả một cuộc sống”.
Những nhận định thiếu căn cứ
Trong khi nhiều doanh nghiệp rất rộng rãi trong việc chi tiền và hiện vật cho các chương trình từ thiện liên quan đến người khuyết tật, vẫn còn rất ít nơi xem việc tuyển dụng người khuyết tật là điều bình thường. Cũng tương tự như câu chuyện về lao động là người nhiễm HIV tại nơi làm việc, nhiều người khuyết tật khó có cơ hội việc làm vì doanh nghiệp vẫn còn e ngại tuyển dụng, mà nguyên nhân chủ yếu là doanh nghiệp chưa có thông tin và hiểu biết về sử dụng lao động là người khuyết tật.
Theo một điều tra của Viện Nghiên cứu phát triển xã hội năm 2008, hơn 70% người khuyết tật không có công ăn việc làm và phải sống nhờ vào trợ cấp xã hội. Hầu hết người khuyết tật có việc làm là trong lãnh vực nông nghiệp, hoặc lãnh vực không chính quy với mức lương thấp (dưới mức lương tối thiểu). Một đánh giá của USAID năm 2005 cũng chỉ ra rằng trẻ em khuyết tật bị kỳ thị khá nặng nề trong trường học, và ở nơi làm việc, phân biệt đối xử thậm chí còn cao hơn khi nhiều người tuyển dụng “né” thuê nhân công là người khuyết tật.
Trong “Báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự án Luật Người tàn tật” tháng 9-2009 trình lên Quốc hội, xung quanh nội dung quy định doanh nghiệp “phải” nhận người khuyết tật với một tỷ lệ nào đó và những quy định liên quan có khá nhiều tranh luận.
Báo cáo này cũng đưa ra những ý kiến cho rằng nhận người khuyết tật vào làm việc là một khó khăn cho doanh nghiệp, vì “thực tế hiện nay việc tuyển người khuyết tật đủ điều kiện vào làm việc ở các doanh nghiệp rất khó khăn; lao động là người khuyết tật thường hay đau ốm, có những hạn chế nhất định ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh” (trích báo cáo).
Tiếp đó, báo cáo nêu luồng ý kiến khác cho là doanh nghiệp phải nhận ít nhất 2-3% nhân công là người khuyết tật, nếu không thì đóng mức phí tương đương vào Quỹ việc làm cho người khuyết tật. Về điểm này, có ý kiến cần chế tài thế nào đó chứ nếu quy định này ra đời có thể nhiều doanh nghiệp sẽ tự nguyện nộp tiền chứ không nhận người khuyết tật vào làm.
Các ý kiến này đều ngầm mang một thông điệp, hoặc xuất phát từ một quan điểm: nhận người khuyết tật vào làm là gây khó khăn và thiệt thòi cho doanh nghiệp. Điều này xuất phát từ cách hiểu sai vấn đề và hiểu sai thực tế về người khuyết tật.
Ví dụ, “lao động là người khuyết tật thường hay đau ốm” là một nhận định thiếu căn cứ khoa học và có tính phân biệt đối xử, hoàn toàn trái với mục đích của dự luật. Trong thực tế, phần lớn người khuyết tật không đau ốm nhiều hơn hay ít hơn người không khuyết tật. Một bộ phận lớn người khuyết tật có đầy đủ năng lực để làm việc tự nuôi sống bản thân và cống hiến cho xã hội nếu có đầy đủ cơ hội và điều kiện phù hợp với dạng tật của họ.
Một đại diện của doanh nghiệp cho biết tuyển dụng người khuyết tật gặp nhiều trở ngại do khó thiết kế môi trường làm việc đạt tiêu chuẩn phù hợp với khuyết tật, điều mà đối tác của công ty, nhất là các đối tác nước ngoài, hết sức quan tâm.
Có lẽ môi trường làm việc chính là khúc mắc lớn nhất trong việc kết nối doanh nghiệp và người lao động là người khuyết tật. Nhiều doanh nghiệp cho rằng đó là vấn đề phức tạp, tốn kém. Tuy nhiên, nếu họ cởi mở và chịu khó trao đổi, chia sẻ với ứng viên, sẽ thấy không ít người khuyết tật có năng lực và khát khao cống hiến, và môi trường làm việc mà họ cần đôi khi chỉ là một lối đi mà xe lăn có thể tiếp cận được, tay vịn ở cầu thang (đối với khuyết tật vận động), hay chỗ làm việc không đối diện nguồn sáng quá chói (đối với một số người khiếm thị-nhìn kém).
Được biết, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TPHCM đang có kế hoạch tuyển dụng thư ký, nhân viên điều hành mạng điện thoại, và người làm vườn, ưu tiên các đối tượng người khiếm thị, khiếm thính và khuyết tật vận động cho ba vị trí này. Cơ quan này đang hợp tác với Chương trình Khuyết tật và Phát triển (DRD) để tuyển dụng và tư vấn môi trường làm việc cho các ứng viên người khuyết tật.
Nhiều công ty cũng đang tìm đến các tổ chức, chuyên gia về khuyết tật để tuyển dụng và được tư vấn như vậy. Họ hiểu rằng chỉ cần nỗ lực tìm tòi và có sự quan tâm, năng lực của người khuyết tật, cũng như những đối tượng dễ bị tổn thương khác sẽ được phát huy và đóng góp cho doanh nghiệp của mình.
Việc làm giúp chính những người lao động này khẳng định một cách mạnh mẽ phẩm giá của họ, điều quý giá và có ý nghĩa hơn rất nhiều những món quà từ thiện. Điều quan trọng hơn nữa, doanh nghiệp thông qua đó đã xây dựng được hình ảnh đẹp về trách nhiệm xã hội và sự tiến bộ, văn minh của mình.
(Theo // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com