Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kinh tế 2010 nhìn từ doanh nghiệp (Phần 2)

tinkinhte.comHà Thúy Liên - Nữ 32 tuổi - Kế toán:

Từ cuối năm 2009 đến giờ đâu đâu cũng vui mừng kinh tế đã phục hồi, khó khăn nhất đã qua. Xin hỏi các diễn giả, điều đó có đúng không? Chúng ta có chủ quan không trong khi người nhận giải Nobel kinh tế năm 2008 lại vừa có khuyến cáo có thể khủng hoảng kinh tế thế giới có thể tái diễn trong năm 2010. Điều các ông/bà lo ngại nhất đối với nền kinh tế, với hoạt động của doanh nghiệp trong năm nay là gì? Trân trọng cảm ơn.


Ông Phan Thanh Sơn:

Có thể khẳng định, kinh tế Việt Nam và thế giới đã hồi phục trong 2009 nhờ vào các gói hỗ trợ kinh tế cũng như biện pháp kích cầu của chính phủ các nước, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay các chính phủ đã dần dần giảm gói hỗ trợ kinh tế và kích cầu: Mỹ giảm 50% gói hỗ trợ kinh tế, Trung Quốc đưa ra những tín hiệu thắt chặt tiền tệ… Năm 2010 sẽ là năm bản lề cho các nền kinh tế vì lúc đó, đòi hỏi các nền kinh tế phải có nội lực và bắt đầu đi bằng đôi chân của mình. Mặt khác, dấu hiệu lạm phát cũng như bong bóng tài sản bắt đầu xuất hiện ở một số nền kinh tế trong khu vực, dẫn đến việc các ngân hàng trung ương đều phát đi tín hiệu bắt đầu thắt chặt tiền tệ trong 2010.

Đối với Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã tăng lãi suất cơ bản từ cuối năm 2009 và dừng gói hỗ trợ lãi suất ngắn hạn đúng như kế hoạch ban đầu, đồng thời tích cực hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng và điều hành tỷ giá một cách linh hoạt nhằm giảm thiểu những hiệu ứng phụ có thể tác động đến doanh nghiệp.

Trong bối cảnh chung của kinh tế thế giới và khu vực phải tập trung chống lạm phát, đồng thời duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế thì Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Và thực tế đó sẽ dẫn tới những biến động về thị trường tài chính cũng như chi phí tài chính của doanh nghiệp.

Đó là một thách thức lớn cho hoạt động của các doanh nghiệp, đòi hỏi doanh nghiệp trong công tác điều hành và hoạch định chiến lược kinh doanh phải có độ linh hoạt, chủ động trong nguồn vốn và duy trì tính thanh khoản ở mức tương đối tốt, tránh việc sử dụng cán cân nợ quá lớn.

Mai Thảo - Nữ 28 tuổi - Nhân viên phát triển thị trường:

Theo các doanh nghiệp, trong năm nay những rủi ro nào có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của mình?

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền:

Chào bạn, câu hỏi của bạn kể cũng hơi khó.

Tuy nhiên, xin được trả lời bạn như sau: Tôi nghĩ đã làm kinh doanh thì luôn phải chấp nhận rủi ro, chỉ có điều cần dự báo và có ứng xử linh hoạt để giảm thiểu tối đa mà thôi.

Như năm 2009 thì doanh nghiệp chúng tôi cũng đã phải đương đầu với một số rủi ro từ phía khác hàng như khi đồng tiền của các nước xuất khẩu như Nga, Hàn Quốc... bị mất giá, khách hàng không có khả năng thanh toán thì chúng tôi đã phải cho khách hàng trả chậm, hay một số thị trường lớn bị thu hẹp...

Còn năm 2010 theo tôi có thể sẽ có những rủi ro từ sự biến động tỷ giá, lãi suất, hàng rào kỹ thuật từ một số nước là đối tác lớn trong xuất khẩu. Tuy nhiên chúng tôi đã lường trước và có những giải pháp thích hợp để ứng phó khi cần thiết.

Nguyễn Lê Trung - Nam 41 tuổi - KT:

Xin hỏi ông Hiển, theo ông kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng, sản xuất, xuất nhập khẩu và cả trong lĩnh vực thể thao thì lĩnh vực nào khó hơn, hấp dẫn hơn?

Ông Đỗ Quang Hiển:

Trong từng lĩnh vực đều có niềm vui, nỗi buồn, có thất bại có thắng lợi, nhưng có đoàn kết, quyết tâm, có tự tin thì nhất định có thành công.

Thu Huong - Nữ 32 tuổi - Nhân viên văn phòng:

Việt Nam hiện nay có rất nhiều ngân hàng, thêm vào đó từ năm 2009 những ngân hàng ngoại 100% vốn đã được thành lập. Ông nhận định thế nào về áp lực cạnh tranh thời gian tới và chiến lược của SHB?

Ông Đỗ Quang Hiển:

SHB luôn xác định kinh doanh nói chung và kinh doanh ngân hàng nói riêng luôn luôn có sự cạnh tranh nhưng để phát triển lâu dài và bền vững đòi hỏi SHB phải xây dựng chiến lược phù hợp, đúng đắn trong từng giai đoạn có định hướng lâu dài.

Nói đến chiến lược, SHB hiểu rằng chiến lược cạnh tranh chính là luôn tạo sự khác biệt.

Thanh2711 - Nam 35 tuổi - Nhà đầu tư:

Xin hỏi ông Cao Sỹ Kiêm, ông đánh giá thế nào về việc Ngân hàng Nhà nước thêm tiền hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng? Ông nhận định thế nào về khả năng tăng lãi suất cơ bản thời gian tới? Lạm phát theo ông năm nay sẽ ở khoảng bao nhiêu %? Cảm ơn ông và chúc ông sức khỏe.

Ông Cao Sỹ Kiêm:

Việc Ngân hàng Nhà nước "bơm" thêm 15.000 tỷ đồng là một động tác tốt góp phần cải thiện khả năng thanh khoản của các ngân hàng thương mại và đáp ứng vốn cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Và nó cũng góp phần làm cho lãi suất có những yếu tố thực hiện đúng vị trí của nó. Như thế, tính hình thị trường có thể ổn định hơn.

Việc tăng lãi suất cơ bản trong tình hình hiện nay theo tôi cũng chưa nên đặt ra. Chúng ta thực thi chính sách tiền tệ theo thị trường nên khi thị trường có những yêu cầu hợp lý, khi cung cầu vốn có thay đổi thì chúng ta có thể điều chỉnh những công cụ chỉ đạo như lãi suất, tỷ giá một cách linh hoạt và sát hợp như chúng ta đã thực hiện trong năm 2009 vừa qua.

Còn mức lạm phát như Quốc hội đề ra là có cơ sở nhưng chỉ tiêu đó chỉ có thể thực hiện được khi chúng ta xử lý được những vấn đề về cân đối vĩ mô như: bộ chi ngân sách, cán cân thanh toán, cán cân vãng lai, tham nhũng lãng phí…

Những yếu tố này nếu làm tốt sẽ đóng góp vào việc thực hiện chỉ tiêu kiềm chế lạm phát đã đề ra. Tất nhiên chúng ta có sơ hở và điều hành bất cập thì chỉ tiêu này là khó khăn và lạm phát sẽ cao hơn mức mà chúng ta đề ra.

Quynh.lv - Nữ 30 tuổi - Văn phòng:

Chỉ còn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, ông/bà có thể cho biết chế độ lương, thưởng cuối năm tại doanh nghiệp mình không; mức cao nhất và thấp nhất là bao nhiêu?

Ông Đỗ Quang Hiển:

Kết quả kinh doanh năm 2009 của SHB rất khả quan, tất cả các chỉ tiêu kinh doanh chính đều vượt cao so với kế hoạch của Đại hội cổ đông đề ra. Bởi vậy, toàn thể cán bộ công nhân viên SHB xứng đáng và phấn khởi nhận lương thưởng năm 2009 cao hơn so với 2008.

Trọng Dân - Nam 38 tuổi - Phóng viên:

Gần đây nhiều thông tin phản ánh doanh nghiệp vay vốn phải chịu phí thêm 2% - 3%, khiến lãi suất vay vượt trần. Xin hỏi các doanh nghiệp có mặt hôm nay có gặp phải trường hợp đó không? Quan điểm của các doanh nghiệp như thế nào về vấn đề này, có phải vì giữ quan hệ tín dụng nên các doanh nghiệp không phản ánh? Các chuyên gia có ý kiến gì không? Xin cảm ơn.

Ông Ngô Anh Tuấn:

Mức lãi suất của các doanh nghiệp khi đi vay vốn ngân hàng thì chủ yếu được các doanh nghiệp dựa trên cơ sở cung cầu thực tế.

Hiện nay, Công ty Thái Hòa chưa phải trả phần phí thêm này, tuy nhiên trong trường hợp nếu phải sử dụng nguồn vốn có lãi suất cao hơn nhưng để cấp vốn cho một thương vụ kinh doanh có hiệu quả cao, thì chúng tôi cho rằng việc chia sẻ chi phí thêm với ngân hàng cũng hoàn toàn hợp lý.

Vuanhquan - Nam 38 tuổi:

Xin hỏi ông Nghĩa, ông nhìn nhận thế nào về thị trường trái phiếu Chính phủ trong năm 2009 và năm 2010 này?

Ông Lê Xuân Nghĩa:

Thị trường trái phiếu năm vừa qua, cả Chính phủ và doanh nghiệp, có thể coi là đình trệ. Nguyên nhân là do nguồn vốn bị cạnh tranh bởi các thị trường khác như bất động sản, vàng, ngoại tệ và thị trường tín dụng.

Một lý do khác là lòng tin của nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường tài chính Việt Nam cũng suy giảm; mặt khác lãi suất trái phiếu không đảm bảo nguyên tắc thị trường, nhất là trong điều kiện xếp hạng rủi ro tài chính của Việt Nam tương đối thấp.

Tính hình này trong năm 2010 vẫn chưa được khắc phục đáng kể, vốn liếng vẫn còn khan hiếm, hệ thống lãi suất bị méo mó bởi các quy định hành chính, trong khi thị trường chứng khoán, bất động sản và thị trường ngoại tệ vẫn có khả năng thu hút vốn khá mạnh. Vì vậy, tôi cho rằng thị trường trái phiếu trong năm 2010 vẫn còn có nhiều khó khăn.

Cách tốt nhất để thị trường tài chính nói chung và thị trường trái phiếu nói riêng hồi phục là phải gỡ bỏ các hàng rào hành chính về lãi suất tiền gửi, lãi suất cho vay; thực hiện cơ chế lãi suất thỏa thuận đã từng được áp dụng trước đây, trên cơ sở đó, hình thành lãi suất hợp lý và đủ hấp dẫn cho toàn bộ thị trường tài chính nói chung và thị trường trái phiếu nói riêng.

Nguyễn Hải Hà - Nữ 36 tuổi - BTV:

Gần đây, vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc doanh nghiệp được nhắc đến rất nhiều. Quý vị có thể chia sẻ sự quan tâm của bản thân (doanh nghiệp) về nội dung này?

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã quan tâm đến cuộc giao lưu.

Thực ra vấn đề tái cấu trúc doanh nghiệp đúng ra là phải thường xuyên quan tâm chứ không chờ đến khi khủng hoảng. Với May 10 chúng tôi thường xuyên đánh giá xem xét và cấu trúc lại tổ chức của doanh nghiệp cho phù hợp với yêu cầu phát triển. Năm 2009 chúng tôi đã sắp xếp lại cơ cấu tổ chức theo hướng gọn nhẹ và tăng hiệu quả. Vì vậy, đã tiết kiệm được chi phí nhưng hiệu quả đươc nâng lên.

Song, điều quan trọng nhất là làm thay đổi tư duy từ đội ngũ lãnh đạo đến các chuyên viên và cả người lao động. Đến nay mọi người đã hiểu nếu không liên tục cố gắng bắt kịp sự đổi mới thì có thể sẽ phải chấp nhận sự thay đổi.

Nếu việc làm này được thực hiện thường xuyên thì tái cấu trúc doanh nghiệp sẽ không còn là vấn đề khó nữa.

Quynh.lv - Nữ 30 tuổi - Văn phòng:

Chỉ còn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, ông/bà có thể cho biết chế độ lương, thưởng cuối năm tại doanh nghiệp mình không; mức cao nhất và thấp nhất là bao nhiêu?

Ông Trịnh Hoàng Duy:

Do kết quả sản xuất kinh doanh trong năm 2009 của Tổng công ty và các đơn thành viên đạt kết quả tốt. Các chỉ tiêu cụ thể như doanh thu, lợi nhuận của công ty mẹ và các công ty thành viên đều vượt kế hoạch cho nên sẽ đảm bảo việc thanh toán lương, thưởng đúng hạn ở tất cả các công ty.

Còn mức thưởng, chúng tôi cố gắng phấn đấu đạt từ 10 triệu đến 100 triệu đồng/người.

Hoang Nguyen - Nam 30 tuổi - Dân doanh:

Khoảng 3 – 4 năm trở lại đây, SHB sau chuyển đổi nhanh chóng mở rộng các lĩnh vực hoạt động thông qua các công ty con và liên kết (ngân hàng, chứng khoán, quản lý quỹ, bảo hiểm, bất động sản, quản lý khai thác nợ…). Liệu sự nhanh chóng đó có đi cùng với vững chắc không? Quan điểm của ông Hiển thế nào về việc kinh doanh chỉ tập trung vào một mũi nhọn?

Ông Đỗ Quang Hiển:

Với chiến lược trở thành tập đoàn tài chính hiện đại, đa năng vào năm 2015, SHB đã thành lập các công ty chứng khoán, quản lý quỹ, bảo hiểm, bất động sản, quản lý khai thác nợ… Đây là những lĩnh vực kinh doanh có gắn kết quan trọng trong hoạt động tài chính - ngân hàng, nằm trong lộ trình của chiến lược đã đề ra, qua đó tạo tiền đề cho sự phát triển lâu dài, bền vững cho SHB và các công ty trực thuộc.

Quốc Thịnh - Nam 37 tuổi - Đầu tư:

Xin chào lãnh đạo Tổng công ty Sông Đà và Vinaconex. Thị trường chứng khoán đón nhận nhiều doanh nghiệp được gọi là "họ" Sông Đà và Vinaconex và liên tục tạo sóng trên sàn HNX. Xin được hỏi hai vị lãnh đạo là vì sao hai nhóm cổ phiếu đó liên tục có nhiều biến động mạnh như vậy, trong khi theo tôi hiệu quả kinh doanh và giá trị doanh nghiệp thường có yếu tố ổn định hơn? Xin cảm ơn.

Ông Trịnh Hoàng Duy:

Việc biến động của cổ phiếu trên thị trường là do thị trường quyết định. 2009 là năm trên thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều thông tin trái chiều, Thậm chí, còn có nhiều thông tin có dụng ý xấu nên cũng đã tác động không nhỏ tới thị trường chứng khoán.

Tổng công ty Vinaconex luôn cố gắng cung cấp kịp thời những thông tin chính thống để hỗ trợ nhà đầu tư. Với cố gắng này chúng tôi đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đánh giá cao.

Nguyễn Văn Cường - Nam 30 tuổi - Kinh doanh:

Trong cuộc suy thoái kinh tế vừa qua, ở quốc gia phát triển như Mỹ đã có rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã phá sản. Xin hỏi ông Cao Sỹ Kiêm ở nước ta có bao nhiêu doanh nghiệp vừa và nhỏ bị phá sản trong cơn bão tài chính vừa qua? Trong năm 2010 với Hiệp hội sẽ có nhưng biện pháp như thế nào để hỗ trợ các doanh nghiệp?

Ông Cao Sỹ Kiêm:

Trong cuộc khủng hoảng vừa qua,c ác quốc gia, đặc biệt là Mỹ có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ phá sản. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam cũng bị tác động rất lớn và khó khăn rất nhiều. Nhiều doanh nghiệp bên bờ vực phá sản.

Nhưng do có những chính sách hỗ trợ của Chính phủ và sự vươn lên mạnh mẽ của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ đã vượt qua khó khăn và trụ vững. Tuy vẫn còn những doanh nghiệp do những yếu kém từ cũ hoặc là yếu tố đáp ứng yêu cầu mới không đạt nên cũng vẫn đang bên bờ vực phá sản và có những đơn vị mà chúng ta cũng phải chấp nhận phá sản dù đã có những biện pháp khắc phục nhưng không vượt ra được.

Mức độ phá sản bao nhiêu thì chưa thống kê được vì luật phá sản của chúng ta, cách quản lý và phân cấp nắm tình hình chưa rõ ràng.

Trọng Dân - Nam 38 tuổi - Phóng viên:

Gần đây nhiều thông tin phản ánh doanh nghiệp vay vốn phải chịu phí thêm 2% - 3%, khiến lãi suất vay vượt trần. Xin hỏi các doanh nghiệp có mặt hôm nay có gặp phải trường hợp đó không? Quan điểm của các doanh nghiệp như thế nào về vấn đề này, có phải vì giữ quan hệ tín dụng nên các doanh nghiệp không phản ánh? Các chuyên gia có ý kiến gì không? Xin cảm ơn.

Bà Lê Thanh Thiên Nga:

Qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi cũng được biết những thông tin như vậy. Tuy nhiên, thực tế tại Hapro, chúng tôi không gặp phải trở ngại này. Trong năm 2009, chúng tôi cũng được hưởng cơ chế vay vốn theo lãi suất ưu đãi của Chính phủ.

Điều này đã phần nào giúp doanh nghiệp khắc phục khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Hapro là một khách hàng chiến lược của một số ngân hàng, nên đã được cấp hạn mức tín dụng đủ đáp ứng nhu cầu kinh doanh. Ngoài ra, Hapro là một doanh nghiệp xuất khẩu lớn nên khi có nhu cầu nhập khẩu, khả năng cân đối ngoại tệ được kịp thời.

Johny Tuấn - Nam 21 tuổi - Sinh viên:

Các vị xin cho biết chính sách tài chính năm 2010 và 2009 có điểm gì khác nhau? Chân thành cảm ơn.

Ông Lê Xuân Nghĩa:

Khác nhau lớn nhất là chính sách thuế. Một số loại thuế như thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân được miễn hoặc giãn trong năm 2009 thì đến 2010 sẽ thực hiện trở lại.

Thứ hai là một số lĩnh vực thuế giá trị gia tăng, ví dụ như ô tô, sẽ tăng lên. Một số sắc thuế mới sẽ có hiệu lực thi hành, ví dụ như thuế lợi nhuận từ kinh doanh chứng khoán, có thể tăng thuế nhà đất...

Về chi tiêu ngân sách cũng có một số thay đổi như thực hiện tăng lương có các đối tượng hưởng lương từ ngân sách; hoặc cắt giảm đầu tư công khoảng 20 nghìn tỷ đồng để giảm thâm hụt ngân sách.

Đấy là những thay đổi quan trọng nhất về chính sách tài chính.

Trader - Nam 35 tuổi - Kinh doanh chứng khoán:

Xin được hỏi các lãnh đạo doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Năm 2009, xuất khẩu Việt Nam theo tôi biết là vẫn giữ được thị trường, giữ được đơn hàng, nhưng kim ngạch sụt giảm mạnh chủ yếu do yếu tố giá. Vậy năm 2010, xuất khẩu của Việt Nam có triển vọng như thế nào, của riêng các doanh nghiệp tham gia giao lưu như thế nào? Nhiều thông tin phản ánh là giá nhiều mặt hàng xuất nhập khẩu đang tăng nhanh.


Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền:

Cảm ơn sự quan tâm của bạn.

Về xuất khẩu năm qua thì doanh nghiệp chúng tôi không bị giảm về giá trị mà còn tăng 15%. Tuy nhiên đúng như bạn nói, giá có giảm ở hầu hết các thị trường xuất khẩu.

