Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan (giữa) cùng các diễn giả tại diễn đàn - Ảnh: Quốc Hùng |
Để hướng tới sự phát triển bền vững hơn sau khủng hoảng kinh tế, doanh nghiệp cần phải tăng cường đổi mới công nghệ, tái cấu trúc để cạnh tranh.
Đó là những nhận định của lãnh đạo, nhà quản lý, chuyên gia kinh tế tại Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam 2010 với chủ đề “Kinh tế Việt Nam thời kỳ hậu khủng hoảng: Cơ hội và thách thức”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vào ngày 3-3 tại TPHCM. Diễn đàn thu hút gần 500 doanh nghiệp tham gia là khởi đầu cho một loạt sự kiện của tuần lễ kỷ niệm 100 năm ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3) do VCCI tổ chức. Theo Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, một điều dễ nhận thấy là nền kinh tế thế giới đang trong quá trình tái cấu trúc, với tốc độ luân chuyển khoa học, công nghệ, kỹ thuật rất cao, vì theo quy luật, để hướng tới sự phát triển bền vững hơn sau khủng hoảng cần phải tăng cường đổi mới công nghệ, tái cấu trúc kinh tế. Bất cứ nước nào chiến thắng trong cuộc cạnh tranh về phát triển công nghệ sẽ dẫn đầu trong chu kỳ tăng trưởng mới. Theo Phó chủ tịch nước, đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp. Do vậy, Phó chủ tịch Nguyễn Thị Doan khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện việc tái cấu trúc hoạt động nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ quản lý… Đi đôi với việc duy trì thị trường xuất khẩu truyền thống, các doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư nghiên cứu để phát triển thị trường nội địa với 86 triệu dân. Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cũng cho rằng giai đoạn hậu khủng hoảng là tái cấu trúc nền kinh tế của đất nước và doanh nghiệp cũng phải tái cấu trúc để phát triển. Vấn đề then chốt của tái cấu trúc, theo ông Nghĩa là việc đổi mới công nghệ. Việt Nam chưa có chợ công nghệ, nhưng theo ông Nghĩa, đây là thời điểm tốt để doanh nghiệp đổi mới công nghệ vì hiện nay trên thế giới công nghệ rất nhiều và việc chuyển giao rất dễ dàng với chi phí thấp do thế giới đang khủng hoảng, công nghệ làm ra khộng được tiêu thụ nhiều. Ông Nghĩa cho rằng, việc thay đổi công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp rất nhiều trong việc cải tiến chất lượng sản phẩm, nâng cao năng suất đồng thời giải quyết một lượng lớn lao động phổ thông vốn đang ngày càng khó khăn trong việc tuyển dụng hiện nay ở Việt Nam. Tuy nhiên, thách thức lớn hiện nay đối với doanh nghiệp là việc huy động nguồn vốn vay, trong khi ông Nghĩa cũng thừa nhận rằng các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó có thể tiếp cận được nguồn vốn vay của các ngân hàng. Ông Nghĩa cho rằng, trong việc tái cấu trúc nền kinh tế, Chính phủ cần đưa ra những chính sách cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng một cách thuận lợi hơn.
(Theo Quốc Hùng // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com