Các doanh nghiệp nhận định, các dây chuyền sản xuất hiện đại, đồng bộ và tự động hóa sẽ đảm bảo chất lượng sản phẩm. Ảnh: Minh Tâm |
Nhiều doanh nghiệp hiện đã chú trọng nhiều hơn đến việc đầu tư máy móc thiết bị hiện đại trong chế biến và đóng gói bao bì. Theo các doanh nghiệp, điều này không chỉ làm gia tăng giá trị sản phẩm mà còn là cam kết với người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm.
Anh Tiến Hải, chủ cơ sở thu mua-chế biến hàng thủy sản tại xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, nhà cung cấp các loại tôm khô và khô cá cho hệ thống siêu thị Co.opmart cho biết, các loại máy móc thiết bị sử dụng trong cơ sở chiếm khoảng 30% vốn. Anh đã đầu tư khoảng 300 triệu đồng để trang bị các loại tủ đông, máy sấy, lò sấy, máy sàng tôm…
Nhưng đây mới chỉ là những thiết bị cần thiết cho quá trình sản xuất, chế biến sản phẩm. Sắp tới, anh sẽ phải đầu tư thêm kho đông lạnh, máy đóng gói và máy hút chân không.
Theo anh Hải, hiện nay, hàng của cơ sở anh vẫn đang phân phối với số lượng lớn cho các siêu thị và đại lý mà chưa qua đóng gói thành phẩm. Với siêu thị, anh chuyển mẫu nhãn mác, bao bì cho siêu thị in ở TPHCM vì chi phí thấp hơn rồi siêu thị tự đóng gói, bán ra thị trường.
"Cách làm này tính giá thành thấp hơn so với việc in ấn, đóng gói ngay tại cơ sở rồi vận chuyển. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ sớm mua thêm máy đóng gói, tự đóng gói thành phẩm. Như vậy để tránh mọi trường hợp hàng nhái, hàng giả. Máy hút chân không thì sẽ giúp gia tăng thời gian bảo quản sản phẩm, dễ cho phần vận chuyển” - anh Hải nói.
Ông Phan Văn Thiện, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Bibica nhìn nhận, các thiết bị tốt, đồng bộ là điều tối quan trọng để tạo nên sản phẩm chất lượng tốt, ổn định như mong muốn của nhà sản xuất.
“Với dây chuyền bánh chocopie ở nhà máy Bibica miền Đông tại khu công nghiệp Mỹ Phước 1, tỉnh Bình Dương, từ khâu trộn nguyên liệu tới đóng gói thành phẩm đều hoàn toàn tự động. Ngoài ra, nó còn có thêm hai máy phát hiện kim loại và máy kiểm soát trọng lượng sản phẩm nhằm đảm bảo chất lượng của từng chiếc bánh khi xuất xưởng” - ông Thiện nói.
Cũng theo ông Thiện, những dây chuyền công nghệ cao sau khi được đầu tư đã giúp tăng 20% doanh thu hàng năm cho Bibica so với trước đó. Ông Thiện nhận định: “Xu thế tất yếu hiện nay của các nhà sản xuất là đầu tư những thiết bị hiện đại, đồng bộ và tự động hóa nhằm giảm thiểu thấp nhất những lỗi chủ quan do con người gây ra khi có nhiều công đoạn thủ công”.
Đại diện các doanh nghiệp cho biết, thị trường các thiết bị chế biến và đóng gói thực phẩm hiện khá sôi động, đa dạng các loại máy với nhiều mức giá và chất lượng khác nhau. “Quan trọng là mức đầu tư của mình, còn thị trường thì luôn sẵn sàng. Các thiết bị liên tục được cải tiến về năng suất và tiện ích” - giám đốc một doanh nghiệp nói.
Việt Nam đang được đánh giá là thị trường tiềm năng của các thiết bị phục vụ ngành chế biến và đóng gói bao bì khi các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với quy mô lớn liên tục tăng nhanh trong những năm vừa qua, đặc biệt là các dự án về thực phẩm, dược phẩm, y tế... Việt Nam cũng là nước phát triển mạnh ngành thức ăn chế biến, có thị trường tăng trưởng nhanh nhất khu vực với kim ngạch xuất khẩu thực phẩm đạt 9 tỉ đô la Mỹ vào năm 2009. Trong khi đó, ngành công nghiệp chế biến nhựa, điện tử và sản xuất ô tô, xe máy cũng đang phát triển nhanh với mức tăng trưởng kỳ vọng cao. Do vậy nhu cầu hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, thay đổi phương thức sản xuất lâu đời cũng như về các giải pháp đóng gói tiên tiến được dự đoán sẽ không ngừng tăng. |
(Theo Minh Tâm // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com