Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hoạt động sản xuất kinh doanh cuối năm: Khó trăm bề!

Còn 2 tháng nữa, hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2010 sẽ khép lại. Với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu thì đây là thời điểm tăng tốc, chạy nước rút để hoàn thành kế hoạch năm. Trên thực tế, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Tăng sản lượng để... tồn kho?

Các doanh nghiệp đang chuẩn bị đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng phục vụ tết (ảnh: Sản xuất chả giò). Ảnh: CAO THĂNG

Tại Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn, thời điểm này không khí làm việc diễn ra rất khẩn trương. Các nhà máy sản xuất đang hoạt động hết công suất.

Theo ông Cao Tiến Vị, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Giấy Sài Gòn, thông thường vào những tháng cuối năm, hoạt động sản xuất tăng cao hơn so với trước đó để bù vào những ngày nghỉ lễ, tết. Tuy nhiên, năm nay tình hình có khác, ngay cả các dịp lễ tết sắp tới, công ty vẫn duy trì sản xuất để tăng lượng hàng tồn kho theo kế hoạch.

Theo ông Vị, việc tăng sản lượng không phải vì thị trường thiếu hàng hoặc do sức mua tăng đột biến mà nguyên nhân chính là lo sợ trong năm 2011 tình trạng thiếu điện sẽ diễn ra thường xuyên và có phần căng thẳng hơn. Tính toán sơ bộ của ông Vị cho thấy, trong quý 2-2010 có tới 24 ngày cúp điện, khiến sản lượng giấy tissue (giấy cuộn) giảm 20,4 triệu cuộn; chi phí thiệt hại phát sinh do cúp điện lên tới 2,5 tỷ đồng.

Do vậy, ngay từ bây giờ nếu công ty không tăng lượng hàng dự trữ thì sẽ khó đảm bảo nguồn cung cho các đối tác. Để làm được việc này, theo ông Vị, công ty phải “bấm bụng” chấp nhận đầu tư thêm nhà xưởng, kho bãi, nhân công để dự trữ nguồn hàng.

Trái ngược với Giấy Sài Gòn, ông Lê Văn Trí, Phó Tổng giám đốc Công ty Casumina lại cho rằng, giá nguyên liệu cao su trên thế giới tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Trong nước nguồn cung đang có dấu hiệu bị co kéo vì nhiều nguyên nhân, buộc Casumina phải tính đến phương án làm đến đâu, bán đến đó. Tuyệt nhiên không dám tính đến việc sản xuất theo dạng “gối đầu” như trước nữa vì nếu hàng còn tồn (với giá cao), trong trường hợp giá nguyên liệu tụt giảm sẽ rất nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận.

Cùng với đó, do tỷ giá biến động nên công ty đang phải cân đối lại cán cân xuất - nhập, bằng cách tăng lượng hàng xuất khẩu để bù vào phần chênh lệch của tỷ giá. Từ đầu năm đến nay Casumina đã 4 lần điều chỉnh giá bán thành phẩm, theo hướng mỗi lần tăng 5% đối với cả 2 loại lốp ô tô và xăm lốp xe đạp. Dự kiến vào ngày 1-11 sắp tới, Casumina sẽ tiếp tục tăng giá bán 5% đối với mặt hàng xăm lốp xe đạp.

Theo ông Trí, dù Casumina liên tục điều chỉnh giá nhưng chưa thấm vào đâu so với giá đầu vào tăng kể từ đầu năm đến nay.

Ngoài việc tăng lượng hàng dự trữ để đối phó tình thế, theo Tổng cục Thống kê, tình trạng tồn kho tại nhiều doanh nghiệp đang có dấu hiệu tăng lên trong những tháng gần đây với tỷ lệ lần lượt là 37,3% và 37,5% vào các ngày 1-8 và 1-9. Tồn kho kéo dài sẽ tăng sức ép lên hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.

Thắt chặt đầu tư

Thông thường, những tháng cuối năm, các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vừa để đảm bảo các đơn hàng vừa tạo đà phát triển sản xuất kinh doanh cho năm mới. Nhưng năm nay, việc đầu tư tại các doanh nghiệp gần như “án binh bất động”, ít doanh nghiệp nào có nhu cầu đầu tư, mở rộng sản xuất. Nguyên nhân chính là giá nguyên liệu cộng với các chi phí đầu vào tăng khá cao, trong khi giá bán không tăng theo kịp đã đẩy khó khăn về phía các doanh nghiệp. Điều này đồng nghĩa, doanh nghiệp càng đầu tư cho sản xuất càng bị lỗ.

Ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM cho biết, mức độ đầu tư tại các doanh nghiệp thành viên của hội là không đáng kể. Một vấn đề khác được đặt ra đối với các doanh nghiệp ngành gỗ hiện nay là tốc độ xuất khẩu tại một số thị trường trọng điểm đang có dấu hiệu tăng chậm, kéo theo các đơn hàng bị giãn ra. Hiện nhiều doanh nghiệp chỉ tập trung cho những đơn hàng đã có và bằng mọi cách kềm giá để giữ chân khách. Nếu đầu tư một cách dàn trải sẽ khó có khả năng thu hồi vốn.

Không riêng các doanh nghiệp sản xuất, nhiều doanh nghiệp phân phối đến thời điểm này cũng tỏ ra e ngại trong việc ứng vốn cho doanh nghiệp sản xuất để chuẩn bị nguồn hàng phục vụ nhu cầu mua sắm cuối năm.

Đại diện một hệ thống siêu thị lớn tại TPHCM cho biết, vào tháng 10 hàng năm, sau khi Tổng cục Thống kê công bố các chỉ số quan trọng về GDP, CPI, sức mua,… họ bắt đầu lên kế hoạch kinh doanh cụ thể. Thế nhưng, với tình hình hiện nay, ít có siêu thị nào dám đi vay ngân hàng một khoản tiền lớn để trữ hàng hóa vì rủi ro rất lớn.

Cần giảm lãi suất xuống mức 10%

So với những năm trước, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong những tháng cuối năm gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, để khơi thông nguồn lực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch, ông Trần Quốc Mạnh kiến nghị cần tiếp tục hạ lãi vay xuống mức 10%, đồng thời ổn định tỷ giá từ nay cho đến hết năm.

Cũng theo ông Mạnh, gần đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư có chủ trương hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thế nhưng tiêu chí chỉ hỗ trợ cho các doanh nghiệp có 500 lao động là chưa phù hợp và không tạo cơ chế khuyến khích cho doanh nghiệp mở rộng đầu tư, tạo công ăn việc làm mới. Theo ông Mạnh, thay vì 500 lao động, chúng ta cần nâng tiêu chí này lên cao gấp đôi, tức là 1.000 lao động.

Đại diện một doanh nghiệp sản xuất cũng cho rằng, đã đến lúc nhà nước nên có chính sách riêng về quỹ vốn, về điện ưu tiên cho các doanh nghiệp sản xuất để họ yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất. Chúng ta đang tìm mọi cách để kéo giảm chỉ số CPI nhằm đảm bảo các chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2010 nhưng lại không có nhiều cơ chế chính sách thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp tạo nguồn hàng, ổn định giá cả. Nếu cứ để doanh nghiệp tự bơi trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, sẽ rất khó về đích an toàn.

Bộ Công thương đã đề ra một số giải pháp, đồng thời yêu cầu các đơn vị trực thuộc bộ cần tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ như khai thác tốt năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường trong nước để đẩy mạnh sản xuất công nghiệp. Chủ động đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh và sản xuất hàng xuất khẩu.

Tiếp tục thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại nội địa để góp phần bình ổn thị trường. Tăng cường kiểm soát thị trường, đảm bảo cung ứng tốt các mặt hàng trọng yếu như xăng dầu, phân bón, sắt thép, giấy in… đồng thời xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ găm hàng, tăng giá, gian lận thương mại.

Đặc biệt, ngành điện phải chủ động khắc phục khó khăn, có giải pháp để đảm bảo nhu cầu phục vụ đời sống và các phương án cụ thể cấp điện cho năm 2011.

(Theo THÚY HẢI // SGGP Online)

  • Xác định ba nguyên nhân lún nứt chân đê sông Lô
  • Tư vấn cho Vinashin: Ai dám nhận lời?
  • Doanh nghiệp hứa thưởng tết bằng mức năm ngoái
  • Nokia nỗ lực giữ “ngai vàng”
  • Lần đầu tiên có phần mềm cảnh báo rủi ro cho doanh nghiệp
  • Doanh nghiệp vào cuộc trữ hàng Tết
  • Công nghiệp phần mềm vấp nỗi lo nhân lực
  • Vinashin khởi động đóng mới tàu cho Vinalines
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
Thanh Dũng Furniture - Nội thất Thanh Dũng

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao