Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Triển khai hải quan điện tử: Chưa hết lo

Đại diện doanh nghiệp tham dự buổi tập huấn về hải quan điện tử tại hội trường Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1. Ảnh: Minh Tâm.

Từ ngày 1-1-2011, tất cả các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu ở ba loại hình: kinh doanh, sản xuất xuất khẩu và gia công trên địa bàn TPHCM đều phải thực hiện việc thông quan bằng hình thức hải quan điện tử (HQĐT).

Ngành hải quan đã nâng cấp phần mềm khai báo, hệ thống cơ sở hạ tầng và tập huấn nhân viên. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn chưa thể yên tâm với hình thức HQĐT vì vẫn còn đó những nhược điểm của đường truyền và phần mềm.

Khai báo điện tử

Tại buổi đối thoại giữa ngành hải quan và doanh nghiệp tại TPHCM lần thứ hai trong năm, do Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức vào tuần trước, ông Nguyễn Trọng Hùng, Phó cục trưởng Cục Hải quan TPHCM, cho biết: từ ngày 1-1-2011, 12/12 chi cục hải quan thuộc Cục Hải quan TPHCM sẽ đồng loạt triển khai HQĐT bằng phần mềm mới, xóa bỏ hình thức khai báo từ xa, thủ công. Riêng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 - cảng Cát Lái và Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Cảng chính thức áp dụng từ ngày 15-12-2010. Đây là bước đi đúng theo kế hoạch mà Cục Hải quan TPHCM đã cam kết với Tổng cục Hải quan và cũng là xu hướng tất yếu.

Trước đó, từ cuối tháng 11-2010, để chuẩn bị cho bước đi này, các chi cục hải quan trực thuộc đã tổ chức các buổi tập huấn cho doanh nghiệp nhằm thông tin và hướng dẫn về cách nâng cấp phần mềm, sao lưu dữ liệu khi chuyển đổi cũng như các vấn đề liên quan.

Điểm khác của phần mềm khai báo mới so với phần mềm cũ là thông tin khai báo của doanh nghiệp sẽ được truyền về Cục Hải quan TPHCM, sau đó chuyển về từng chi cục có hàng hóa cần thông quan thay vì truyền về trung tâm dữ liệu tập trung như trước đây. Với phần mềm khai báo mới, doanh nghiệp sẽ được cấp một tài khoản và mật khẩu duy nhất, được dùng chung trên toàn hệ thống khai báo với mọi loại hình.

Các doanh nghiệp vẫn tiếp tục được cung cấp phần mềm khai báo miễn phí của Tổng cục Hải quan. Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ công nghệ thông tin G.O.L và Công ty Phát triển công nghệ Thái Sơn là hai đơn vị đã được Tổng cục Hải quan chấp nhận kết nối phần mềm khai HQĐT. Ngoài phần mềm khai báo miễn phí, doanh nghiệp có thể lựa chọn một số gói sản phẩm có trả phí (bản thương mại) của hai công ty này để hỗ trợ phần mềm khai báo.

Tuy nhiên, điểm khác biệt của phần mềm mới là doanh nghiệp phải làm thủ tục hải quan tại đúng chi cục có hàng hóa cần thông quan. Ngoài ra, phần mềm mới được áp dụng tại TPHCM và một số cục hải quan có thể chưa đồng bộ, nên sẽ có tình trạng doanh nghiệp phải sử dụng song song hai phần mềm nếu làm thủ tục hải quan ở nhiều tỉnh, thành.

Những lo lắng

Tại buổi tập huấn về áp dụng HQĐT cho doanh nghiệp diễn ra tại các chi cục hải quan, đại diện nhiều doanh nghiệp tỏ ra lo lắng về việc áp dụng phần mềm mới. Phần mềm mới chỉ cho phép doanh nghiệp làm thủ tục ở đúng chi cục có hàng hóa cần thông quan, không thể làm thủ tục tại một chi cục cho tất cả các cảng như trước đây.

Điều này làm doanh nghiệp tốn thêm thời gian và nhân lực, khi phải cử nhân viên phụ trách xuất nhập khẩu xuống từng cảng có hàng để xác nhận thủ tục sau khi truyền dữ liệu, trong khi trước đây chỉ cần một người thực hiện thủ tục tại một cửa khẩu là đủ.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng họ phải tốn thêm thời gian cho việc làm quen quy trình, xây dựng mối quan hệ tại cửa khẩu mới. “Trước nay, chúng tôi đã quen quy trình làm thủ tục ở một cửa khẩu. Cán bộ hải quan tại đó cũng nắm rõ thông tin về công ty, hiểu mình làm ăn ra sao. Việc thay đổi nơi khai báo sẽ khiến chúng tôi mất thêm thời gian làm quen”, đại diện một doanh nghiệp tập huấn tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Cảng cho biết.

Lo lắng lớn nhất của hầu hết doanh nghiệp là đường truyền Internet. Đại diện Công ty Kiến trúc AA đặt câu hỏi: Liệu ngành hải quan có đảm bảo HQĐT sẽ hoạt động ổn định? Trả lời doanh nghiệp, ông Hùng cho biết ngành hải quan đã ghi chép tất cả những lỗi của phần mềm cũ để báo với bên viết phần mềm. Đồng thời đã đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ hải quan điện tử như nâng cấp đường truyền, tăng cường máy chủ, trang bị thêm máy trạm (máy tại các chi cục), máy tính cho cán bộ hải quan...Tuy nhiên, đây chỉ là những cố gắng từ phía ngành hải quan, còn thực tế khách quan thì chưa thể tính hết. Ví dụ như mất điện, đứt đường truyền.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Phó trưởng phòng Giám sát quản lý, Cục Hải quan TPHCM, cũng thừa nhận vấn đề lo lắng nhất khi triển khai HQĐT đại trà là tính ổn định của đường truyền Internet. “Chúng tôi chưa thể chắc chắn về đường truyền do nằm ngoài phạm vi của ngành. Bây giờ chưa phát sinh gì nhưng khi triển khai đồng loạt thì không biết mạng có chịu nổi không. Cái này phụ thuộc bên viễn thông, bên thông tin truyền thông”, ông Toản nói.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng chỉ ra rằng phần mềm khai báo mới chưa hoàn chỉnh. Anh Nguyễn Thanh Hùng, nhân viên xuất nhập khẩu Công ty TNHH Kiến Vương, cho biết trong phần mềm khai báo HQĐT mới chưa đưa bộ quy tắc thương mại quốc tế - Incoterm (International Commerce Terms) phiên bản 2010 vào. Điều này khiến doanh nghiệp không biết phải làm thế nào.

Trong khi đó, một kênh hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, là các đại lý khai thuê hải quan lại được đánh giá hoạt động chưa hiệu quả, thiếu chuyên nghiệp. Theo ông Toản, con số 48 đại lý về thủ tục hải quan đã được cấp phép hoạt động từ nhiều năm nay vẫn không thay đổi. Cả đại lý lẫn doanh nghiệp chưa thật sự cần nhau vì nhiều lý do.

Trước đây cơ quan quản lý khẳng định các đại lý sẽ được cấp thẻ để ưu tiên thông quan khi làm thủ tục. Tuy nhiên, trên thực tế lại không có bất cứ ưu tiên nào nên doanh nghiệp không mặn mà với hệ thống đại lý. Trong khi đó, phía đại lý khai thuê lại lo ngại về trách nhiệm sau khi thông quan. Theo ông Toản, chưa có những quy định rõ ràng để ràng buộc trách nhiệm giữa đại lý và doanh nghiệp. “Đại lý sợ rằng khi làm thủ tục xong, doanh nghiệp mang hàng bỏ đi mất thì họ không biết kêu ai”, ông Toản nói.

Theo đại diện Cục Hải quan TPHCM, trong trường hợp đường truyền hải quan điện tử bị nghẽn, trục trặc, doanh nghiệp sẽ được chuyển sang khai báo, thông quan thủ công. Nếu nhân viên hải quan cố ý không thực hiện hoặc kéo dài thời gian, doanh nghiệp có thể phản hồi ngay với lãnh đạo chi cục, cục qua đường dây nóng để được giải quyết. “Doanh nghiệp nên ghi lại số điện thoại đường dây nóng. Sau một tiếng đồng hồ không được xác nhận trên hệ thống, doanh nghiệp có thể phản ánh qua đường dây nóng để được giải quyết. Không thể có chuyện điện tử chậm hơn thủ công”, ông Toản khẳng định.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Dù muốn hay không toàn cầu hóa cũng sẽ đến với bạn
  • Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tự in hóa đơn
  • Dịch vụ giá trị gia tăng của nhà mạng : Rằng đông thì thật là đông...
  • Đau đầu mua xe chạy phí
  • 110 doanh nghiệp nhận giải thương mại dịch vụ
  • May 10 phát triển hệ thống siêu thị M10 Mart
  • Vietnam Airlines đón hành khách thứ 12 triệu
  • Vinamilk tăng giá sữa nước thêm 3%
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
Thanh Dũng Furniture - Nội thất Thanh Dũng

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao