Chuyến bay đầu tiên của Qatar Airways từ Doha đến Hà Nội đã hạ cánh ngày 1/11 |
“Việc khai trương đường bay mới tới Hà Nội và tăng tần suất lên 1 chuyến bay/ngày cho tuyến TP.HCM của Qatar Airways giúp chúng tôi có thể tăng lợi thế cạnh tranh của Hãng so với các đối thủ khác và mở rộng thị phần”, ông Akbar Al Baker, Tổng Giám đốc điều hành của Qatar Airways cho biết.
Sở dĩ sự kiện Qatar Airways khai trương đường bay mới tới Hà Nội được đánh giá cao là bởi đây là hãng hàng không quốc tế hiếm hoi đạt được thương quyền 5 với Việt Nam trong việc nhận hành khách, hàng hoá, thư tín từ nước thứ hai để chở đến nước thứ ba. Qatar Airways cũng chính là hãng hàng không 5 sao duy nhất hoạt động trên các tuyến bay này. “Không chỉ hướng tới con số hơn 100.000 người Việt Nam đang lao động tại Qatar, chúng tôi hy vọng sẽ tạo điều kiện để gia tăng cơ hội thông thương, du lịch giữa hai nước”, đại diện Qatar Airways cho biết.
Nếu Qatar Airways tăng cường hoạt động tại Việt Nam, thì bắt đầu từ ngày 2/11, Air France khai thác lại đường bay thẳng từ TP.HCM, Hà Nội sang Paris (và ngược lại) sau 6 năm ngưng trệ, với tần suất 10 chuyến/tuần. Trong đó, 3 chuyến bay vào các ngày thứ Tư, thứ Sáu và Chủ nhật do Air France khai thác bằng máy bay Boeing 777-300 với 371 chỗ; 7 chuyến bay còn lại (2 chuyến từ TP.HCM, 5 chuyến từ Hà Nội) sẽ bay liên danh với Hãng hàng không Vietnam Airlines.
Trước đó vài ngày, Hãng hàng không quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ (Turkish Airlines) cũng đã giới thiệu đường bay mới TP.HCM - Istanbul và sẽ thực hiện chuyến bay chính thức đầu tiên vào ngày 30/12 tới. Turkish Airlines sẽ bay với tần suất 4 chuyến/tuần bằng máy bay A340 gồm 270 ghế và các chuyến bay sẽ quá cảnh tại sân bay Bangkok của Thái Lan.
“Việc các hãng hàng không lớn trên thế giới mở các đường bay tới Việt Nam cho thấy sức hấp dẫn lớn của thị trường này. Tuy nhiên, tín hiệu tích cực này chưa đủ cơ sở để khẳng định, chúng ta đã trở thành điểm trung chuyển hàng không lớn trong khu vực”, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết.
Được biết, ngoại trừ Air France, các hãng hàng không lớn đều chọn những trung tâm trung chuyển ở khu vực như Bangkok, Hồng Kông, Đài Loan làm điểm đến chính, rồi từ đó “thò vòi bạch tuộc” tới Việt Nam để gom khách. “Việt Nam mới chỉ là một điểm đến kéo dài trong mạng đường bay của các đại gia hàng không”, ông Thanh cho biết.
Các hãng quốc tế khi quá cảnh ở Hồng Kông, Bangkok... đều đã lấy được khách và không sợ lỗ cho chặng bay từ các điểm trung chuyển đó tới Việt Nam. Trong khi đó, theo các chuyên gia, mặc dù hàng không Việt Nam, trong vòng hơn chục năm trở lại đây, đều có mức tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước từ 15 đến 20%, nhưng chưa đủ để có thể bứt phá lên top trên của bảng xếp hạng thị trường hàng không trong ASEAN. Để có thể trở thành một điểm trung chuyển hàng không lớn của khu vực, Việt Nam cần phải hội tụ được nhiều yếu tố, như duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, hấp dẫn các nhà đầu tư, du lịch, thị trường hàng không phát triển...
Riêng trong lĩnh vực hàng không, nhiều chuyên gia trong ngành nhận định, cần phải có những chuyển biến đầu tư mạnh mẽ, như xây các hub (trung tâm trung chuyển hàng không) hành khách và hàng hóa lớn, nâng cao năng lực vận chuyển của hãng hàng không nội địa, điều chỉnh chính sách không tải, không hạn chế các thương quyền 5, 6, 7 để thu hút các hãng hàng không quốc tế đến Việt Nam lấy khách... “Nếu chúng ta tạo được sự đột phá trong cả ba lĩnh vực này, thì đến năm 2020, vị thế của Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Long Thành, Chu Lai sẽ khác hẳn trên bản đồ hàng không thế giới”, ông Thanh bình luận.
(Theo Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com