Ông Lê Quang Lân phát biểu tại hội thảo. Ảnh:Thái Hằng |
Bộ Công Thương và Dự án hỗ trợ thương mại đa biên (Mutrap 3) hôm cuối tuần đã tổ chức hội thảo tại TPHCM bàn về những vấn đề nảy sinh sau 3 tháng hiệp định đối tác kinh tế Việt-Nhật VJEPA được thông qua. TBKTSG Online đã trao đổi thêm với ông Lê Quang Lân, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công Thương.
TBKTSG Online : Ông đánh giá như thế nào về triển khai hiệp định VJEPA kể từ khi bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1-10-2009? Cụ thể thương mại hai chiều giữa Việt Nam-Nhật Bản có thay đổi gì đáng kể? Ông Lê Quang Lân: VJEPA là một thỏa thuận toàn diện, đa lĩnh vực giữa Việt Nam-Nhật Bản được đàm phán liên tục trong hơn hai năm. Trong đó nội dung quan trọng nhất là lộ trình giảm thuế trong 10 năm đối với Nhật Bản và 15 năm đối với Việt Nam. Nếu doanh nghiệp biết tận dụng thì hiệp định VJEPA sẽ là cơ hội lớn để tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam (năm 2008, kim ngạch xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 8,54 tỉ đô la Mỹ). Thực tế nội dung của VJEPA bao quát hầu hết các cam kết kinh tế, thương mại trước đó giữa Việt Nam và Nhật Bản về mở cửa thị trường và còn hoàn thiện hơn cam kết của hiệp định ASEAN – Nhật Bản (AJCEP), đặc biệt trong công nghiệp, nông lâm nghiệp và thủy hải sản. Cụ thể, doanh nghiệp có thể nhận thấy ngay lợi ích của cắt giảm thuế, như trong lĩnh vực công nghiệp, thuế suất trung bình từ 6,58% năm 2008 giảm còn 0,95% năm 2009 và còn 0,4% vào 2019, trong đó dệt may có 1.978 dòng thuế có thuế nhập khẩu từ mức trung bình 7% xuống còn 0%; da giày cũng giảm xuống 0% từ 5 đến 10 năm. Ngoài ra, xuất khẩu sang Nhật những mặt hàng gỗ, nội thất, máy móc thiết bị, hoá chất các loại cũng có những mức cắt giảm tương tự. Tuy nhiên, đối với sản phẩm nông nghiệp, do chính sách thuế quan của Nhật Bản bảo hộ mạnh hàng nông sản nên đa số nông sản từ Việt Nam vẫn tiếp tục phải chịu thuế. Chính vì vậy, mặc dù thuế suất vẫn sẽ được cắt giảm dần theo lộ trình nhưng phải khá lâu, như rau quả tươi sau 5 đến 7 năm mức thuế suất mới giảm còn 0%, còn cà phê, trà, rau quả chế biến phải sau 15 năm, thuế suất mới giảm còn 0%. Có nghĩa là với chính sách bảo hộ chặt như vậy thì sẽ rất khó khăn cho hàng nông sản của Việt Nam như gạo, cà phê, trà, tiêu, điều hay rau quả xuất khẩu vào thị trường Nhật? Vì đây đã là chính sách thương mại của Nhật Bản nên cũng rất khó thay đổi. Một số mặt hàng như gạo, đường, sản phẩm bánh kẹo nhập khẩu duy trì ở mức thuế khá cao vì Nhật xếp vào diện hàng hoá nhạy cảm, thuộc diện bảo hộ. Bên cạnh đó, bản thân chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đòi hỏi cao ở nước này cũng là một điều cần được doanh nghiệp Việt Nam lưu ý. Mặc dù hàng rào về kỹ thuật cao nhưng hàng nông sản trong nước có thể vào thị trường Nhật hay không, theo tôi nghĩ, vẫn do doanh nghiệp Việt Nam quyết định. Tôi thấy đây vừa là một thách thức vừa là một điều kiện tốt để doanh nghiệp Việt Nam tự nâng cao chất lượng kiểm dịch hàng nông sản của mình. Nếu doanh nghiệp nào làm tốt, đáp ứng được các tiêu chuẩn và yêu cầu của Nhật thì cho dù nước này có chính sách bảo hộ, thì vẫn sẽ đưa được hàng của mình vào thị trường. Riêng đối với nhập khẩu, doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng vẫn trông đợi hiệp định VJEPA như một cơ hội lớn tiếp cận các dòng hàng hóa, đặc biệt là hàng điện - điện tử có chất lượng cao của Nhật Bản, phù hợp với thu nhập người Việt Nam, nhưng thực tế vẫn chưa cho thấy cơ hội này? Nói chung hàng tiêu dùng không phải là những ưu tiên khi Bộ Công Thương tiến hành đàm phán cắt giảm thuế suất với Nhật, mà ưu tiên chính là các mặt hàng phục vụ cho sản xuất và nhu cầu tiêu dùng đặc thù trong nước như máy móc, linh kiện điện tử, ô tô, sắt thép, nguyên phụ liệu đầu vào của dệt may... Việc cắt giảm thuế hàng nhập khẩu thành phẩm trong đó có hàng điện - điện tử hay sản phẩm gia dụng nói chung vẫn theo lộ trình. Lộ trình ở đây đã được Bộ Công Thương cân nhắc, tính toán có độ dài thích hợp khi tiến hành đàm phán hiệp định với Chính phủ Nhật để ngành sản xuất trong nước nói chung, và ngành điện - điện tử còn có nhiều hạn chế nói riêng, có thời gian để chuẩn bị và thích nghi, không phải chịu áp lực cạnh tranh trực tiếp khi hàng điện tử Nhật Bản được mở cửa vào Việt Nam. Nói như vậy, nhưng thực tế người tiêu dùng vẫn đang và sẽ được thụ hưởng sản phẩm do trong nước hoặc liên doanh sản xuất có sử dụng công nghệ hoặc nguồn nguyên liệu từ Nhật Bản. Cần biết rằng, trong khung thỏa thuận hợp tác hiệp định VJEPA giữa 2 nước, ngoài thỏa thuận cắt giảm thuế suất, Chính phủ Nhật có cam kết hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp phụ trợ thông qua các hoạt động chọn ngành, sản phẩm ưu tiên để hợp tác, thực hiện chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, hay khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất linh kiện, phụ kiện Nhật Bản tại Việt Nam và chuyển giao công nghệ. Xin cảm ơn ông!
(Theo Thái Hằng // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com