Năm 2010 triển vọng xuất khẩu theo tôi là tốt hơn. Riêng với May 10 thì vẫn giữ được và tăng trưởng ở các thị trường lớn và giá cả thì vẫn giữ như năm cũ.

Quynh.lv - Nữ 30 tuổi - Văn phòng:

Chỉ còn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, ông/bà có thể cho biết chế độ lương, thưởng cuối năm tại doanh nghiệp mình không; mức cao nhất và thấp nhất là bao nhiêu?

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền:

Chào bạn, câu hỏi của bạn tôi xin trả lời như sau.

Về chế độ, mặc dù năm 2009 rất khó khăn, hai quý đầu năm việc làm sụt giảm nhưng các chế độ dành cho người lao động của chúng tôi không những không giảm mà còn tăng. Riêng thưởng như bạn hỏi thì chúng tôi vẫn duy trì tháng lương thứ 13 cao hơn năm trước.

Mạnh Thắng - Nam 28 tuổi - Nhà đầu tư:

Tôi xin hỏi lãnh đạo hai ngân hàng thương mại như sau: Các ông đánh giá thể nào về triển vọng lợi nhuận của ngành ngân hàng trong năm 2010? Trong những năm qua, đặc biệt trong năm 2008 và 2009, những khó khăn lớn nhất của các ngân hàng là gì và những khó khăn trong năm 2010? Khó khăn thanh khoản của các ngân hàng hiện nay đến lúc nào thì được giải quyết dứt điểm? Xin cảm ơn và mong được trả lời.

Ông Phan Thanh Sơn:

Về thanh khoản ngân hàng, với tư cách là một thành viên tham gia thị trường, tôi có thể chia sẻ với bạn như thế này: Trước hết, thanh khoản ngân hàng thực sự không có nhiều vấn đề đáng ngại. Hệ thống ngân hàng với vai trò là tổ chức trực tiếp hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp thực hiện chính sách bình ổn kinh tế của Chính phủ trong năm 2009, dẫn đến đôi lúc căng thẳng thanh khoản trong hệ thống trên thị trường liên ngân hàng. Tuy nhiên, với sự điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá một cách linh hoạt thì những khó khăn đó đã được giải quyết kịp thời.

Ngân hàng Nhà nước đã có những biện pháp quyết liệt và kịp thời như tăng khối lượng và các phiên giao dịch trên nghiệp vụ thị trường mở, triển khai các nghiệp vụ cho vay cầm cố giấy tờ có giá, cho vay tái cấp vốn đối với các ngân hàng tạm thời có khó khăn thanh khoản. Nhờ những biện pháp này, trong những ngày đầu của tháng 1/2010, hoạt động của nhiều ngân hàng đã bình ổn trở lại.

Đánh giá về triển vọng lợi nhuận ngân hàng trong 2010, tôi cho rằng, sẽ có sự phân cấp khi nhìn nhận, đánh giá về lợi nhuận của các ngân hàng.

Những ngân hàng có cơ cấu doanh thu cân bằng giữa các hoạt động tín dụng và phi tín dụng cũng như cơ cấu sản phẩm dịch vụ đa dạng sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành công trong 2010.

Ngược lại, những ngân hàng có cơ cấu doanh thu dựa nhiều vào hoạt động tín dụng sẽ gặp nhiều thách thức trong việc hoàn thành kế hoạch chỉ tiêu lợi nhuận từ đầu năm.

Johny Tuấn - Nam 21 tuổi - Sinh viên:

Môi trường kinh doanh trong nước có gì thay đổi. Những lĩnh vực đáng đầu tư vào năm 2010? Chân thành cảm ơn.

Ông Lê Xuân Nghĩa:

Thay đổi lớn nhất về môi trường kinh doanh trong năm 2010 là Việt Nam bắt đầu phải thực hiện một số cam kết quốc tế, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Như vậy, đối với các quốc gia này thì thuế quan của hầu hết các mặt hàng Việt Nam xuất và nhập khẩu sẽ là 0%. Điều đó đồng nghĩa với việc thị trường nội địa sẽ có sự thâm nhập rất mạnh của hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là từ ASEAN và Trung Quốc.

Thay đổi lớn thứ hai về môi trường kinh doanh đó là thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân đã hết thời hạn miễn hoặc giãn; một số lĩnh vực, thuế giá trị gia tăng sẽ tăng lên.

Điểm nổi bật thứ ba là thị trường bất động sản có thể dần dần phục hồi, thị trường chứng khoán sẽ phát triển ổn định hơn. Chênh lệch tỷ giá hối đoái giữa thị trường chính thức và thị trường tự do vẫn còn khá lớn.

Như vậy cho thấy, có nhiều cơ hội để đầu tư tùy vào cách lựa chọn của bạn, có thể đầu tư vào khhu vực tài chính, hoặc vào bất động sản, hoặc kinh doanh nhập khẩu, xuất khẩu...

Lê Quân - Nam 41 tuổi - Chuyên viên phân tích:

Xin hỏi các doanh nghiệp mong chờ điều gì nhất từ chính sách điều hành của Chính phủ? Còn những trở ngại nào về chính sách trong năm 2009 mà các vị chờ được tháo gỡ?

Ông Trịnh Hoàng Duy:

Nhiều chuyên gia kinh tế đã nhận định, trong năm 2010 các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với không ít thách thức như: khó khăn trong huy động vốn, sức ép giảm giá của đồng Việt Nam so với USD… Những nút thắt của nền kinh tế như: thủ tục hành chính, thiếu điện, ách tắc giao thông, hệ thống hạ tầng còn yếu kém sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Đây là những vấn đề thuộc tầm vĩ mô nên chúng tôi mong muốn Chính phủ tiếp tục có những chính sách hỗ trợ về vốn, cũng như các biện pháp giải quyết triệt để những khó khăn vướng mắc nêu trên.

Phan Huu Kien - Nam 36 tuổi - Kế toán:

Được biết SHB đang có kế hoạch phát hành 15 triệu trái phiếu chuyển đổi để tăng vốn cùng với kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 2.000 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng. Theo ông Hiển, việc tăng vốn này sẽ tạo áp lực như thế nào đến hiệu quả hoạt động của SHB, cụ thể hơn là khả năng sinh lợi?

Ông Đỗ Quang Hiển:

Với nhu cầu đòi hỏi về quy mô cho vay ngày càng lớn, đáp ứng nguồn vốn sản xuất kinh doanh cho các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiện đại hóa công nghệ theo các chuẩn mực quốc tế nhằm đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ ngân hàng, bổ sung vốn cho một số hoạt động đầu tư có tính sinh lời cao và bền vững, phát triển mạng lưới theo mô hình ngân hàng bán lẻ, nâng cao năng lực cạnh tranh; việc SHB phát hành trái phiếu chuyển đổi và tăng vốn điều lệ là điều hết sức cần thiết và tất yếu tăng khả năng sinh lời để đáp ứng sự kỳ vọng của các cổ đông và nhà đầu tư.

Mai Thảo - Nữ 28 tuổi - Nhân viên phát triển thị trường:

Theo các doanh nghiệp, trong năm nay những rủi ro nào có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của mình?

Ông Đỗ Quang Hiển:

Tôi cho rằng, rủi ro lớn nhất là thị trường đầu ra; thứ hai là nguồn vốn và đặc biệt là rủi ro ngay nội tại trong doanh nghiệp về năng lực quản trị điều hành và tính chuyên nghiệp của cán bộ nhân viên.

Anh Nghiem - Nam 32 tuổi - KD:

Thưa các vị lãnh đạo doanh nghiệp, theo kết quả một cuộc khảo sát gần đây, có tới hơn 95% doanh nghiệp được hỏi (ở Việt Nam) nhận định rằng sẽ tăng cả doanh thu và lợi nhuận trong năm 2010. Ý kiến các vị thế nào?

Ông Trịnh Hoàng Duy:

Trên cơ sở kết quả sản xuất kinh doanh trong năm 2009 (doanh thu toàn Tổng công ty đạt 180%, lợi nhuận đạt 132% so với kế hoạch năm), chúng tôi tin tưởng rằng bước sang năm 2010, mặc dù nền kinh tế vẫn còn có nhiều khó khăn, nhưng Tổng công ty Vinaconex và các đơn vị thành viên sẽ tiếp tục giữ được tốc độ tăng trưởng dương (khoảng 12%/năm). Riêng đối với công ty mẹ, tăng trưởng về lợi nhuận sẽ còn cao hơn.

Trọng Khôi - Nam 40 tuổi - Kinh doanh:

Các diễn giả nói gì khi từ năm 2001 các chính sách hỗ trợ kích cầu đã được rút bớt rất nhiều? Trong năm mới này các doanh nghiệp có kế hoạch vay vốn không và việc tiếp cận vốn có thuận lợi không, lãi suất như thế nào khi mà tôi thấy nhiều thông tin phản ánh rất khó khăn, lãi suất vượt trần?

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền:

Chào bạn, tôi nghĩ khi chính sách kích cầu đã rút bớt thì đương nhiên nhiều doanh nghiệp cũng sẽ khó khăn hơn.

Riêng về vốn thì May 10 không khó tiếp cận. Với yêu cầu mở rộng đầu tư thì nhu cầu vay vốn của chúng tôi vẫn rất lớn. Còn lãi suất cụ thể như thế nào thì chưa thể đánh giá vì hiện chúng tôi chưa vay.

Nguyen Nho Hong - Nam 28 tuổi - Buôn bán:

Tôi muốn hỏi trong năm 2010 này ngành nào có thể phát triển tốt nhất. Và có tiền thì nên đầu tư vào đâu là thuận lợi nhất? Kinh tế Việt Nam so với nước ngoài có gì thay đổi nhiều so với năm 2009 không? Xin cảm ơn các doanh nghiệp.

Ông Trịnh Hoàng Duy:

Câu hỏi này khá rộng. Với tư cách là người làm về xây dựng tôi cho rằng: Đối với các công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng và bất động sản năm 2010 được đánh giá là có nhiều thuận lợi.

Trong lĩnh vực xây dựng Chính phủ tiếp tục đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng, bên cạnh đó đầu tư nước ngoài theo dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng so với 2009. Đây sẽ là cơ hội “tạo công ăn việc làm” cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng: xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng khác…

Với thị trường bất động sản nhu cầu về nhà ở của người dân còn rất cao và các doanh nghiệp đang tập trung vào phân khúc thị trường phục vụ những người có thu nhập thấp và trung bình. Theo đánh giá tiềm năng của thị trường này là rất lớn.

Theo tôi, các kênh đầu tư như vàng, chứng khoán đều có nhiều rủi ro. Vì thế, đầu tư vào bất động sản vẫn là kênh hấp dẫn trong năm 2010.

Do nước ta hiện nay đã hội nhập vào nền kinh tế quốc tế, nên các tác động của nền kinh tế thế giới càng có nhiều ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta. Vì vậy, chúng ta phải cố gắng tận dụng những lợi thế của tình hình kinh tế quốc tế cũng như nội tại của nền kinh tế trong nước. Theo nhận định của các chuyên gia năm 2010, cơ hội cũng lớn nhưng thách thức, rủi ro là không nhỏ.

(Còn tiếp)

(Theo Vneconomy)

Bài thuộc chuyên đề: Dự báo kinh tế Việt Nam 2010

  • Ra mắt tổng công ty Điện lực - TKV
  • GM có thể sẽ đóng cửa Saab
  • Apple mua lại Quattro Wireless
  • Indochina Airlines có thể “cất cánh” trở lại từ 20/1
  • AG-Auto: chuyện dài về một thương hiệu
  • Hệ thống đảm bảo chất lượng của Jetstar Pacific "có vấn đề"
  • Kinh tế 2010 nhìn từ doanh nghiệp (Phần 1)
  • AirAsia bắt tay với Jetstar
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
Thanh Dũng Furniture - Nội thất Thanh Dũng

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao