Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đừng “đất hóa” các DN tăng trưởng nhanh

Trong khoảng 10 năm gần đây, có một xu hướng là các doanh nghiệp thành công, bao gồm cả các doanh nghiệp tư nhân hàng đầu của Việt Nam, không sớm thì muộn cũng chuyển sang kinh doanh bất động sản, hoặc kinh doanh ngân hàng, tài chính, và xa rời năng lực kinh doanh cốt lõi của mình.

Sau khi đạt tới một vị thế nhất định trong ngành kinh doanh chính của mình, và thậm chí đã đứng ở vị thế dẫn đầu ngành, các công ty lần lượt chuyển thành công ty bất động sản hoặc công ty dịch vụ, đặc biệt là ngân hàng tài chính.

Thành công nhờ "đất hóa"

Công ty khai thác gỗ chuyển thành công ty bất động sản. Công ty dây cáp điện chuyển thành công ty bất động sản. Công ty điện lạnh chuyển thành công ty bất động sản. Công ty vải lụa cũng chuyển thành công ty bất động sản. Đến ngay cả một ông lớn công nghệ và đầy thành công như FPT nhưng tỷ trọng doanh thu và lợi nhuận từ sản xuất phần mềm đang ngày càng co hẹp để nhường chỗ cho các dịch vụ như bán buôn, bán lẻ điện thoại hay dịch vụ Internet.

Như vậy, nhiều công ty hàng đầu Việt Nam không đặt ra chiến lược tăng cường năng lực sản xuất, áp dụng khoa học và công nghệ, nâng cao chất lượng và hội nhập vào thị trường quốc tế. Thay vào đó, các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, bao gồm cả các doanh nghiệp tư nhân, thường vẫn được coi là hy vọng của nền kinh tế, lại dồn sức vào những lĩnh vực đầu cơ như bất động sản hay chứng khoán. Khi từng doanh nghiệp không đầu tư để nâng cao năng suất và hiệu quả, mà dồn sức cho hoạt động đầu cơ, dễ hiểu tại sao hiệu quả và sức sản xuất của cả nền kinh tế lại ở mức rất thấp như thời gian vừa qua.

Nguyên nhân của tình trạng này thì có nhiều, nhưng tựu chung có một số nguyên nhân chính sau đây:

- Với những nút cổ chai của nền kinh tế về hạ tầng cơ sở, về nhân lực, về khoa học, công nghệ, các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân của Việt Nam đang thực sự gặp khó khăn để gia nhập vào chuỗi giá trị và sản xuất của khu vực và thế giới. Do vậy, khi gặp hạn chế về dung lượng thị trường trong nước, doanh nghiệp không còn dư địa để phát triển ngành sản xuất cốt lõi của doanh nghiệp, do hoạt động sản xuất của doanh nghiệp thường không có sức cạnh tranh quốc tế.

- Khát vọng của các ông chủ doanh nghiệp còn thấp. Họ vẫn ưa chuộng lợi ích ngắn hạn, tìm kiếm cơ hội đầu tư ngắn hạn, và sẵn sàng đổi cơ hội đầu tư và lợi ích dài hạn để lấy cơ hội đầu tư và những lợi ích ngắn hạn. Điều này cũng có thể phần nào phản ánh sự e ngại của các ông chủ doanh nghiệp tư nhân trước các doanh nghiệp nhà nước vẫn thường có vai trò "chủ đạo".

- Môi trường kinh doanh còn nhiều kẽ hở, khuyến khích các doanh nghiệp đầu cơ ngắn hạn và hạn chế các doanh nghiệp đầu tư dài hạn.

Doanh nghiệp FAST500 cần có đường đi của riêng

Ngày 24/2/2011, lần đầu tiên bảng xếp hạng TOP 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2010 (FAST500) đã được Vietnam Report và báo VietNamNet công bố rộng rãi trên cả nước. Bảng xếp hạng cho thấy rõ sự chiếm ưu thế tuyệt đối về số lượng của các doanh nghiệp trong ngành chế biến chế tạo, sự vươn lên của khu vực kinh tế tư nhân và những kết quả đáng ghi nhận của khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs).

Trong số các "ngôi sao đang lên" của nền kinh tế, đáng mừng là các doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp sản xuất - chế tạo chiếm tỷ trọng lớn.

Bảng xếp hạng FAST500 năm 2010 đã chứng kiến sự có mặt của rất nhiều doanh nghiệp tư nhân với tỷ lệ áp đảo 78% vượt xa so với khối các doanh nghiệp nhà nước (chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn 17%).

Đồng thời, đặc điểm nổi bật của FAST500 là DN trong ngành chế biến chế tạo đang chiếm số lượng đông đảo nhất, chiếm tới 49,2%; tiếp đến là ngành xây dựng và kinh doanh dịch vụ (cùng tỷ lệ 17%). Tính trong TOP 100 doanh nghiệp dẫn đầu trong bảng xếp hạng, số lượng doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo cũng chiếm tỷ lệ áp đảo với 38% so với mức 20% của ngành Kinh doanh Dịch vụ và 12% của ngành Xây dựng.

Trong số các ngành thuộc nhóm ngành Chế biến Chế tạo, ngành Sản xuất thực phẩm có số lượng doanh nghiệp nhiều nhất, chiếm 24,4% tổng số doanh nghiệp toàn ngành. Tuy nhiên bình quân CAGR (mức tăng trưởng kép hàng năm) giai đoạn 2006-2009 ngành Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn và sản xuất xe có động cơ lại khấm khá hơn cả.

Như vậy, trong số các doanh nghiệp thành công của Việt Nam ngày hôm nay - những ông lớn của nền kinh tế Việt Nam ngày mai - các doanh nghiệp tư nhân thuộc lĩnh vực sản xuất - chế tạo chiếm tỷ lệ áp đảo. Đây là tín hiệu rất đáng mừng, nhưng rõ ràng là chưa đủ. Nếu môi trường kinh doanh tiếp tục không thuận lợi, nếu các nút cổ chai về hạ tầng cơ sở, về nhân lực, về khoa học công nghệ tiếp tục không được cải thiện, thì tình trạng "đất hóa" các doanh nghiệp sản xuất thành công lại có thể bị lặp lại.

Nhà nước cần có chính sách phù hợp để tôn vinh, và quan trọng hơn là tạo môi trường phát triển thuận lợi, để các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh tiếp tục gia tăng đầu tư dài hạn vào các ngành sản xuất cốt lõi của mình. Có như vậy sức sản xuất và năng suất, hiệu quả của cả nền kinh tế mới được tăng cường.

( vef)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
Thanh Dũng Furniture - Nội thất Thanh Dũng

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao