Jetstar Pacific cho biết sẽ có thêm khoảng 10 phi công Việt Nam làm việc cho hãng hàng không giá rẻ này tính đến hết năm 2011, khi những phi công này hoàn tất các khóa học ở nước ngoài.
Các phi công mới do Jetstar Pacific đầu tư và cử đi học ở nước ngoài sẽ gia nhập đội phi công của hãng hiện nay gần 60 người, trong đó có 3 phi công Việt Nam, phục vụ trên các chuyến bay nội địa.
Jetstar Pacific đang khai thác 7 máy bay phản lực tầm trung gồm Boeing 737-400 và Airbus A320 cho các đường bay giữa TPHCM-Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, Vinh, Hải Phòng, và giữa Hà Nội-Đà Nẵng. Trong kế hoạch phát triển, hãng sẽ xây dựng đội máy bay gồm 15 Airbus A320 vào năm 2014.
Jetstar Pacific đang đầu tư mạnh, nhất là trong lĩnh vực phát triển nhân lực để hiện thực hóa kế hoạch phát triển. Vừa qua, 17 kỹ sư bảo dưỡng máy bay đầu tiên người Việt Nam của hãng đã được Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy phép hành nghề Cat B.
Jetstar Pacific cho biết 3 trong số 17 kỹ sư cũng đã hoàn thành kỳ thi Chứng chỉ xác nhận phục vụ (Certificate Release to Service - CRS) dưới sự sát hạch của các chuyên gia nước ngoài để chính thức đảm nhận vai trò kỹ sư trình độ Cat B tại hãng. Số còn lại đang chuẩn bị được kiểm tra, nâng ngạch trong thời gian tới.
Ông Lê Song Lai, Tổng giám đốc Jetstar Pacific, nói đây là lần đầu tiên các kỹ sư Việt Nam đã đạt tới trình độ tay nghề rất cao mà từ trước đến nay tại Jetstar Pacific mới chỉ có các kỹ sư nước ngoài đảm nhận trong lịch sử 20 năm hoạt động của hãng. Điều này sẽ giúp cho Jetstar Pacific có thể tiết kiệm đáng kể chi phí hoạt động và thực hiện mục tiêu trở thành một hãng hàng không giá rẻ hàng đầu ở Việt Nam.
Hiện Jetstar Pacific có 22 kỹ sư người nước ngoài và 3 kỹ sư Việt Nam đảm nhiệm vai trò kỹ sư Cat B. Theo kế hoạch, đến năm 2014, hãng sẽ có 50% đội ngũ kỹ sư là người Việt Nam đảm nhiệm các vị trí quan trọng trong công tác bão dưỡng máy bay.
Cat B là một trong những chứng chỉ quan trọng được cấp cho các kỹ sư phụ trách giám sát bảo dưỡng, sửa chữa máy bay, ký xác nhận cho phép máy bay được đưa vào khai thác. Để đạt đến trình độ Cat B, các kỹ sư hàng không phải được đào tạo kỹ trong thời gian dài, nắm vững các kiến thức về kỹ thuật máy bay, luật pháp và các quy trình nghiệp vụ của một hãng hàng không. Bên cạnh việc phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của cơ quan chức năng, các kỹ sư phải tích lũy đủ kinh nghiệm và vượt các qua kì thi cấp chứng chỉ ủy quyền CRS trước khi đảm nhiệm chính thức vai trò kỹ sư Cat B tại một hãng hàng không. Cứ mỗi 2 năm làm việc liên tục và không gián đoạn quá 6 tháng, các kỹ sư Cat B phải được huấn luyện nâng cao và được Cục Hàng không gia hạn giấy phép hành nghề thì mới được gia hạn tiếp chứng chỉ ủy quyền CRS. |
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com