Hãng bảo hiểm Anh Prudential cho hay đạt được thoả thuận mua lại chi nhánh AIA ở châu Á của hãng bảo hiểm AIG (Mỹ) với giá 35,5 tỉ USD hôm 1.3. Sau thông báo trên, cổ phiếu AIG tăng 4,1% còn cổ phiếu Prudential giảm hơn 12%.
Tổng hành dinh của Prudential ở Anh. Ảnh: Reuters |
Theo kế hoạch, Prudential sẽ thanh toán 25 tỉ USD bằng tiền mặt và 10,5 tỉ USD bằng cổ phiếu. Đây được coi là một thương vụ mua bán sáp nhập với giá kỷ lục trong lĩnh vực tài chính toàn cầu, và cũng là thương vụ lớn nhất trong lịch sử 162 năm hoạt động của Prudential.
Tuần trước, AIG công bố thua lỗ 8,87 tỉ USD trong quý 4/2009. Bán AIA tại châu Á là một phần trong nỗ lực tái cơ cấu kinh doanh của AIG, và trả bớt khoản nợ hơn 180 tỉ USD mà Chính phủ Mỹ đã chi để cứu AIG khỏi sụp đổ vào năm 2008.
Nhà phân tích Tony Silverman tại Standard & Poor’s Equity Research cho rằng: “Châu Á là thị trường quan trọng của Prudential. Prudential cần bảo đảm vị thế dẫn đầu”. Qua thương vụ này, thị phần của Prudential tại châu Á tăng từ 47% lên 60% với hơn 30 triệu khách hàng. Giám đốc quỹ của ngân hàng Brown Shipley&Co, Anh, ông John Smith, nhận xét: “Đây dường như là một thương vụ tốt cho chiến lược dài hạn, dù vẫn có rủi ro. Việc sáp nhập sẽ khiến Prudential dồn mọi tập trung vào thị trường châu Á”.
Nhiều người khác lại cho rằng Prudential đang đặt cược vào sự phát triển nhanh chóng của thị trường bảo hiểm ở châu Á, vì thị trường bảo hiểm ở các nước phát triển đã bảo hoà, tăng trưởng thấp. Theo WSJ, giá trị hợp đồng này lớn gấp đôi giá trị của Prudential và Prudential cũng chi số tiền gấp 1,69 lần giá trị của AIA tính đến hết năm 2009. Để có tiền, Prudential phải huy động thêm 21 tỉ USD bằng phát hành cổ phiếu và vay thêm 5 tỉ USD. Chính việc pha loãng cổ phiếu khiến cho thị giá cổ phiếu Prudential giảm.
Với thương vụ này, Prudential trở thành tập đoàn bảo hiểm nhân thọ lớn nhất châu Á. Đây là nơi có dân số lớn nhất thế giới, dân số có thu nhập cao gửi tiết kiệm đang gia tăng và có tốc độ phát triển kinh tế dẫn đầu toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo ngại cho Prudential về chiến lược phát triển tại thị trường châu Á vì còn nhiều nơi khó thâm nhập. Bài phân tích trên Economist cho rằng, Prudential sẽ gặp khó khăn khi việc sáp nhập phải được thông qua ở từng quốc gia. Các khó khăn khác là sự khác biệt về văn hoá do vụ sáp nhập diễn ra ở nhiều quốc gia.
AIA thành lập năm 1919 tại Hong Kong, hiện hoạt động tại 15 thị trường (trong đó có Việt Nam) với hơn 23 triệu khách hàng. Năm tài khoá kết thúc ngày 30.11.2009, AIA có lợi nhuận 1,4 tỉ USD. AIA từng có kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu tại Hong Kong nhưng phải huỷ vì cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra. |
Sau khi có tin AIA châu Á được bán, đại diện truyền thông của công ty bảo hiểm AIA Việt Nam, cho biết đã gửi thông báo đến các đại lý, và hiện công ty vẫn hoạt động bình thường, cũng như đang chờ thông tin chính thức từ phía công ty mẹ. Đại diện truyền thông của Prudential Việt Nam, cũng cho biết sẽ thông báo khi có thông tin chính thức về vấn đề trên từ công ty mẹ. Theo ông Nguyễn Tiến Hùng, giảng viên bộ môn bảo hiểm tại trường đại học Kinh tế TP.HCM, dù thay đổi tên chủ đầu tư của công ty, những quyền lợi hiện nay của người mua bảo hiểm AIA tại Việt Nam vẫn được bảo đảm.
Tại Việt Nam, nếu thương vụ sáp nhập được thực hiện, Prudential, đơn vị hiện dẫn đầu thị trường bảo hiểm nhân thọ ở thị phần doanh thu phí bảo hiểm, sẽ tiếp quản thêm khoảng 300.000 khách hàng và 12.000 đại lý trên cả nước của AIA Việt Nam.
(Theo SGTT Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com