“Tôi có cảm giác Nghị quyết 13 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường được khen về mặt nội dung nhưng bị chê về mặt thời gian”.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nói như vậy tại phiên họp toàn thể ủy ban vừa diễn ra đầu tuần này.
Những khó khăn của doanh nghiệp, theo ý kiến của không ít đại biểu Quốc hội, là đã bộc lộ rất rõ từ cuối năm 2011. |
Khá nhiều ý kiến trước đó "phàn nàn" rằng, thời gian từ lúc bàn cho đến khi ban hành được chính sách này là quá chậm trễ. Bởi, những khó khăn của doanh nghiệp, theo không ít ý kiến đại biểu Quốc hội, là đã bộc lộ rất rõ từ cuối năm 2011, khi Quốc hội đang tiến hành kỳ họp thứ hai.
Tại phiên thảo luận ngay tuần đầu của kỳ họp, đại biểu Mai Hữu Tín, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư U&I phát biểu rằng: "Chúng tôi chỉ mong Chính phủ nhìn thẳng vào thực trạng là đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa này đang ở trong tình trạng dở sống, dở chết.
Nếu không có thêm các hỗ trợ tích cực hơn, nếu không giảm được lãi suất xuống dưới 15% một năm và lạm phát xuống dưới 10% một năm thì tôi e rằng phần lớn số doanh nghiệp này sẽ không còn tồn tại sau một năm nữa với hậu quả cực kỳ nghiêm trọng cho cả nền kinh tế".
Ngay sau đó, trao đổi với VnEconomy, đại biểu Tín nói: “Từ năm 1988, khi tôi bắt đầu làm kinh doanh, cá nhân tôi chưa bao giờ thấy tình hình của các doanh nghiệp xấu như bây giờ”.
Nửa năm sau thời điểm đó, số doanh nghiệp lâm vào cảnh "sống dở, chết dở" đã tăng vùn vụt và dừng lại ở trên 81,9 nghìn doanh nghiệp đã giải thể, trên 16 nghìn doanh nghiệp đã đăng ký dừng hoạt động và trên 85,8 nghìn doanh nghiệp dừng hoạt động nhưng không đăng ký vào ngày 30/4 vừa qua.
Sau khi những con số này được công bố tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế, Chủ nhiệm Giàu đã muốn nghe ý kiến của 5 vị lãnh đạo doanh nghiệp đang là thành viên của Ủy ban đang dự họp, song không có vị nào phát biểu.
Các ý kiến khác khi đề cập đến nghị quyết 13 đều bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ, với các thông tin khá đa chiều về mức độ khó khăn của doanh nghiệp.
Mới trở về sau cuộc khảo sát về tình hình doanh nghiệp ở Đà Nẵng và Tp.HCM, cộng với phân tích thông số của rất nhiều doanh nghiệp, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Vũ Viết Ngoạn đã tỏ ra khá quan ngại về một "dấu hiệu chưa từng có: thuế VAT quý 1/2012 của cả hai thành phố đều giảm hơn so với các năm trước, đồng nghĩa với doanh thu của doanh nghiệp giảm.
Đi vào nguyên nhân, ông Ngoạn nói rằng chưa nhất trí lắm với nhiều ý kiến cho rằng lãi suất cao không hẳn là câu chuyện chính. Vì phân tích ở các nước trong khu vực chi phí lãi suất của doanh nghiệp chỉ bằng 10 đến 15% so với thu nhập trước thuế và trước khi trả lãi ngân hàng, còn ở Việt Nam lên đến 30%, thậm chí đến 50 - 70%, trong khi vốn của doanh nghiệp chủ yếu đi vay.
"Chúng ta nhận định từ tháng 11/2011 là nếu không giải quyết vấn đề lãi suất và thanh khoản sớm thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng rất khó", ông Ngoạn phát biểu.
Ở thời điểm hiện tại, ông Ngoạn cho rằng vẫn còn quá sớm để đặt ra vấn đề Việt Nam rơi vào bẫy thanh khoản ( tiền rất nhiều, thậm chí lãi suất rất thấp nhưng nền kinh tế không hấp thụ được vốn, sản xuất không tăng được) như tình trạng Nhật bản thời kỳ khủng hoảng đầu những năm 90, lãi suất bằng 0, nhưng doanh nghiệp vẫn không hấp thu được vốn.
Tuy nhiên, tự nhận là nhận định có phần hơi bi quan, ông Ngoạn lo lắng " nếu tình hình không đượcgiải quyết sớm nhất có thể, nếu căng thẳng còn kéo dài thì chúng ta cũng sẽ tiệm cận tình trạng đó, lúc này doanh nghiệp sẽ yếu đến mức cho ăn cũng không ăn được cho uống cũng không uống được".
Không giấu vẻ sốt ruột, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, ông Nguyễn Thế Tuy "phàn nàn" rằng khó khăn của doanh nghiệp đã được lường trước từ cuối 2011, nhưng từ khi bàn đến khi đưa ra giải pháp lâu quá.
"Nếu doanh nghiệp chỉ có thể nhịn đói 5 ngày mà đến 4,5 ngày cứu thì tốt hơn, 1 miếng khi đói bằng 1 gói khi no" ông Tuy phản ánh ý kiến của doanh nghiệp.
Đồng thời, vị đại biểu này cũng đưa ra thông tin khá thú vị, là trong khoảng 1000 doanh nghiệp ở Lạng Sơn, vẫn có những doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo mà muốn đến đấy mua hàng phải có giấy giới thiệu vì khách hàng nước ngoài đã đặt hết hàng. Có doanh nghiệp sản xuất máy bơm không đủ cung cấp cho thị trường, bên cạnh nhiều doanh nghiệp không có đầu ra.
Giải quyết đồng bộ cả đầu vào và đầu ra cũng là yếu tố được nhiều thành viên Ủy ban nhấn mạnh, trong bối cảnh hàng tồn kho quá cao và sức mua giảm mạnh.
Từ cảm nhận của người trong cuộc, Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) Văn Đức Mười cho rằng, không nên chỉ "kêu ca" khó khăn mà cần đẩy mạnh phát triển thị trường, tồn kho một cách chủ động và tái cấu trúc lại doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cần hiểu được khó khăn của cơ quan điều hành, trong một nền kinh tế còn quá nhiều bất cập và lạm phát cao như năm 2011 thì việc đưa ra chính sách không thể quá nhanh. Vì thế tôi cho rằng gói hỗ trợ doanh nghiệp khá kịp thời, vấn đề là triển khai đúng đối tượng và đạt hiệu quả, ông Mười trao đổi với VnEconomy.
Nhấn mạnh rằng Nghị quyết 13 đã tạo ra bầu không khí mới, đem lại niềm tin và tạo cảm hứng cho doanh nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nói "khen cũng có, chê cũng có, đề nghị Chính phủ nghe cả hai tai".
(Theo Nguyên Thảo // VnEconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com