Đại diện Tập đoàn Cá tầm Việt Nam cho biết, trên thị trường thế giới, giá bán buôn đối với thịt cá tầm có thể đạt 8.000 USD - 12.000 USD/tấn. |
Tập đoàn Cá tầm Việt Nam vừa khai trương cơ sở nuôi cá tầm trên lòng hồ thủy điện Buôn Tu Srah tại huyện Lắk, tỉnh Đắc Lắc.
Với quy mô nuôi lên đến 1 triệu con, vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng, đây được cho là một trong những cơ sở nuôi cá tầm có quy mô lớn nhất thế giới.
Lòng hồ thủy điện Buôn Tu Srah là điểm nuôi trồng cá tầm thứ 5 của Tập đoàn Cá tầm Việt Nam, sau các hồ nuôi tại Bình Thuận, Lâm Đồng, Bình Định và Bắc Giang.
Với 4 đơn vị thành viên, trong đó có Công ty TNHH Cá tầm Việt Nam chuyên nghiên cứu, phát triển công nghệ nuôi cá tầm và sản xuất con giống cá tầm, tập đoàn này đã đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất và xuất khẩu cá tầm hàng đầu trong khu vực và thế giới trong 3 năm tới.
Cá tầm được thế giới biết đến và ghi nhận là dòng thực phẩm cao cấp, quý hiếm với hai sản phẩm chính có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao là thịt cá tầm và trứng cá. Loài cá này sống chủ yếu tại vùng nước lạnh tại các nước Nga, Kazakhstan, Azerbaijan, Iran, Ukraine.
Đại diện Tập đoàn Cá tầm Việt Nam cho biết, trên thị trường thế giới, giá bán buôn đối với thịt cá tầm có thể đạt 8.000 USD - 12.000 USD/tấn, trứng cá tầm dao động từ 1.000 - 6.000 USD/kg, có loại lên tới 10.000 USD/kg.
Việc nuôi cá tầm với quy mô lớn có thể tạo ra một ngành nghề thủy sản mới có hiệu quả kinh tế cao, giải quyết lao động tại địa phương. Hiện Đắc Lắc có gần 37.000 ha mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản, trong đó diện tích các lòng hồ đập thủy lợi, thủy điện quy mô lớn, có tiềm năng trong việc nuôi trông cá loại thủy đặc sản chiếm phần lớn.
Trong giai đoạn đầu, cơ sở tại Buôn Tu Srah sẽ thả nuôi 40.000 con cá thương phẩm thể khai thác trứng và thịt, sau đó sẽ nâng quy mô lên trên 1 triệu con. Trong vòng hai năm tới, Tập đoàn Cá tầm Việt Nam dự kiến sẽ đầu tư thêm từ 5 - 10 trung tâm nuôi trồng cá tầm mới có quy mô tương đương tại tỉnh Đắc Lắc. Sản lượng trứng cá tầm từ hệ thống nuôi trồng dự kiến đạt đến 1.000 tấn/năm.
Việc nuôi trồng cá tầm được thực hiện theo hai phương thức: khép kín và trong hồ tự nhiên. Trong đó, việc nuôi trồng trong hồ tự nhiên có chất lượng thịt và trứng cao hơn hẳn so với phương thức khép kín. Tuy nhiên, trên thế giới rất ít hồ tự nhiên có thể sử dụng được để nuôi trồng cá tầm. Các cơ sở nuôi cá tầm trong hồ tự nhiên hiện mới chỉ có tại Uruguay, Tây Ban Nha, Trung Quốc và Việt Nam.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com