Đã có ba cuộc chào mua công khai cổ phần trên sàn niêm yết nhằm nắm quyền điều hành. Hội đồng quản trị những công ty được chào mua hầu hết đều tỏ ý sẵn sàng tiếp nhận người mới.
Biên bản họp hội đồng quản trị ngày 15.1.2010 của công ty cổ phần xuất nhập khẩu thuỷ sản An Giang (AGF) tuyên bố, việc chào mua công khai 3,75 triệu cổ phiếu AGF của công ty cổ phần Hùng Vương (HVG) để tạo sự hợp nhất về thị phần trong phân phối thị trường, mang lại lợi ích cho cả hai bên.
Cần nhau
Còn theo ông Dương Ngọc Minh, chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc HVG, sự hợp nhất này là để tận dụng lợi thế của nhau về thị trường xuất khẩu, vùng nuôi cá, nguồn nguyên liệu, tận dụng thiết bị nhà xưởng sẵn có của hai bên.
Không như hai công ty cùng ngành nghề trên hợp nhất để tăng thêm sức mạnh, thương vụ PNJ muốn nâng tỷ lệ cổ phần trong SFC lên 26% thì khác. Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) chuyên kinh doanh vàng bạc, là cổ đông lớn của ngân hàng Đông Á, trong khi công ty cổ phần nhiên liệu Sài Gòn (SFC) là công ty kinh doanh xăng dầu và bất động sản. PNJ có tiền, SFC hoạt động trong lĩnh vực cần vốn lớn. Sự kết hợp này mới nhìn không cùng ngành nghề, lại được nhiều cổ đông hai bên ủng hộ.
Vì vậy, SFC cho rằng việc có mặt của PNJ sẽ góp phần tích cực vào sự phát triển của SFC. Định hướng kinh doanh của PNJ sau khi chào mua phù hợp với mục tiêu phát triển của SFC trong dài hạn, như phát triển mở rộng hệ thống phân phối xăng, dầu, gas rộng khắp khu vực TP.HCM và các vùng phụ cận, tham gia vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Và vẫn chưa thấy phản đối từ VTV, công ty cổ phần vật tư ximăng vận tải về việc chào mua công khai cổ phần VTV của cổ đông lớn Nguyễn Kim Phượng, nhằm nâng tỷ lệ nắm giữ lên 28,58%.
Hiện nay, việc mua cổ phiếu của các công ty này vẫn thuận buồm xuôi gió, chưa thấy việc huỷ mua vì không mua được. Theo một chuyên viên tài chính, với sự tư vấn của công ty chứng khoán, những người đi mua khôn ngoan đã đưa ra giá không thấp hơn giá thị trường. Như HVG chào mua cổ phiếu AGF với giá 36.000đ/CP, khi giá thị trường lúc đó 33.500đ/CP. Cổ đông lớn của VTV chào mua với giá 40.000đ/CP, cao hơn 2.000đ/CP giá thị trường. Còn PNJ mới thông báo chào mua cổ phiếu SFC với giá 48.000đ, thì thị trường đã tăng giá kịch trần đạt 50.000đ/CP.
Tốt lên và xấu đi
Việc mua nâng cổ phần nhằm nắm quyền điều hành trong một công ty niêm yết không phải chuyện mới. Trước đây đã từng có các thương vụ như công ty Kinh Đô mua cổ phần của công ty nước giải khát Sài Gòn (TRI) và mua cổ phần công ty cổ phần Vinabico, như Lotte mua Bibica…
Hợp tác thành công có thể kể đến thương vụ tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) và công ty bánh kẹo Biên Hoà (Bibica). Mua 30% vốn cổ phần Bibica từ năm 2007, sự hợp tác với Lotte đã giúp Bibica có định hướng và lợi thế trong dòng sản phẩm trung và cao cấp, cũng như được Lotte nhượng quyền để sản xuất các sản phẩm bánh cao cấp. Kết thúc năm 2009, Bibica đạt lợi nhuận sau thuế là 58 tỉ đồng, gấp đôi so với 21 tỉ đồng năm 2008. Tỷ suất lợi nhuận năm 2009 là 9,2% so với 3,8% năm 2008 và 5,4% của năm 2007.
Nhưng không phải thương vụ nào cũng xuôi chèo mát mái. Ông Phan Minh Có, nguyên tổng giám đốc của công ty cổ phần nước giải khát Sài Gòn (TRI), đã vui mừng khi nghe tin công ty Kinh Đô, vào thời điểm 2005 mua số lượng lớn cổ phần TRI, và cho rằng việc đó mở ra cơ hội hợp tác cho hai bên. “Họ không đầu tư vào Tribeco kiếm lời bằng việc mua bán cổ phiếu, mà họ đầu tư vào để phát triển quy mô ngành hàng, chia sẻ rủi ro với TRI”. TRI còn chấp nhận thêm một cổ đông chiến lược nước ngoài là Uni – President vào năm 2007.
Hai năm 2008 – 2009 sau đó, Tribeco liên tiếp thua lỗ, mới đây tiếp tục bị đưa vào diện kiểm soát và giới hạn giao dịch, giá rớt xuống còn 6.300đ/CP. Kể từ khi hai cổ đông này tham gia, hội đồng quản trị đã lần lượt thay đổi hai tổng giám đốc. Theo tuyên bố mới đây từ Tribeco, việc công ty tiếp tục bị lỗ cả năm 2009 là khó tránh khỏi do phải đầu tư rất nhiều để xây dựng lại hệ thống bán hàng và marketing, và giải quyết các tồn đọng của các năm trước. Tuy nhiên, công ty đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất từ trước đến nay…
(Theo Hồng Sương // SGTT Online)
Giải pháp tự vệ Khi giá cổ phiếu xuống thấp là lúc một công ty gặp nguy cơ bị chiếm quyền quyết định khi có người có ý định muốn mua số lượng lớn cổ phiếu. Việc “thâu tóm” này có thể dẫn đến việc thay đổi hội đồng quản trị, thay đổi ban giám đốc, thậm chí thay đổi cả đường hướng chiến lược kinh doanh nếu quan điểm của người mới nhận cho rằng không phù hợp. Giả sử có trường hợp bên chào mua muốn chống lại ý định thâu tóm, thì có nhiều biện pháp như thành viên hội đồng quản trị và cổ đông lớn không bán ra cổ phiếu, hoặc phát hành bổ sung để tăng vốn điều lệ, chia tách cổ phiếu… Tuy nhiên, việc này thường mất thời gian và phải có sự đồng thuận từ những cổ đông lớn. (theo ông Nguyễn Ngọc Bích, luật sư tại văn phòng luật DC) |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com