Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kinh tế 2010 nhìn từ doanh nghiệp (Phần 3)

tinkinte.comPham Van Chien - Nam 37 tuổi - Nhà đầu tư:

Xin các chuyên gia tư vấn giúp: Gần đây nhiều thông tin nói rằng Ngân hàng Nhà nước bơm tiền cho các ngân hàng. Vậy điều này sẽ có những điểm gì tích cực, tiêu cực? Sẽ ảnh hưởng thế nào đến lạm phát? Có cải thiện được khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp không?

Ông Lê Xuân Nghĩa:

Việc Ngân hàng Nhà nước bơm 15 nghìn tỷ đồng vào lưu thông trong điều kiện các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp có khó khăn về thanh khoản là nghiệp vụ bình thường của một ngân hàng trung ương. Điều này là có lợi cho các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp nhằm tăng thanh khoản của họ và tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế.

Tất nhiên Ngân hàng Nhà nước bơm tiền có chủ định, có điều kiện và họ có khả năng kiểm soát lượng tiền có trong lưu thông. Vả lại, khối lượng 15 nghìn tỷ đồng là rất nhỏ so với tổng phương tiện thanh toán hiện có, vào khoảng 1.700.000 tỷ đồng.

Vì vậy, tác động của nó đối với lạm phát là không đáng kể.

Le Minh Thuyet - Nam 42 tuổi - Kinh doanh:

Nền kinh tế đã qua thời điểm khó khăn nhất từ ảnh hưởng của khủng hoảng. Theo ông/bà, trong năm 2010 những khó khăn nào các doanh nghiệp cần lưu ý và những giải pháp mà các doanh nghiệp đặt ra?

Ông Phan Sỹ Nghĩa:

Theo nhận định của chúng tôi, khó khăn trong ngành viễn thông chủ yếu ở sự cạnh tranh cao giữa các doanh nghiệp. Có rất nhiều doanh nghiệp tham gia vào viễn thông và tạo nên sự cạnh tranh bằng nhiều cách khác nhau, dễ nhìn thấy nhất là việc giảm giá cước.

Khó khăn thứ hai là vốn. Đầu tư vốn cho viễn thông rất lớn và đòi hỏi phải lâu dài. Vì vậy việc huy động vốn cũng gặp khá nhiều khó khăn.

Giải pháp cho các vấn đề này đối với chúng tôi được đề ra như sau: Doanh nghiệp có thể tái cơ cấu tổ chức doanh nghiệp. Đặc biệt với ngành viễn thông cần tăng cường dịch vụ chăm sóc khách hàng, tìm ra những dịch vụ gia tăng mới thiết thực và thu hút sự quan tâm của người dân. Để có thể tận dựng được nguồn vốn một cách hiệu quả nhất doanh nghiệp nên tập trung đầu tư vào các dịch vụ có thể tăng doanh thu, tăng lợi nhuận mà tránh việc đầu tư dàn trải.

Với EVN Telecom, những năm qua chúng tôi luôn đề cao việc chăm sóc khách hàng và tạo điều kiện tốt nhất cho khách hàng sử dụng các dịch vụ viễn thông của ngành điện.

EVN Telecom có lợi thế về cơ sở hạ tầng viễn thông rộng khắp ở tất cả 63 tỉnh thành trong cả nước. Đặc biệt chúng tôi được đánh giá là một trong các doanh nghiệp có mạng truyền dẫn lớn nhất, tốt nhất cùng với một đội ngũ chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp, nhiệt tình, tới từng gia đình ở các vùng sâu, vùng xa. EVN Telecom luôn nỗ lực làm mới mình để đáp ứng tốt nhất nhu cầu sử dụng viễn thông của người dân.

Le Minh Thuyet - Nam 42 tuổi - Kinh doanh:

Nền kinh tế đã qua thời điểm khó khăn nhất từ ảnh hưởng của khủng hoảng. Theo ông/bà, trong năm 2010 những khó khăn nào các doanh nghiệp cần lưu ý và những giải pháp mà các doanh nghiệp đặt ra?

Ông Cao Sỹ Kiêm:

Năm 2009, doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều cố gắng và đang trụ vững, có yếu tố ổn định. Bước vào năm 2010, tình hình có khó hơn. Cái khó của năm 2009 là chống suy giảm, năm 2010 là khó trong việc ổn định đi lên trong bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều yếu tố khó khăn.

2010 có 3 thuận lợi cho doanh nghiệp. Thứ nhất, những kết quả về chỉ tiêu và điều hành của Chính phủ giúp doanh nghiệp vươn lên tốt hơn. Thứ hai, Nhà nước giữ được mức kiềm chế lạm phát, tăng trưởng 5,32%, trong khó khăn có công trình dầu tư phát triển lâu dài, hướng về nông thôn và thị trường nội địa. Đấy là yếu tố chuẩn bị cho lâu dài. Những thuận lợi của năm 2009 mang lại cho doanh nghiệp trong 2010. Đặc biệt là kinh nghiệm vượt khó của doanh nghiệp trong 2009, chủ động trong việc vượt khó, tốt cho năm 2010. Thứ ba, những chính sách về an sinh xã hội cũng tạo điều kiện cho môi trường cho doanh nghiệp có điều kiện tốt hơn trong sản xuất kinh doanh và dịch vụ.

Khó khăn trên 4 lĩnh vực. Thứ nhất là vốn, vì trải qua khủng hoảng,tất cả vốn được tung ra để chèo chống nên bị cạn kiệt. Các ngân hàng thực hiện chủ trương kích cầu, vốn đưa ra nhiều hơn nên thanh khoản và dự trữ của các ngan hàng cũng cạn. Thứ hai, tỷ giá và lãi suất tăng khiến cho chi phí của các doanh nghiệp tăng lên, sức cạnh tranh giảm, hàng tồn kho tăng. Đấy là khó khăn lớn của doanh nghiệp. Khả năng huy động vốn và cho vay ra của các ngân hàng khó hơn. Hơn nữa, phải kiểm soát chặt chẽ tín dụng để chống lạm phát cao quay trở lại trong năm 2010...

Thứ ba, doanh nghiệp cũng phải đối mặt với một số yếu tố thiếu vững chắc của ổn định kinh tế vĩ mô như : bội chi ngân sách tăng, cán cân thanh toán, cán cân vãng lai, xuất khẩu, vốn đầu tư và dự trữ ngoại tệ giảm sút.

Thứ tư, nút thắt của nền kinh tế chưa gỡ được: thủ tục hành chính, thiếu điện nước, tắc nghẽn giao thông... Tất cả những yếu tố này sẽ làm tăng giá thành và giảm lợi nhuận của doanh nghiệ, từ đó giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Muốn vượt qua những khó khăn trên chúng ta phải có những điều kiện sau. Thứ nhất, giải quyết hết các bức xúc: thủ tục hành chính, vấn đề lãi suất tỷ giá không bị méo mó, cán cân thanh toán, cán cân vãng lại được cải thiện, bội chi ngân sách phải được cải thiện theo hướng tích cực. Thứ hai, giải quyết các vấn đề thuộc vè lâu dài như: vấn đề xác định mô hình tăng trưởng, đổi mới cơ cấu kinh tế, hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn lực. Những vấn đề này phải được thiết kế ngay và có những việc phải được thực hiện trong năm 2010.

Le Minh Thuyet - Nam 42 tuổi - Kinh doanh:

Nền kinh tế đã qua thời điểm khó khăn nhất từ ảnh hưởng của khủng hoảng. Theo ông/bà, trong năm 2010 những khó khăn nào các doanh nghiệp cần lưu ý và những giải pháp mà các doanh nghiệp đặt ra?

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền:

Cảm ơn bạn đã quan tâm. Một phần câu hỏi của bạn tôi đã đề cập ở các câu trả lời trước, bạn tham khảo nhé.

Theo tôi, trong năm 2010 các doanh nghiệp dệt may, trong đó có May 10 - doanh nghiệp xuất khẩu đến 70% - cũng sẽ tiếp tục gặp phải một số khó khăn do sự phục hồi kinh tế thế giới chưa vững chắc. Bên cạnh đó, sự biến động của USD với các ngoại tệ khác, trong nước thì lãi suất tăng, nguồn nhân lực cho phát triển mở rộng cũng không phải dồi dào...

Giải pháp mà doanh nghiệp chúng tôi đặt ra là đẩy mạnh đầu tư cả bề rộng và chiều sâu để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mạnh hơn trong những năm tới. Chúng tôi luôn tranh thủ các nguồn vốn của đối tác, đào tạo nguồn nhân lực, mở rộng thị trường cả trong và ngoài nước. Nhưng giải pháp quan trọng nhất là phải giữ được giá trị cốt lõi là chất lướng sản phẩm và chất lượng dịch vụ.

Hoàng Thắng - Nam 33 tuổi - Nhà đầu tư:

Xin hỏi lãnh đạo Tổng công ty Sông Đà. Ông có thể cho biết một số kết quả kinh doanh trong năm 2009 của Tổng công ty? Một số chỉ tiêu dự kiến của năm 2010? Trong các công ty thành viên, theo ông những công ty nào hoạt động hiệu quả nhất? Xin được ông cho biết cụ thể. Cảm ơn ông.

Ông Lê Duy Hiếu:

Trước hết chúng tôi xin cảm ơn bạn đã quan tâm tới tổng công ty chúng tôi.

Về câu hỏi của bạn, chúng tôi xin trả lơi: Bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2009, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới tiếp tục tác động mạnh vào nền kinh tế trong nước (nói chung) và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, trong đó có Tổng công ty Sông Đà (nói riêng).

Để kịp thời triển khai thực hiện Nghị quyết số 30 ngày 11/12/2008 của Chính phủ và Chỉ thị của Bộ Xây dựng về việc chống suy giảm kinh tế, ổn định và phát triển nền kinh tế vĩ mỗ, chúng tôi đã chủ động xây dựng, ban hành và triển khai các giải pháp cấp bách nhằm ổn định phát triển sản xuất kinh doanh năm 2009 của tổ hợp Sông Đà.

Vì vậy năm 2009 Sông Đà đã hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch đề ra.

Cụ thể là tổng giá trị sản xuất, kinh doanh thực hiện 20,870 tỷ đồng trên kế hoạch năm là 20.500 tỷ đồng, đạt 102%, tăng 13% so với thực hiện năm 2008 (18.510 tỷ đồng), doanh thu thực hiện đạt 18.715 tỷ đồng trên kế hoạch năm là 17.000 tỷ đồng, đạt 110%, tăng 21% so với thực hiện năm 2008 (15.500 tỷ đồng). Nộp ngân sách Nhà nước 1.452 tỷ đồng, đạt 182%, tăng 99% so với thực hiện 2008 (730 tỷ đồng). Thu nhập bình quân tháng của cán bộ công nhân viên đạt 4,23 triệu đồng, trên kế hoạch năm là 3,6 triệu đồng, đạt 118%, tăng 27% so với thực hiện năm 2008 (3,3 triệu đồng).

Đặc biêt, lợi nhuận trước thuế thực hiện đạt 2.055 tỷ đồng, trên kế hoạch năm 900 tỷ động, đạt 228%, tăng 154% so với thực hiện 2008 (810 tỷ đồng).

Năm 2010, chúng tôi đặt mục tiêu sản xuất kinh doanh với tổng giá trị 23.700 tỷ đồng, tăng 14% so với 2009, doanh thu đạt 20.500 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 1.200 tỷ đồng, thu nhập cán bộ công nhân viên đạt 4,5 triệu đồng, giá trị đầu tư đạt 7.600 tỷ đồng.

Nói chung, các công ty thành viên về xây lắp tiêu biểu là Công ty Cổ phần Sông Đà 5, 7, 9 và 10. Về khối sản xuất công nghiệp, đơn vị tiêu biểu là Thép Việt - Ý. Về xây dựng đô thị tiêu biểu là Công ty Cổ phần Sông Đà Sudico.

Lê Bách Thắng - Nam 24 tuổi - Tư vấn tài chính:

Hiện nay có một số nhận định cho rằng Việt Nam đã chạm đáy của cuộc khủng hoảng vào quý I /2009. Tuy nhiên, có một số nhận định của các chuyên gia kinh tế thì kinh tế thế giới lại tiệp tục rơi vào suy thoái vào năm 2010. Theo nhận định của các vị về ý kiến này thế nào? Và nếu Việt Nam đã chạm đáy khủng hoảng rồi thì cấu trúc ngành sau khủng hoảng có gì thay đổi so với trước đây?

Ông Cao Sỹ Kiêm:

Căn cứ vào những kết quả trong năm 2009 thì nền kinh tế Việt Nam đã chạm đáy của khủng hoảng và có những yếu tố ổn định để đi lên. Đối với kinh tế thế giới nhìn chung trong năm 2010 sẽ có chuyển biến hơn năm 2009, còn thoát ra khỏi khủng hoảng hay chưa thì còn phải có thời gian. Kinh tế Việt Nam đã chạm đáy thì cấu trúc nên tập trung vào hai vấn đề.

Thứ nhất, đổi mới mô hình tăng trưởng theo nội dung phải chuyển từ nền kinh tế phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu, rất chú ý đến năng suất và hiệu quả, đến khả năng áp dụng tiến bộ kỹ thuật, sử dụng mạnh các yếu tố nội lực và khai thác triệt để nội lực, tạo ra nhiều yếu tố tích cực trong cạnh tranh.

Thứ hai, đối với đổi mới cơ cấu phải chuyển hướng theo hướng ổn định lâu dài nền kinh tế vĩ mô và điều chỉnh cơ cấu theo hướng trên cơ sở lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh.

Cụ thể như nông nghiệp, chúng ta phải chuyển mạnh sang áp dụng các công nghệ, chế biến, khoa học sinh thái, tập trung vào vấn đề giống, cơ giới hóa, thị trường tiêu thụ. Trong công nghiệp giảm gia công, tạo nên giá trị gia tăng nhanh, đảm bảo an toàn môi trường, rất chú ý phát triển theo quy hoạch chiến lược một cách dài hạn có hệ thống . Trong du lịch, tập trung đi vào chất lượng, đặc biệt là các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Lê Kim Xuyến - Nữ 44 tuổi - KD:

Năm 2009, kinh tế khó khăn vì ảnh hưởng khủng hoảng, hầu hết các doanh nghiệp đều rất thận trọng khi đưa ra các chỉ tiêu kế hoạch. Kinh tế phục hồi sớm hơn và dẫn tới làn sóng nhiều doanh nghiệp vượt xa những chỉ tiêu đó, dù là đã điều chỉnh. Điều đó theo tôi dễ gây hiểu nhầm các doanh nghiệp hoạt động rất hiệu quả, vượt khó rất thành công. Ý kiến của các doanh nghiệp và chuyên gia như thế nào? Và năm 2010, các doanh nghiệp dự kiến sẽ xác định các chỉ tiêu kinh doanh như thế nào?


Ông Trịnh Hoàng Duy:

Khi đưa ra các chỉ tiêu trong năm 2009, chúng tôi đã xem xét, cân nhắc rất kỹ và đã được Đại hội cổ đông thông qua.

Việc hoàn thành vượt mức kế hoạch trong 2009 là sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, công nhân viên của toàn Tổng công ty.

Năm 2010, chúng tôi dự kiến các chỉ tiêu cụ thể như sau: doanh thu, lợi nhuận sẽ tăng 12% trở lên so với 2009.

Quốc Thịnh - Nam 37 tuổi - Đầu tư:

Xin chào anh Sơn, theo anh năm nay chính sách tiền tệ, nhất là lãi suất và tỷ giá, có biến động mạnh như năm 2008 và 2009 không? Theo anh, đâu là những điều kiện để thị trường tài chính ổn định? TiênPhongBank mới tham gia thị trường, vậy yếu tố "mới" có gì thuận lợi và bất lợi? Cảm ơn anh.

Ông Phan Thanh Sơn:

Vâng, chào anh Quốc Thịnh. Theo tôi, lãi suất và tỷ giá vẫn sẽ có những biến động trong 2010. Bởi vì, năm 2010, tình hình kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục có nhiều biến động, do đó chính sách tiền tệ, đặc biệt là chinh sách lãi suất, tỷ giá của Ngân hàng nhà nước cũng phải điều hành theo hướng linh hoạt. Ngoài ra, những biến động của tỷ giá và lãi suất trên thị trường tài chính thế giới và khu vực cũng sẽ có ảnh hưởng đến Việt Nam.

Tuy nhiên, tôi cũng hy vọng rằng, sự biến động đó không mang tính đột biến và gây ảnh hưởng cho hoạt động của doanh nghiệp, trong đó có ngành ngân hàng.

TiênPhongBank mới tham gia thị trường thì yếu tố bất lợi đầu tiên là mạng lưới hoạt động còn khiêm tốn. Tuy nhiên, để khắc phục bất lợi này thì chúng tôi triển khai mạnh mẽ các sản phẩm dịch vụ ngân hàng trực tuyến, nhằm xóa bỏ khoảng cách vật lý từ ngân hàng đến khách hàng. TiênPhongBank tự hào là đơn vị chỉ sau 4 tháng đi vào hoạt động đã triển khai thành công dịch vụ Internet Banking, và chúng tôi là ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên tại Việt Nam cũng triển khai thành công sản phẩm tiết kiệm điện từ (eSavings).

Một thuận lợi thứ hai là mặc dù “sinh sau để muộn” nhưng chúng tôi có điều kiện học hỏi những kinh nghiệm của những ngân hàng đi trước và tránh được những bài học đáng tiếc.

Thứ ba, cũng vì ra đời sau nên chúng tôi tập trung đầu tư đồng bộ hệ thống công nghệ và quản trị ngân hàng hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển ngân hàng trong những năm tới.

Lê Kim Xuyến - Nữ 44 tuổi - KD:

Năm 2009, kinh tế khó khăn vì ảnh hưởng khủng hoảng, hầu hết các doanh nghiệp đều rất thận trọng khi đưa ra các chỉ tiêu kế hoạch. Kinh tế phục hồi sớm hơn và dẫn tới làn sóng nhiều doanh nghiệp vượt xa những chỉ tiêu đó, dù là đã điều chỉnh. Điều đó theo tôi dễ gây hiểu nhầm các doanh nghiệp hoạt động rất hiệu quả, vượt khó rất thành công. Ý kiến của các doanh nghiệp và chuyên gia như thế nào? Và năm 2010, các doanh nghiệp dự kiến sẽ xác định các chỉ tiêu kinh doanh như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền:

Câu hỏi của bạn rất thú vị. Tuy nhiên, một số nội dung trong câu hỏi của bạn tôi đã trả lời, bạn tham khảo thêm nhé.

Thực tế bạn nêu có thể đúng ở nơi này nơi khác. Song, một điều rất quan trọng theo tôi là phải xây dựng kế hoạch sát với năng lực thực tế và dự báo được xu thế của thị trường. Trong năm 2009 thì May 10 vượt kế hoạch chỉ có 7% và kết quả này là thực chất.

Trong năm 2010 chúng tôi vẫn xây dựng kế hoạch theo quan điểm trên với dự kiến tăng 15%.

Quynh.lv - Nữ 30 tuổi - Văn phòng:

Chỉ còn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, ông/bà có thể cho biết chế độ lương, thưởng cuối năm tại doanh nghiệp mình không; mức cao nhất và thấp nhất là bao nhiêu?

Ông Phan Thanh Sơn:

Với kết quả kinh doanh khả quan trong 2009, lợi nhuận trước thuế và sau khi trích lập dự phòng của TiênPhongBank là 164,7 tỷ đồng thì quỹ thưởng của chúng tôi trong năm nay tăng 2,5 lần và quỹ lương tăng 5 lần so với năm trước.

Nguyễn Văn Thịnh - Nam 33 tuổi - Công chức:

Khả năng nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái lần 2 trong năm 2010 có cao không? Khoảng bao nhiêu phần trăm? Xin hay cho biết ý kiến của các chuyên gia. Cảm ơn.

Ông Lê Xuân Nghĩa:

Theo tôi, khả năng này không cao, chỉ khoảng 20%.

Phạm Văn Tuấn - 21 tuổi - Sinh viên:

Xin hỏi bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng giám đốc Công ty May 10, về hướng phát triển của doanh nghiệp trong năm nay, đặc biệt là về vấn đề nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu chất lương cao hơn cho hàng May 10.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền:

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến công ty chúng tôi.

Chất lượng sản phẩm của May 10 thì đã được khẳng định không chỉ trong nước. Tuy nhiên không phải vì như vậy mà chúng tôi không tiếp tục đầu tư để giữ vững và nâng cao hơn.

Tôi nghĩ thời điểm này người tiêu dùng càng khắt khe hơn trong việc mua sắm. Vậy nên May 10 sẽ càng ý thức hơn trong việc duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như xây dựng thương hiệu đã có từ nhiều năm nay và có vị trí trong ngành thời trang.

Trong năm nay chúng tôi dự định sẽ đưa ra một số sản phẩm, dịch vụ mới. Rất mong bạn sẽ tiếp tục là khách hàng quen thuộc của công ty chúng tôi.

Tuong Lam - Nữ 38 tuổi:

Xin hỏi ông Lê Xuân Nghĩa, theo ông những yếu tố nào có thể tác động đến cặp tỷ giá hối đoái VND/USD và tỷ giá VND/USD sẽ khoảng bao nhiêu trong năm 2010?

Ông Lê Xuân Nghĩa:

Yếu tố tác động trực tiếp đến cặp tỷ giá hối đoái VND/USD và lãi suất VND và lãi suất USD và mức chênh lệch giữa hai lãi suất này. Thường thì lãi suất tăng lên sẽ làm cho đồng tiền tăng giá, và ngược lại.

Năm 2009, do lãi suất VND được tài trợ từ gói kích thích kinh tế, nên chênh lệch giữa hai lãi suất này rất thấp, khiến cho VND mất giá so với USD. Trên thị trường hối đoái, đồng USD trở nên khan hiếm, tình trạng cất trữ, găm giữ ngoại tệ khá phổ biến và sức ép tăng tỷ giá rất lớn.

Sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá hối đoái, tăng lãi suất cơ bản và bỏ tài trợ lãi suất với tín dụng ngắn hạn thì căng thẳng ngoại tệ có giảm, nhưng vẫn còn khá lớn do lãi suất VND vẫn được tài trợ cho các khoản vay trung dài hạn và khu vực nông thôn. Bằng chứng là chênh lệch tỷ giá giữa thị trường tự do và thị trường chính thức vẫn còn rất lớn.

Ngoài ra, có thể đầu quý 2/2010, Mỹ sẽ tăng lãi suất và đồng USD sẽ tăng giá trở lại so với một số đồng tiền chủ chốt khác, kể cả Việt Nam. Đó cũng là một sức ép đối với vấn đề tỷ giá giữa VND và USD trong năm 2010.

Tôi cho rằng thanh khoản ngoại tệ và tỷ giá hối đoái vẫn là vấn đề kinh tế vĩ mô trọng yếu nhất của Việt Nam trong năm 2010 (không phải là vấn đề lạm phát). Trong năm nay, Chính phủ sẽ tập trung giải quyết vấn đề này và đương nhiêu giải quyết vấn đề tỷ giá hối đoái phải gắn liền với việc giải quyết lãi suất chênh lệch giữa hai đồng tiền.

Vì vậy, các doanh nghiệp cần phải có kế hoạch tài chính hợp lý để phòng ngừa rủi ro về lãi suất hoặc rủi ro tỷ giá trong trường hợp có những điều chỉnh từ bên trong, hoặc từ bên ngoài.

Lê Bách Thắng - Nam 24 tuổi - Tư vấn tài chính:

Có một số nhận định cho rằng Việt Nam đã chạm đáy của cuộc khủng hoảng vào quý I /2009. Tuy nhiên, có một số nhận định của các chuyên gia kinh tế thì kinh tế thế giới lại tiếp tục rơi vào suy thoái vào năm 2010. Theo nhận định của các vị về ý kiến này thế nào? Và nếu Việt Nam đã chạm đáy khủng hoảng rồi thì cấu trúc ngành sau khủng hoảng có gì thay đổi so với trước đây?

Ông Trịnh Hoàng Duy:

Tôi chưa nhất trí với các nhận định kinh tế thế giới lại tiếp tục rơi vào suy thoái trong năm 2010. Nhìn chung trong năm nay nền kinh tế thế giới sẽ có sự tăng trưởng. Trong đó, sự “trỗi dậy” mạnh nhất là ở các nước châu Á. Riêng nền kinh tế Mỹ, nửa cuối năm 2010 sẽ vẫn có sự phát triển chậm hơn so với các nước khác.

Đối với Tổng công ty Vinaconex, trong 2010, một trong những nhiệm vụ quan trọng là tái cấu trúc doanh nghiệp, tập trung vào hai lĩnh vực thế mạnh của Vinaconex là: xây dựng và kinh doanh bất động sản. Chúng tôi sẽ tiếp tục thoái vốn ở những lĩnh vực không phải thế mạnh của Vinaconex như: kinh doanh thương mại, dịch vụ du lịch, đào tạo…

Doan Van - Nữ 30 tuổi - PV:

Được biết năm 2009, EVN Telecom đã chính thức kết nối vào hệ thống cáp quang biển Liên Á để tăng mạnh dung lượng truyền dữ liệu. Ông có thể cho biết mục tiêu của kế hoạch đầu tư này? Năm 2010 được nhận định các dịch vụ 3G sẽ phát triển mạnh và bùng nổ. Ông nhận định như thế nào về cơ hội và thách thức của EVN trong thị trường các dịch vụ 3G? Người tiêu dùng sẽ được chờ đợi gì từ các dịch vụ 3G của EVN Telecom?

Ông Phan Sỹ Nghĩa:

Trong năm 2009, EVN Telecom đã chính thức kết nối vào hệ thống cáp quang biển Liên Á, và được bầu chọn là một trong "Mười sự kiện viễn thông và công nghệ thông tin tiêu biểu năm 2009" ở Việt Nam.

Với dung lượng 50 Gb, kết nối đi Hồng Kông, Singapore, Nhật Bản, chúng tôi dự kiến những năm tới sẽ kết nối vươn rộng trên toàn thế giới.

Tận dụng lợi thế hệ thống cáp quang biển lớn này, chúng tôi sẽ đẩy mạnh cung cấp dịch vụ Internet với tốc độ kết nối cao, cho thuê đường truyền dung lượng lớn cho các khách hàng, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để phát triển kinh doanh.

Đặc biệt trong năm 2010, EVN Telecom sẽ cung cấp dịch vụ 3G, cho nên việc có được băng thông quốc tế dung lượng lớn sẽ là một bước đệm quan trọng, tạo đà cho EVN Telecom cung cấp cho khách hàng dịch vụ 3G với chất lượng ổn định và tốt nhất, nâng cao khả năng cạnh tranh của EVN Telecom trên thị trường viễn thông.

Hoàng Thắng - Nam 33 tuổi - Nhà đầu tư:

Xin hỏi lãnh đạo các ngân hàng thương mại. Các ngân hàng vẫn công bố lãi và hoạt động tốt, thế nhưng giá cổ phiếu trên sàn thì lại không tăng trưởng theo đà chung của thị trường, vì sao vậy?


Ông Phan Thanh Sơn:

Trước hết, ngành ngân hàng là ngành có tỷ suất lợi nhuận ít đột biến và ổn định, vì thế, trong điều kiện bình thường, giá cổ phiếu của ngành ngân hàng thuộc nhóm ít biến động.

Hơn nữa, triển vọng trong 2010 của ngành ngân hàng vẫn còn nhiều thách thức do chính sách kiềm chế lạm phát cũng như hạn chế tăng trưởng tín dụng, do đó, các ngân hàng phải nỗ lực nhiều hơn trong phát triển các sản phẩm dịch vụ phi tín dụng thì mới đáp ứng kỳ vọng của thị trường cũng như của các nhà đầu tư.

Mai Thảo - Nữ 28 tuổi - Nhân viên phát triển thị trường:

Theo các doanh nghiệp, trong năm nay những rủi ro nào có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của mình?

Ông Trịnh Hoàng Duy:

Theo chúng tôi, những rủi ro có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty là: Khả năng huy động vốn, lãi suất vay vốn có khả năng tiếp tục tăng, đồng Việt Nam tiếp tục mất giá so với USD, sự khan hiếm ngoại tệ trong thanh toán.

Minh Hieu - Nam 34 tuổi - Công chức:

Xin hỏi lãnh đạo Tổng công ty Sông Đà, ông có thể cho biết những dự án trọng điểm của Tổng công ty trong năm 2010? Đầu là những dự án bất động sản tại Hà Nội sẽ triển khai và những dự án đó hướng tới những đối tượng nào?

Ông Lê Duy Hiếu:

Năm 2010, chúng tôi sẽ tập trung huy động nhân - vật lực vào một số dự án trọng điểm như Thủy điện Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Hủa Na...

Ngoài ra, mục tiêu quan trọng của chúng tôi là phát điện tổ máy 1 Thủy điện Sơn La và các tổ máy thủy điện Bản Vẽ, đảm bảo mục tiêu, tiến độ, nhiệm vụ đầu tư các dự án: Thủy điện Xê-ka-mẳn 1 và 3 (bên nước bạn Lào), thủy điện Nậm Chiến (Sơn La); khởi công và ngăn sông thủy điện Xê-ka-mẳn 1, hoàn thành phát điện các tổ máy thủy điện Hương Sơn, Sử Phán 2 và Trà Xom.

Riêng sản lượng điện của Tổng công ty Sông Đà sẽ sản xuất và tiêu thụ trên 1,6 tỷ KWh, góp phần bình ổn giá và bù đắp sự thiếu hụt điện năng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tôi xin trả lời ý thứ hai bạn hỏi. năm nay chúng tôi sẽ thực hiện một số dự án bất độn sản tại Hà Nội như khu đô thị Nam An Khánh, Văn Khê. Cả hai dự án này đều phổ biến dành cho mọi đối tượng người dân.

Tuong Lam - Nữ 38 tuổi:

Xin hỏi ông Lê Xuân Nghĩa, tình trạng ngân hàng khan tiền dẫn tới những khó khăn trong tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp có "giảm nhiệt" trong năm 2010 này?

Ông Lê Xuân Nghĩa:

Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp trong năm 2010 vẫn là khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng, do nguồn vốn huy động khan hiếm hơn, tín dụng được thắt chặt hơn và lãi suất có thể cao hơn. Mà nguyên nhân thì tôi đã nói ở trên.

Người Quen - Nữ 24 tuổi - Kinh doanh:

2009 là năm các doanh nghiệp dệt may đẩy mạnh chiếm lĩnh thị trường nội địa, với May 10 thì sao, thưa Giám đốc Nguyễn Thị Thu Huyền?


Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền:

Khi trả lời câu hỏi về cuộc vận động Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt tôi đã trả lời câu hỏi này của bạn. Tuy nhiên cũng xin nói thêm một chút, trước nay người tiêu dùng trong nước chủ yếu biết đến May 10 qua sản phẩm dành cho Nam giới. Để đẩy mạnh việc chiếm lĩnh thị trường nội địa, trong năm tới công ty sẽ cho ra mắt một số dòng sản phẩm dành cho nữ giới, như sơmi và vest.

Như vậy, sản phẩm dành cho người tiêu dùng trong nước sẽ đa dạng hơn với mong muốn được phục vụ nhiều đối tượng hơn.

Công ty cũng mở rộng kênh phân phối tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước để người tiêu dùng có thêm nhiều cơ hội sử dụng sản phẩm May 10.

Phạm Ngọc Thành - Nam 24 tuổi - Thợ máy:

Tôi muốn hỏi trong năm 2010 này ngành nào có thể phát truyển tốt nhất. Và có tiền thì nên đầu tư vào đâu là thuận lợi nhất? Kinh tế Việt Nam so với nước ngoài có gì thay đổi nhiều so với năm 2009 không? Xin cảm ơn các doanh nghiệp.

Ông Phan Thanh Sơn:

Theo quan điểm của tôi, năm 2010 là năm của các sản phẩm nông lâm thủy sản, nguyên vật liệu như sắt thép, cao su, dầu thô… do đó các ngành sản xuất và xuất khẩu liên quan đến các ngành này sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng tốt. Nếu tôi có tiền, tôi sẽ quan tâm đến những lĩnh vực này.

(Theo Vneconomy)

Bài thuộc chuyên đề: Dự báo kinh tế Việt Nam 2010

  • Nhà máy Rượu Việt Nam - Thuỵ Điển hoạt động
  • Google đệ đơn xin vươn sang lĩnh vực năng lượng
  • Jetstar Pacific che giấu lỗi về bảo dưỡng tàu bay
  • Kinh doanh gas: Làm nhỏ bị thiệt ?
  • Đẩy mạnh đưa bia Sài Gòn ra thế giới
  • Nestlé mua lại mảng pizza đông lạnh từ Kraft Foods
  • Petro Vietnam đặt mục tiêu doanh thu 329.000 tỷ đồng năm nay
  • Kinh tế 2010 nhìn từ doanh nghiệp (Phần 2)
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
Thanh Dũng Furniture - Nội thất Thanh Dũng

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao