Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Luật Doanh nghiệp - một thập kỷ trỗi dậy

Luật DN năm 1999 được ban hành trở thành nhân chứng điển hình của cuộc cách mạng về tư duy trong hoạt động quản lý nhà nước đối với DN - tinkinhte.com
Luật DN năm 1999 được ban hành trở thành nhân chứng điển hình của cuộc cách mạng về tư duy trong hoạt động quản lý nhà nước đối với DN
Sau 10 năm Luật Doanh nghiệp, Việt Nam vẫn chưa có một cộng đồng doanh nghiệp lớn...
 
“Tôi muốn nhìn tới hơn là nhìn lại 10 năm Luật Doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp năm 1999 đã mở ra cuộc cách mạng về đăng ký kinh doanh, mở cửa thị trường cho doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã chấm dứt sự khác biệt về sân chơi giữa các loại hình doanh nghiệp, nhưng Việt Nam vẫn chưa có một cộng đồng doanh nghiệp lớn”

10 năm một kế hoạch

Ông Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thẳng thắn khi được đề nghị chia sẻ về chặng đường 10 năm thực hiện Luật Doanh nghiệp (2000-2010) với vai trò là một trong những người chắp bút cho cả hai “phiên bản” năm 2000 và năm 2005.

Gần 400.000 doanh nghiệp (DN) là con số ước tính của năm 2009. Với tốc độ đăng ký kinh doanh khoảng 100.000 DN một năm như vài năm trở lại đây, năm 2010 có thể sẽ là dấu mốc ghi con số 500.000 DN Việt Nam, đúng như kế hoạch dự kiến về phát triển cộng đồng DN Việt Nam.

Đơn thuần nhìn vào các con số, có thể thấy, tốc độ tăng trưởng của cộng đồng DN Việt Nam thực sự đáng kể. Ngay cả trong bối cảnh không mấy thuận lợi trong hoạt động kinh doanh của năm 2008-2009, tốc độ DN đăng ký mới cũng không giảm nhiều, ổn định ở mức khoảng 80.000 DN/năm.

“Tuy nhiên, so với các tiêu chí về quy mô DN, các DN của Việt Nam vẫn rất nhỏ. Hơn thế, ngoài một số rất ít DN trội lên, thì quy mô DN vừa của Việt Nam lại khá hiếm hoi”, ông Cung nhìn nhận và nhắc tới khoảng thiếu hụt các DN “kế cận” các DN lớn.

Còn nhớ, hơn 10 năm trước, khi các dự thảo đầu tiên của Luật DN năm 1999 được khởi thảo, những cuộc tranh luận về điều kiện thành lập DN, đăng ký kinh doanh gay gắt đến mức cả ban soạn thảo cũng chia “phe”. Cuộc giằng co giữa một luồng tư duy DN chỉ được kinh doanh những gì Nhà nước cho phép và quan điểm mở cửa rộng cho các nhu cầu kinh doanh, trả quyền tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm về tay DN hiện rõ trên từng lần dự thảo.

Luật DN năm 1999 được ban hành trở thành nhân chứng điển hình của cuộc cách mạng về tư duy trong hoạt động quản lý nhà nước đối với DN. Cơ chế hậu kiểm lên ngôi, tháo nút cho sự phát triển về số lượng của DN Việt Nam.

Hiện tại, các thủ tục đăng ký kinh doanh, điều kiện gia nhập thị trường trong Luật DN năm 2005 vẫn là một bệ đỡ khá vững cho môi trường kinh doanh Việt Nam. Trong khảo sát mới công bố giữa tháng 1/2010 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam về xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), thủ tục đăng ký kinh doanh tiếp tục lên điểm mạnh. Cơ chế một cửa trong đăng ký kinh doanh đã giảm nhẹ chi phí mà DN phải bỏ ra cho bước gia nhập thị trường. Trung bình, tổng thời gian cho bước thủ tục này là 10 ngày. Số DN phải chờ đợi hơn 3 tháng để có được quyền kinh doanh giảm xuống còn 5%...

Thậm chí, giới đầu tư đang kỳ vọng hơn về một bước tiến lớn trong hoạt động này khi các văn bản pháp lý liên quan đến đăng ký DN đang được sửa đổi theo hướng một cửa, áp dụng công nghệ thông tin và hệ thống nối mạng quốc gia… Có thể tốc độ thành lập DN mới sẽ chỉ tính theo giờ.

10 năm một băn khoăn

Nhưng chất lượng, năng lực cạnh tranh của các DN này vẫn để ngỏ. Đó là một phần lý do mà người được cho là một phần linh hồn của Luật DN chưa muốn nhắc lại khí thế hừng hực của những con người tạo nên các bước chuyển lớn trong Luật DN 1999 và Luật DN 2005.

“Về tổng thể, Luật DN khá ổn về mặt luật pháp, về nội dung tiếp cận, khung khổ pháp luật, phạm vi điều chỉnh. Nói là ổn vì các nhà đầu tư nước ngoài khi vào Việt Nam, khi đọc Luật DN của Việt Nam, họ không thấy sự cá biệt mang tên Việt Nam. Luật DN đã mở rộng của cho nhà đầu tư gia nhập thị trường, thiết lập một khung quản trị xét về nội dung là tương thích với thông lệ quốc tế”, ông Cung phân tích nhưng không khỏi băn khoăn về câu chuyện thực thi và chế tài thực thi pháp luật, không chỉ trong giới hạn Luật DN.

“10 năm rồi, trong phạm vi Luật DN điều chỉnh, sự chăm chút cho “sinh” nhiều, trong khi phần “dưỡng” còn thiếu hụt. Cơ quan đăng ký kinh doanh có 4 nhiệm vụ nhưng hiện vẫn chỉ làm được một việc là đăng ký kinh doanh. Sự hậu thuẫn DN trong mối quan hệ với cơ quan quản lý nhà nước, cung cấp thông tin, hỗ trợ, kết nối DN hầu như không có. Mô hình cơ quan đăng ký kinh doanh chuyên nghiệp và độc lập, đủ tầm, đủ nguồn lực, năng lực gắn với trách nhiệm phát triển DN, thực hiện nhiệm vụ hậu kiểm các nội dung trong đăng ký kinh doanh… được thiết kế từ Luật DN 1999 vẫn chưa thực hiện được trọn vẹn. Chính sự thiếu hụt này mà DN Việt Nam vẫn khó lớn, khó chuyên nghiệp, khó nâng cao năng lực cạnh cạnh tranh”, ông Cung chia sẻ.

Nhắc tới câu quen thuộc mang “thương hiệu Nguyễn Đình Cung” khi nói về môi trường kinh doanh Việt Nam là “thật thà thường thua thiệt”, ông Cung trần tình: “Tôi không phản đối các mối quan hệ cá nhân. Những cơ hội kinh doanh xuất phát từ mối quan hệ không phải là xấu. Nhưng nếu xét về sự phát triển chung trong một nền kinh tế, thì các mối quan hệ đó không ổn, nó tạo ra sự không công bằng, không khuyến khích những người có năng lực, sáng tạo, sáng kiến… Không ổn chút nào khi thuận lợi nghiêng về những người biết chạy chọt”.

Thực ra, vấn đề không đơn giản chỉ nằm trong văn bản và việc thực thi Luật DN. Nhưng trong hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, không một sự thuận tiện nào bứt phá nếu không có sự song hành của cả một hệ thống.

Kỳ vọng 10 năm

Nếu như đột phá của Luật DN là phá vỡ những cá biệt trong pháp luật về khung quản trị DN của Việt Nam so với thông lệ quốc tế, thì điểm yếu của Luật DN cũng lại nằm ở chính nội dung này. Sau 10 năm với hai “phiên bản”, quản trị DN tốt vẫn chủ yếu nằm trên giấy.

“Quản trị DN trên thực tế khác xa so với trên văn bản. Có nghĩa là thiếu minh bạch, thiếu chuẩn mực, tiện đâu làm đấy. Một hình ảnh thiếu đảm bảo cho các đối tác trong việc thiết lập quan hệ giao dịch ổn định lâu dài”, ông Cung phác họa.

Không phản đối rằng một phần nguyên nhân từ chính bản thân các DN vẫn ưa văn hoá tuỳ tiện, kể cả trong thực thi pháp luật, song ông Cung giữ quan điểm, nếu cơ quan thực thi pháp luật đủ năng lực để chế tài việc tuân thủ đúng, đủ các quy định pháp luật, DN sẽ không có cơ hội để “phát huy” thói quen tuỳ tiện.

“Cũng phải nhắc tới sự tác động trong quy định và thực thi các luật chuyên ngành, các điều kiện kinh doanh. Khi chất lượng của pháp luật của Việt Nam còn đang trong gia đoạn hoàn chỉnh, dường như văn hóa thực thi tuỳ ý của cơ quan quản lý nhà nước và văn hoá bất tuân thủ của DN có cơ phát triển mạnh. Trở lại câu nói “thật thà thì thua thiệt”, có người nói là thua thiệt, tốn kém trong ngắn hạn thôi. Nhưng khi đã khó tồn tại, khó phát triển ngắn hạn thì hỏi DN có đủ sức để chờ chiến lược dài hạn hay không”, ông Cung đặt vấn đề.

Giả sử lại đặt một dấu mốc mới cho Luật DN từ năm 2010 để nhìn tới một kế hoạch 10 năm tới, có vẻ như thời điểm thay đổi lại đang hội tụ nhiều điểm thuận.

“Tôi muốn nhắc tới Đề án 30 về cải cách thủ tục hành chính. Công việc cắt giảm các thủ tục, quy định hành chính không cần thiết đã được đặt nền tảng từ những kiến nghị bãi bỏ giấy phép con từ 10 năm trước. Công việc khó khăn, thách thức khi đó hiện đang có điều kiện để thực hiện mạnh mẽ, tiếp tục tăng cao sự minh bạch, rõ ràng trong môi trường kinh doanh Việt Nam. Tuy vậy, điều quan trọng nhất theo tôi vẫn là thể chế”, ông Cung bình luận và cho rằng, sự thay đổi sẽ không chỉ đơn giản bằng việc xây dựng một vài điều luật mà phải thay đổi tư duy thiết lập thể chế quản lý nhà nước. “Tiếp sau đó mới là con người, nguồn lực, công cụ để thực hiện”.

Trong Đề án tái cấu trúc nền kinh tế đang được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thực hiện theo phân công của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các nội dung này cũng đã được đề xuất. Cơ sở cho 10 năm tới trong tạo dựng một môi trường pháp lý, môi trường kinh doanh minh bạch, chuyên nghiệp đang dầy lên.

Thử làm một phép tính, mất khoảng 3 năm cho các kế hoạch cụ thể về cơ quan đăng ký kinh doanh gắn với phát triển DN, đủ tầm năng lực thực hiện cơ chế hậu kiểm, khả năng 10 năm nữa, đội ngũ DN tư nhân lớn, thực sự là động lực của động lực phá triển kinh tế sẽ đủ thời gian phát triển.

Năm 2010, khu vực DN nhà nước chính thức xoá bỏ sự khác biệt về pháp lý trong khung quản trị DN, cơ hội để DN nhà nước thực sự đi đầu, trở thành khu vực trọng điểm trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đột phá trong lĩnh vực an ninh kinh tế như năng lượng đang mở ra.

Tất nhiên, một cộng đồng DN lớn sẽ không thể trông chờ vào chỉ một Luật DN, nhưng thông thường, sự lan toả cần một tiếng chuông khởi động.

(Theo Tuyết Ánh // Báo đầu tư)

  • PVI được xếp hạng "B+"
  • Điện - Viễn tiếp tục“ông chẳng bà chuộc”
  • Bay nội địa với Vietnam Airlines theo giá mới
  • Quy định tỷ lệ tham dự Đại hội cổ đông: Làm khó doanh nghiệp
  • PVN nộp ngân sách tháng 1 vượt 21%
  • Về hoạt động taxi tại Thủ đô: Không tăng thêm xe
  • Facebook: Công ty sáng tạo nhất thế giới
  • Google và Trung Quốc nối lại đàm phán
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
Thanh Dũng Furniture - Nội thất Thanh Dũng

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao