Nhiều doanh nghiệp dệt may đang tập trung khai thác thị trường Nhật Bản. Ảnh: Đức Thanh |
Theo kế hoạch, năm 2010, DN này sẽ xuất khẩu lượng hàng tăng 20% so với năm ngoái, do những đối tác lớn của Mỹ đã tăng lượng sản phẩm trong các đơn hàng. “Trong kim ngạch 50 triệu USD của kế hoạch năm nay, 60% thuộc về thị trường Mỹ, còn lại thuộc về các thị trường khác. Việc các khách hàng lớn của Mỹ tăng đơn hàng cho thấy dấu hiệu hồi phục của thị trường này và cơ hội cho các DN là rất lớn”, ông Thời cho biết thêm.
Còn theo thông tin của Công ty cổ phần May Hưng Yên, ngay trong ngày mồng 6 Tết (ngày 19/2/2010), 50.000 sản phẩm áo sơ mi (4 container) đã rời cảng Việt Nam để xuất khẩu sang thị trường Mexico. “Chúng tôi đã có đơn hàng đến hết tháng 7 và có đơn vị thuộc công ty đã có đơn hàng đến hết tháng 9. Các thị trường mới đang phục hồi sức mua thể hiện qua lượng đơn hàng tăng hơn so với năm 2009”, ông Nguyễn Xuân Dương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần May Hưng Yên nói.
330 triệu USD là mục tiêu mà Công ty đặt ra cho xuất khẩu năm nay, được “chia” theo cơ cấu thị trường như sau: Mỹ chiếm 65%, châu Âu chiếm 10%, Nhật Bản chiếm 20% và thị trường khác chiếm 5%. “Chúng tôi đã chuẩn bị dây chuyền sản xuất sản phẩm để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản nhằm tận dụng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định Đối tác kinh tế Việt-Nhật trong năm nay. Đây là cơ hội mới cho các DN khai thác”, ông Dương nêu ví dụ về cơ hội phát triển xuất khẩu.
Cơ hội tại thị trường Nhật Bản cũng được nhiều DN khác quan tâm khai thác. Ông Nguyễn Hữu Toàn, Phó tổng Giám đốc Công ty May Sài Gòn 2 cho biết, năm nay, Công ty sẽ phát triển thêm một số mặt hàng may mặc để khai thác tốt hơn thị trường Nhật Bản. DN này cũng thông báo đã có đủ đơn hàng sản xuất đến cuối năm.
ở ngành hàng thủ công mỹ nghệ, bà Nguyễn Ngọc Liên Hoa, Giám đốc Công ty Việt Tre Co., Ltd (chuyên sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ) nhận xét, năm 2010 sẽ tốt hơn so với năm 2009. “Ngay từ đầu năm, nhiều khách hàng nước ngoài đến từ Italia, Đan Mạch, Pháp... đã tìm đến công ty chúng tôi để tham quan, tìm hiểu để đặt hàng”, Bà Hoa nói và cho biết, dù chưa có nhiều đơn hàng cụ thể, nhưng chắc chắn sắp tới, sẽ có nhiều đơn hàng xuất khẩu từ những quốc gia kể trên.
Ông Trần Quốc Mạnh, Giám đốc Công ty SADACO, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (Hawa) cũng cho biết, ngay từ cuối năm 2009 và đầu 2010, ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ cũng có dấu hiệu khởi sắc, nhiều DN thành viên Hawa bắt đầu có những đơn hàng mới và những đơn hàng dài hơi. “Hiệp hội Xuất khẩu đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ Việt Nam sẽ tổ chức Hội chợ triển lãm vào tháng 4/2010. Hy vọng đây sẽ là giải pháp mạnh để kích cầu, thu hút khách hàng và đẩy mạnh đầu ra của ngành trong thời gian tới”, ông Mạnh nói và cho rằng chắc chắn trong quý I và II của năm nay, doanh số bán hàng của DN ngành gỗ, thủ công mỹ nghệ sẽ tăng.
Mục tiêu mà Bộ Công thương đề ra cho xuất khẩu năm 2010 là tăng 7% so với năm 2009. Trong đó, nhóm nông lâm, thủy sản đặt kế hoạch xuất khẩu 12,98 tỷ USD (chiếm 21,4%); nhóm nhiên liệu, khoáng sản đạt 7,51 tỷ USD (chiếm 12,4%); nhóm công nghiệp chế biến đạt 32,36 tỷ USD (chiếm 53,5%)... Đây được coi là mục tiêu khá cao, đòi hỏi sự nỗ lực lớn của cộng đồng DN.
Song, tình hình xuất khẩu trong những ngày đầu năm của DN đã ít nhiều cho thấy những tín hiệu lạc quan, nên có cơ sở để hy vọng DN thuộc các nhóm ngành hàng có thể đạt được mục tiêu đề ra. Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã chỉ đạo, để các DN đạt mục tiêu xuất khẩu trong năm nay, ngoài sự nỗ lực của các DN, các cơ quan quản lý cần tiếp tục bám sát tình hình, giải quyết kịp thời các vướng mắc mà DN gặp phải trong quá trình sản xuất, xuất khẩu.
(Theo Vũ Đông // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com