Một khảo sát của Cục Quản lý cạnh tranh tại hơn 1.000 doanh nghiệp lớn, nhỏ trong cả nước cho thấy, có đến 44,8% doanh nghiệp được phỏng vấn chưa biết đến Luật Cạnh tranh.
Đây là kết quả được công bố tại hội thảo “Thực tiễn áp dụng Luật Cạnh tranh trong một số lĩnh vực chuyên ngành: kinh nghiệm của Nhật Bản và thực tiễn ở Việt Nam - Những vấn đề đặt ra” ngày 6/11 ở Đà Nẵng.
Theo khảo sát kể trên, phần lớn các doanh nghiệp được tiếp cận Luật Cạnh tranh thông qua con đường tự tìm hiểu.
Do không nhận thức đúng đắn nên dẫn đến nhiều vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Cục Quản lý cạnh tranh lại được chuyển cho cơ quan quản lý ngành giải quyết.
Hội thảo được tổ chức nhằm nâng cao hiểu biết về Luật Cạnh tranh, giới thiệu thực tiễn tiếp cận và giải quyết các vấn đề trên ở nước ngoài để vận dụng vào điều kiện của nền
kinh tế Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật cạnh tranh.
Ông Bùi Bá Phú, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh cho biết cạnh tranh được xem là yếu tố đảm bảo cho sự vận hành và phát triển của nền kinh tế thị trường. Sự ra đời của Luật Cạnh tranh năm 2005 và một số luật như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư đã góp phần tạo lập một môi trường pháp lý lành mạnh và bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, khi Luật điều chỉnh các lĩnh vực chuyên ngành được xây dựng mới hoặc được điều chỉnh cùng với sự hình thành các cơ quan quản lý chuyên ngành thường có xu hướng hình thành các quy định điều tiết về cạnh tranh trong các lĩnh vực chuyên ngành và do cơ quan quản lý chuyên ngành thực hiện.
Chính các quy định này dẫn đến những mâu thuẫn, chồng chéo với Luật Cạnh tranh, gây khó khăn cho việc áp dụng các quy định của Luật Cạnh tranh đối với doanh nghiệp, ông Bá Phú cho biết.
Bà Trần Phương Lan, Trưởng Ban Giám sát và Quản lý cạnh tranh thuộc Cục Quản lý cạnh tranh cho rằng, mặc dù đã có những kết quả nhất định nhưng mức độ nhận thức Luật Cạnh tranh, kể cả ý thức sử dụng công cụ Luật Cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp còn ở mức độ khiêm tốn.
Bà Kumiko Tanaka, Chuyên gia thường trú của Ủy ban Thương mại công bằng Nhật Bản (JFTC) tại Việt Nam cho biết quan hệ giữa cơ quan cạnh tranh và cơ quan điều tiết ngành là yếu tố then chốt trong việc đưa Luật Cạnh tranh tới thị trường.
Tại Nhật Bản, việc xử lý các vấn đề phát sinh khá đơn giản, nếu vấn đề thuộc cạnh tranh sẽ do cơ quan cạnh tranh giải quyết và các vấn đề khác không thuộc cạnh tranh sẽ do các cơ quan quản lý chuyên ngành giải quyết. Nếu vấn đề liên quan tới cả hai cơ quan sẽ do cả hai cơ quan giải quyết./.