Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Dù muốn hay không toàn cầu hóa cũng sẽ đến với bạn

Những doanh nhân tham dự khóa học "Nâng cao năng lực lãnh đạo cao cấp của doanh nghiệp thời toàn cầu hóa" trong một buổi gặp mặt trao đổi kinh nghiệm tại TPHCM. Ảnh: Lê Toàn.

Hai mươi bốn doanh nhân đến từ những công ty lớn, có công ty đang dẫn đầu lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh, bất động sản, dịch vụ, quỹ đầu tư, hàng gia dụng, đã tham dự khóa học “Nâng cao năng lực lãnh đạo cao cấp của doanh nghiệp thời toàn cầu hóa”.

Đặc điểm đầu tiên của khóa học là các thành viên phải tự lo chi phí và chương trình được thiết kế sát với nhu cầu đặt hàng của các đơn vị, thông qua những hoạt động thường xuyên của họ với Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC).Khóa học do Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC) đề xuất tổ chức với mục tiêu phi lợi nhuận, cùng với LBC, nhằm nâng cao năng lực của doanh nghiệp qua việc học tập, tương tác, chia sẻ kinh nghiệm thực hành quản trị.

Đặc điểm thứ hai là cách dạy và học. Ban giảng huấn của Đại học Kinh doanh Anderson, thuộc Đại học UCLA, đề xuất hướng học tập tương tác và chú trọng việc nghiên cứu các tình huống cụ thể, bên cạnh việc cung cấp kiến thức quản trị được hệ thống hóa và tinh gọn dành cho những người đang thực sự lãnh đạo doanh nghiệp, có đủ sự trải nghiệm và hiểu rõ nhu cầu nâng cao năng lực của chính mình.

Sau mỗi đề tài, học viên sẽ viết bài thu hoạch và cuối chương trình có bài thu hoạch chung. Những bài thu hoạch do các nhà quản trị cao cấp thực hiện tại khóa học trên sẽ được giới thiệu lần lượt trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, bắt đầu từ số báo tuần này.

Đối phó với toàn cầu hóa

Câu nói của Giáo sư Robert Spich, Đại học Anderson, UCLA: “Dù muốn hay không toàn cầu hóa cũng sẽ đến với bạn” đã khiến tôi ngộ ra nhiều điều.

Toàn cầu hóa là một quá trình chuyển động toàn cầu mang tính khách quan. Nó như một dòng chảy mạnh mẽ. Để thích ứng, ta chỉ có thể chọn một trong hai cách, hoặc để nó cuốn đi, nhấn chìm hoặc chủ động bơi theo dòng chảy, tìm cách nổi trên mặt nước và khi có cơ hội thì tác động đến dòng chảy sao cho có lợi nhất.

Đối với Việt Nam, nếu quan sát đời sống và xu hướng tiêu dùng của người dân trong những năm gần đây, có thể thấy rõ toàn cầu hóa đang hiện diện, tác động đến đời sống và công việc kinh doanh của chúng ta.

Phải nổi trên mặt nước để nhìn thấy toàn bộ dòng chảy, để có thể biết mình đang ở đâu và cần đi đâu. “Tư duy toàn cầu - Hành động địa phương” (Think Global - Act Local), theo tôi, là một trong những cách tiếp cận hiệu quả và phù hợp nhất về tư duy chiến lược. Để có tư duy chiến lược như vậy, chúng ta phải đặt mình vào trong một bức tranh lớn hơn. Nói một cách đơn giản là ta cần nhìn thế giới không có biên giới với tự do thương mại ngày càng rõ nét hơn.Nhìn rộng hơn, nhìn xa hơn chính là điều quan trọng trong tư duy chiến lược.

Đã đến lúc chúng ta cần hiểu đối thủ cạnh tranh không phải là những công ty trong nước mà là những công ty, tập đoàn nước ngoài. Họ có thể đến Việt Nam bất cứ lúc nào. Đã đến lúc chúng ta phải nắm bắt được những xu hướng của thế giới về công nghệ cũng như tiêu dùng. Khi đọc một mẩu tin về một sự kiện nào đó trên thế giới, ta cần thấy được ảnh hưởng của nó đến Việt Nam, đến công việc kinh doanh của chính mình.

Chiến tranh tiền tệ giữa Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu, nguy cơ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên… đều ít nhiều ảnh hưởng đến chúng ta. Ta có chiến lược gì để giảm những ảnh hưởng của sự bất ổn nằm ngoài tầm kiểm soát?

Nổi trên mặt nước được rồi thì bơi làm sao? Chiến lược tiếp thị toàn cầu, chiến lược tài chính, quản trị hoạt động, quản trị nhân sự... chính là những mái chèo. Nếu áp dụng một cách tài tình, những yếu tố trên sẽ trở thành động cơ để ta có thể bơi hoặc lướt trên dòng chảy toàn cầu hóa.

Trong quản trị, “dòng tiền” (cash flow) chính là nguồn năng lượng để doanh nghiệp hoạt động. Nếu để hết năng lượng thì dù có chiếc phao tốt nhất ta cũng có thể bị nhấn chìm. Hãy tưởng tượng hình ảnh một chiếc ca nô hết nhiên liệu giữa một vùng nước siết. Những thất bại của doanh nghiệp Việt Nam, hoặc doanh nghiệp trên thế giới, thường do “hết xăng”, mặc dù có sản phẩm, chiến lược và lực lượng nhân sự tốt.

Bơi được rồi, nhìn quanh, ta thấy nhiều người cũng bơi trên dòng chảy toàn cầu. Trong số đó có người bơi chậm, có người bơi nhanh, có người sắm chiếc ca nô to, có nhiều người hùn tiền mua cả một chiếc tàu. Họ ùn ùn vượt qua chúng ta, thậm chí tràn qua và nhấn chìm chúng ta. Đó là cạnh tranh toàn cầu.

Đối với Việt Nam hiện nay, ngay trên thị trường nội địa, sự cạnh tranh toàn cầu cũng đang diễn ra hàng ngày. Để cạnh tranh, chúng ta tự hỏi liệu mình đã đi đúng hướng chưa, có làm đúng và làm tốt nhất những gì thuộc về năng lực lõi của mình?

Năng lực lãnh đạo trên dòng chảy toàn cầu

Để tăng sức cạnh tranh, ta cần sáng tạo (innovation), tạo ra giá trị... Đây là những khái niệm không mới nhưng cần được hiểu lại trong bối cảnh tư duy toàn cầu.

Ai sẽ làm ra chiếc phao, mái chèo hay động cơ, đảm bảo nguồn nhiên liệu đầy đủ, làm công việc sáng tạo…? Câu hỏi này lại dẫn đến câu hỏi: Vậy năng lực lãnh đạo của bạn tới đâu? Hình ảnh người lãnh đạo được vẽ trên chóp của kim tự tháp đang được thay bằng hình ảnh kim tự tháp ngược mà người lãnh đạo nằm phía dưới; hay hình ảnh người lãnh đạo đứng ở ngoài vòng tròn đang được thay bằng hình ảnh người lãnh đạo là một mắt xích trong vòng tròn.

Năng lực lãnh đạo trên dòng chảy toàn cầu đòi hỏi nhiều yếu tố nhưng cũng chính trong bối cảnh này mà mô hình nhà lãnh đạo không hoàn hảo hình thành. Một trong những tố chất quan trọng của nhà lãnh đạo là phải biết những chỗ thiếu và yếu của chính mình để tìm người tài bù đắp vào đó, mang lại thành công cho doanh nghiệp. Dựa trên cơ sở nào người ta đưa ra khái niệm này? Đó là sự thành công trong thực tế của các giám đốc điều hành (CEO) toàn cầu.

Ông Mike White, cựu CEO của Pepsi toàn cầu và hiện là CEO của Direct TV, chia sẻ: “Khi nhận nhiệm vụ sáp nhập hai mảng thực phẩm và đồ uống tại Pepsi, tôi chỉ thấy đó là điều hợp lý nhưng chưa biết phải làm thế nào. Tôi đã nhờ giám đốc phụ trách hai mảng trên cho ý kiến và đưa ra chương trình hành động vì chỉ có họ mới biết nên làm như thế nào.

Tôi không biết cách phóng vệ tinh lên không trung, chỉ có các nhà khoa học và kỹ sư của tôi biết rõ nhất. Công việc của tôi là tạo điều kiện tốt nhất để họ thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu quả nhất”. Hóa ra ông White được trả lương vài triệu đô la Mỹ mỗi năm là nhờ biết rõ điều mình không biết! Đối với Việt Nam, có thể sẽ cần một cách tiếp cận khác, nhưng kinh nghiệm và sự thành công của cựu CEO của Pepsi là điều ta cần suy nghĩ kỹ.

Có cách nào làm thay đổi dòng chảy hay có thể tạo ra những vùng nước yên bình? Nếu có tư duy chiến lược đúng, vận hành doanh nghiệp thật tốt, sáng tạo và tạo ra giá trị mới, sử dụng khả năng lãnh đạo để vận dụng nội lực và ngoại lực, chấp nhận rủi ro thì mọi việc đều có thể. Tinh thần doanh nhân (entrepreneurship) chính là một trong những yếu tố cốt lõi có thể giúp ta giành thế chủ động trên dòng chảy toàn cầu hóa.

Cũng cần lưu ý là tùy nền văn hóa, tình hình kinh tế, chính sách vĩ mô mà tinh thần doanh nhân sẽ có sự khác biệt. Điều này có thể thấy rõ tại California. Các doanh nhân tại đây đang có xu hướng thành lập công ty về công nghệ thông tin để bán lại cho các tập đoàn lớn vì đây là trung tâm phát triển về công nghệ thông tin.

Tại Singapore, các doanh nhân thường giành hợp đồng độc quyền các sản phẩm nổi tiếng trên thế giới tại thị trường châu Á-Thái Bình Dương hay nhanh nhạy trong việc giành các hợp đồng mua bán (trên trang web của các sản phẩm nổi tiếng đều thấy có đại diện thương mại tại Singapore).

Tại Việt Nam, theo quan sát và nhận định cá nhân của tôi, nhiều doanh nhân Việt Nam cùng lúc tham gia rất nhiều ngành nghề, đây là điều hay nhưng liệu có bền vững khi thị trường ngày càng đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao hơn, người tiêu dùng ngày càng thông minh hơn và đặc biệt là chúng ta đang ở trên dòng chảy toàn cầu hóa.

Lúc này tôi cảm thấy chiến lược “hãy làm những gì bạn làm tốt nhất” (do what you do best) ngày càng phù hợp hơn với doanh nghiệp Việt Nam. Chiến lược này đã được nhiều doanh nghiệp trên thế giới chứng minh và áp dụng rất thành công.

Chúng ta có thể tạo ra một vùng nước bình yên của riêng mình nhưng không ai đảm bảo rằng nó sẽ tồn tại mãi. Câu nói: “Only thing cannot change is change” (“Chỉ có một thứ không bao giờ thay đổi chính là sự thay đổi”, hay “Hãy tự thay đổi trước khi sự thay đổi làm bạn đổi thay”) ngày càng có ý nghĩa hơn trong quá trình kinh doanh trên dòng chảy toàn cầu hóa. Đây chính là lý do tôi có đến hơn 20 bạn học trong chuyến đi Mỹ vừa qua. Hy vọng có một chút thay đổi mang tính chiến lược cho chúng ta để thành công hơn nữa cho bản thân, cộng đồng doanh nhân và đất nước Việt Nam.

  • Triển khai hải quan điện tử: Chưa hết lo
  • Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tự in hóa đơn
  • Dịch vụ giá trị gia tăng của nhà mạng : Rằng đông thì thật là đông...
  • Đau đầu mua xe chạy phí
  • 110 doanh nghiệp nhận giải thương mại dịch vụ
  • May 10 phát triển hệ thống siêu thị M10 Mart
  • Vietnam Airlines đón hành khách thứ 12 triệu
  • Vinamilk tăng giá sữa nước thêm 3%
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
Thanh Dũng Furniture - Nội thất Thanh Dũng

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao