Cục Hàng không không muốn VietJet Air trở thành một hãng hàng không với thương hiệu và logo giống như của AirAsia - Ảnh: Mộng Bình |
Hãng hàng không Đông Dương (Indochina Airlines) đang đứng trước nguy cơ bị rút giấy phép vì không còn vốn để duy trì hoạt động và trả nợ, còn Hãng hàng không cổ phần VietJet Air lại phải dời kế hoạch đến tháng 8 thay vì tháng 5-2010 như đã thông báo vì một số vấn đề phát sinh.
Hai trong số các vấn đề mà VietJet Air cần phải giải quyết hiện nay liên quan đến sử dụng thương hiệu của AirAsia và bán vé trên trang web chung với hãng hàng không giá rẻ hàng đầu châu Á này cho các chuyến bay của mình tại Việt Nam và quốc tế. VietJet Air hay VietJet AirAsia? Ngày 8-4 vừa qua, AirAsia và VietJet Air ký thỏa thuận hợp tác chiến lược tại Hà Nội, được xem là một trong các bước chuẩn bị cần thiết để hãng hàng không tư nhân được cấp phép đầu tiên tại Việt Nam cất cánh sau gần 3 năm nhận được giấy phép. VietJet Air dự kiến sẽ bay vào tháng 8-2010 theo mô hình hàng không giá rẻ của AirAsia và với tên thương mại dự kiến là VietJet AirAsia. Cũng trong ngày 8-4, Cục Hàng không dân dụng Việt Nam có công văn số 1064/CHK-VTHK gửi đến các hãng hàng không trong nước với nội dung ghi rõ các hãng này không được sử dụng, tiếp thị, quảng cáo, thể hiện biểu tượng, thương hiệu, nhãn hiệu của hãng hàng không nước ngoài cho dịch vụ vận chuyển của mình. Lý do, là điều này có thể gây nhầm lẫn hãng hàng không trong nước với hãng hàng không nước ngoài mà có thương hiệu được sử dụng. Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, Phó cục trưởng Cục Hàng không ông Lại Xuân Thanh cho rằng cơ quan này không thể chấp nhận kế hoạch của VietJet Air nếu hãng muốn xây dựng một hãng hàng không giống như một hãng hàng không của AirAsia với điều khác biệt duy nhất là chữ VietJet. Nhận định trên đưa ra vì một điều có thể nhận thấy là các hãng hàng không trong khu vực mà đã có đầu tư của AirAsia như Thai AirAsia và Indonesia AirAsia thường mang thương hiệu, logo, màu sơn chủ đạo của AirAsia. Tại Việt Nam, VietJet Air cũng chưa được cấp phép bay với tên thương mại là VietJet AirAsia như ông Thanh đã khẳng định. Ông nói: “Chúng tôi muốn VietJet Air phải tạo dựng một logo riêng xác định đây là một hãng hàng không của Việt Nam... chứ không thể biến VietJet Air thành một chi nhánh của AirAsia tại Việt Nam”. Cục Hàng không cũng đã xác định việc AirAsia mua 30% cổ phần của VietJet Air là phù hợp với luật, quy định hàng không của Việt Nam. Nhưng, ông Thanh cho rằng đầu tư vốn không liên quan gì đến thương hiệu. Có thể thấy, những bước đi của AirAsia vào thị trường hàng không Việt Nam cũng khá giống với kế hoạch mà đối tác nước ngoài của Jetstar Pacific đã thực hiện trong các năm qua. Vào tháng 4-2007, tập đoàn Qantas (Úc) đã ký với Tổng công ty đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) - cổ đông lớn nhất của Pacific Airlines để mua lại 30% cổ phần trị giá là 50 triệu đô la Mỹ của hãng hàng không giá rẻ đầu tiên tại Việt Nam. Vào tháng 5-2008, Pacific Airlines bắt đầu hoạt động với tên thương mại là Jetstar Pacific và theo mô hình hàng không chi phí thấp của Jetstar Airways – là hãng hàng không thuộc tập đoàn Qantas. Tuy nhiên, không lâu sau khi bay với thương hiệu Jetstar, và gắn thương hiệu cũng như biểu tượng của Jetstar Airways cho các hoạt động quảng bá, sự kiện của Jetstar Pacific tại Việt Nam thì hãng đã bị Cục Hàng không cảnh báo. Lúc đó, Jetstar Pacific cho rằng thương hiệu “Jetstar” do hãng sử dụng hoàn toàn phù hợp với Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp các văn bằng đăng ký nhượng quyền thương hiệu liên quan. Sau một số lần bị nhắc nhở, đầu tháng 11-2009 thì Bộ Giao thông Vận tải chính thức yêu cầu Jetstar Pacific phải đổi thương hiệu, logo để tránh khiến người ta hiểu nhầm rằng Jetstar Airways có quyền kinh doanh tại thị trường hàng không nội địa của Việt Nam. Gần đây, Cục Hàng không cũng yêu cầu Jetstar Pacific phải nhanh chóng báo cáo việc chuyển đổi thương hiệu, logo. Ông Thanh nói Jetstar Pacific đang xây dựng kế hoạch. Phía nước ngoài quản lý doanh thu qua trang web bán vé? Bên cạnh việc đổi logo và xây thương hiệu, Jetstar Pacific cũng được yêu cầu phải báo cáo phương thức quản lý doanh thu qua mạng, cụ thể là qua trang web www.jetstar.com mà hãng đang sử dụng để bán vé chung với Jetstar Airways và các hãng hàng không mang thương hiệu Jetstar. Ông Thanh cho rằng chưa thể quyết định cấm hay không cấm hãng hàng không Việt Nam sử dụng chung trang web bán vé của đối tác nước ngoài. Cục Hàng không muốn biết là liệu một hãng hàng không nước ngoài có kiểm soát doanh thu và lợi nhuận của một hãng hàng không trong nước hay không. Trong công văn số 1064/CHK-VTHK, Cục Hàng không cho biết là hãng hàng không nước ngoài không được kiểm soát trực tiếp kế hoạch sản xuất kinh doanh, doanh thu, lợi nhuận của hãng hàng không Việt Nam, không được kiểm soát doanh thu thông qua việc sử dụng trang web bán vé chung. Đây là điều mấu chốt mà các hãng hàng không phải giải trình rõ, theo ông Thanh. Một hãng hàng không Việt Nam đứng tên bán vé thì không thể để một hãng hàng không nước ngoài kiểm soát doanh thu (của việc bán vé). Ông Thanh cho rằng đây là một vấn đề còn rất mới, và do vậy các hãng hàng không Việt Nam đang và sẽ sử dụng trang web chung của đối tác nước ngoài sẽ phải chứng minh là họ có quyền điều tiết, kiểm soát doanh thu hay không khi sử dụng chung trang web bán vé. Một số chuyên gia trong lĩnh vực hàng không và thương mại điện tử chia sẻ với Thời báo Kinh tế Sài Gòn rằng việc một hãng hàng không nước ngoài dùng trang web bán vé chung để kiểm soát doanh thu của một hãng hàng không Việt Nam hay không là tùy thuộc vào thỏa thuận giữa hai bên, và quan trọng hơn là ý muốn của phía Việt Nam. Thông thường, trang web www.jetstar.com hay www.airasia.com được các hãng hàng không mang thương hiệu Jetstar và AirAsia dùng để làm kênh bán vé và nhận thanh toán qua mạng, và doanh thu sẽ được phân chia theo vé của các chuyến bay mà các hãng trực tiếp khai thác. Trong trường hợp của Jetstar Pacific, hiện có đến 80% số lượng vé được bán trực tiếp tại phòng vé và đại lý của Jetstar Pacific tại Việt Nam, và việc thanh toán chủ yếu hiện nay vẫn bằng hình thức trả tiền mặt và chuyển khoản nên các chuyên gia cho rằng hãng vẫn kiểm soát được doanh thu. Thông thường, hãng hàng không Việt Nam cũng trả phí dịch vụ khi sử dụng trang web chung, và mức phí được hai bên xác định trong hợp đồng cung ứng dịch vụ mà họ đã ký. Nhưng cái mà phía Việt Nam có là được tham gia bán vé và quảng bá dịch vụ của mình tại hệ thống, địa chỉ rất nhiều khách hàng biết đến tại những thị trường mà Jetstar và AirAsia đã hiện diện. Tương tự, nếu được sử dụng thương hiệu Jetstar và AirAsia thì cái lợi mà Jetstar Pacific và VietJet Air có là điều kiện để hoạt động theo mô hình mà các hãng này đang áp dụng, giúp các hãng hãng hàng không trong nước bay cao tại thị trường Việt Nam và có thể vươn xa ra thị trường khu vực và thế giới. Do vậy, VietJet Air và Jetstar Pacific chỉ là hãng hàng không Việt Nam hay là một thành viên của hãng hàng không tầm cỡ khu vực sẽ tùy thuộc vào ý muốn của các cổ đông, và tất nhiên là chính sách, quy định của các cơ quan quản lý Việt Nam.
(Theo Bình Nguyên // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com