Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Doanh nhân Việt và cuộc sàng lọc nghiệt ngã

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Tiền Phong có cuộc trò chuyện với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. Theo bà Lan, không có doanh nhân nước nào lại trải qua thời kỳ khó khăn như các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

Bà Chi Lan nói: Trước tiên, đó là lạm phát từ cuối năm 2007 kéo dài đến hết 2008. Nhiều doanh nghiệp khốn đốn gì giá cả và lãi suất ngân hàng leo thang. Lạm phát ép doanh nghiệp vào chỗ suy kiệt.

Tiếp theo đó là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu từ cuối 2008 đến nay. Tôi gọi chúng là những cơn bão. Cả hai cơn bão đều mạnh và có sức tàn phá kinh khủng như nhau.

Lực lượng doanh nhân Việt Nam, những người đang đương đầu với sóng gió - Ảnh: Đại Dương

Chỉ 20 phần trăm doanh nghiệp đứng vững

Bà có nghĩ những sóng gió đó vượt sức chịu đựng của doanh nhân Việt?

Đối với các doanh nhân Việt Nam, nó còn hơn cả cuộc sàng lọc. Có những doanh nghiệp tưởng có thể chống chọi với suy thoái nhưng đã gục ngã. Hai cơn bão đã tàn phá nặng nề doanh nghiệp Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Nhiều doanh nghiệp Việt bị tổn thương nghiêm trọng, phải giải thể, phá sản hoặc sáp nhập vào Cty khác. Số khác để tiếp tục tồn tại phải cấu trúc lại.

Không phải tất cả đều có chung kết cục như thế. Vẫn có doanh nghiệp đứng vững qua hai cơn bão lớn. Tuy nhiên, theo chủ quan của tôi, con số này không nhiều, chỉ khoảng 20 phần trăm tiếp tục đứng vững và phát triển trong thời gian tới. 

Doanh nghiệp Việt Nam học được gì qua cơn bão nặng nề đó, thưa bà?

Từ những hậu quả trên, tôi cho rằng các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam nói chung cần rút ra một số bài học kinh nghiệm.

Thứ nhất, đó là hệ thống doanh nghiệp. Chỉ những doanh nghiệp có hệ thống quản trị tốt mới  có sức bền vững trong suy thoái. Số 20 phần trăm doanh nghiệp tiếp tục đứng vững và phát triển sau bão như tôi nói trên đã chứng minh được điều đó.

Thứ hai là nguồn nhân lực. Những doanh nghiệp có nguồn nhân lực ổn định, có đào tạo và được sắp xếp khoa học, đúng người đúng việc sẽ trụ vững trước sóng to gió lớn.

Bài học thứ ba là thị trường. Không phải xuất khẩu là thị trường duy nhất, ổn định cho sự phát triển của doanh nghiệp. Tôi tin rằng, nhiều doanh nghiệp đã thấm thía bài học này. Đây là bài học lớn.

Bài học thứ tư là sự liên kết. Doanh nghiệp phải biết liên kết với nhau, phải tìm cho mình những đối tác chiến lược để tạo sức mạnh tổng hợp trên thương trường.

"  Các doanh nhân Việt Nam nên bình tĩnh và tin tưởng vào Chính phủ. Mặt khác phải nhanh chóng tái cấu trúc lại doanh nghiệp của mình để phù hợp với sự phát triển mới của nền kinh tế toàn cầu " - Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Theo bà, doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam đã hoàn toàn thoát khỏi bão?

Nhiều chuyên gia lạc quan cho rằng, cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đã đạt đến điểm thấp nhất của nó. Tất cả những dấu hiệu cho thấy cơn bão đã đi qua.

Tuy nhiên, chưa ai dám khẳng định và lạc quan nói rằng, nền kinh tế đang phục hồi. Sự phục hồi có thể phải mất vài ba năm. Doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam tạm thời thoát bão nhưng khó khăn vẫn ở phía trước.

Trong cơn bão khủng hoảng tài chính, vai trò của Chính phủ như thế nào, và bà có cho rằng Chính phủ là chỗ dựa cho doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam?

Chính phủ đã làm tốt vai trò của mình đối với doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam, đã tạo niềm tin cho họ, cùng họ vượt qua khó khăn.

Trước hết, đối với cơn bão lạm phát, Chính phủ đã đưa ra gói tám giải pháp nhằm ngăn chặn lạm phát. Những giải pháp này đã phát huy hiệu quả. Kết quả là lãi suất vay ngân hàng giảm đáng kể từ mức kỷ lục trên 20 phần trăm. Những giải pháp này cũng nhắm đến việc cấu trúc lại chi tiêu và đầu tư công, nhất là kiểm soát các doanh nghiệp nhà nước.

Tiếp theo sau đó là gói năm giải pháp nhằm chống suy giảm kinh tế, hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng, giảm và gia hạn thuế cho nhiều đối tượng doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã hưởng lợi từ nhóm giải pháp này và đã giải quyết được nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, cũng có nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn không phải nhờ vào sự giúp đỡ từ Chính phủ mà do tự lực cánh sinh.

Ưu tư về phân bổ nguồn lực

Doanh nhân TP Hồ Chí Minh gặp mặt tại Dinh Thống Nhất - Ảnh: Đại Dương

Theo bà, các doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam đang lo lắng điều gì?

Doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam có nhiều lo lắng và ưu tư. Tuy nhiên, tôi cho rằng họ đang quan tâm đến những hành động của Chính phủ. Trước mắt là họ đang chú ý đến sự hỗ trợ hay nói cách khác là gói kích cầu thứ hai của Chính phủ.

Họ quan tâm không phải trông mong được trợ cấp từ Nhà nước mà để quyết định hướng đi trong giai đoạn tiếp theo. Nhiều doanh nghiệp tự phát triển theo hướng riêng của mình và chính sách kinh tế của Chính phủ chỉ là tham khảo.

Họ cũng quan tâm đến định hướng phát triển của Chính phủ đối với nguồn lực quốc gia và doanh nghiệp nhà nước. Họ băn khoăn các nguồn lực đó sẽ được Chính phủ phân bổ như thế nào, hay chỉ tập trung vào tay phần lớn các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế nhà nước. Việc phân phối nguồn lực kém sẽ kéo theo sự phát triển yếu kém của nền kinh tế.

Bà có lời khuyên nào cho doanh nghiệp và doanh nhân cũng như cho Chính phủ Việt Nam?

Xin nói thêm về nguồn lực quốc gia. Tôi cho rằng, Chính phủ cần có định hướng rõ ràng đối với vấn đề này. Không thể tiếp tục để các nguồn lực đó sử dụng một cách lãng phí. Cần phân bổ cho xã hội, doanh nghiệp tư nhân. Việc giám sát và thực hiện kiểm toán nhà nước đối với các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước là hướng đi tích cực cho định hướng đó của Chính phủ.

Vấn đề thứ hai, Chính phủ cần xem trọng việc phát triển ngành nông nghiệp. Qua cuộc suy thoái, ngành nông nghiệp đã khẳng định vai trò của mình. Chính ngành nông nghiệp Việt Nam có đủ sức chống chọi với suy thoái và cứu nền kinh tế Việt Nam.

Việt Nam là nước nông nghiệp, vì vậy, Chính phủ nên tiếp tục phát triển ngành này. Nó cũng sẽ tạo cơ sở để phát triển các ngành công nghiệp khác, trong đó có ngành chế biến nông sản, nuôi sống 60 - 70 phần trăm dân số Việt Nam.

(Theo Đại Dương - Nam Dương // Tienphong Online)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
Thanh Dũng Furniture - Nội thất Thanh Dũng

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao