Lễ khai trương chi nhánh ngân hàng BIDV ở Xiêm Riệp, diễn ra trong khuôn khổ hội nghị Tổng kết đánh giá một năm hoạt động xúc tiến đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam vào Campuchia. Ảnh: Hải Lý. |
Xiêm Riệp đang là mùa mưa. Có ngày, cơn mưa chiều ào ào đổ nước, phá hỏng buổi ngồi ngắm hoàng hôn của khách du lịch ở Angkor Thom. Những cánh rừng già nhiệt đới bao quanh quần thể kiến trúc Angkor trong mưa bỗng trở nên huyền bí, thẳm sâu như muốn dẫn du khách quay ngược lại chiều dài lịch sử. Nhưng lạ là trong ngày Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Campuchia kỷ niệm một năm hoạt động ở khách sạn SoKha, Xiêm Riệp, tới tận khuya trời mới đổ mưa.
Trước đó, trên sân khấu cạnh hồ bơi, một nữ nghệ sĩ nổi tiếng của đất nước chùa Tháp với giọng soprano đang hát “Người ơi người ở đừng về” bằng tiếng Việt. Rất nhiều người Việt bên dưới đã ngỡ ngàng nói với nhau họ chưa từng được nghe một giọng ca hay như thế bao giờ, một giọng opera lóng lánh, cao vút với bài dân ca Việt Nam. Cô ấy đâu phải đơn thuần là nghệ sĩ. Cô ấy là tiến sĩ âm nhạc... Định hình chỗ đứng Khi cô ngỏ lời muốn song ca bài “Mùa xuân trên TPHCM” với một giọng nam người Việt không chuyên (tất nhiên), một doanh nhân bước lên sân khấu. Ông là người của Công ty cổ phần Đầu tư y tế Sài Gòn, phụ trách dự án bệnh viện Chợ Rẫy ở Phnôm Pênh. Đối tác của dự án, về phía Campuchia là Công ty Xuất nhập khẩu Sok Kong (Sokimex). Ông Sok Kong, Chủ tịch Sokimex, nói tiếng Việt với giọng miền Nam, là người cởi mở. Ông kể chuyện nhà kiến trúc sư tài ba Van Molyvann của Campuchia, người tham gia dựng tượng đài độc lập ở thủ đô, năm nay đã 97 tuổi, vẫn là cố vấn cao cấp của nhà vua; ông nói chuyện các đảng phái chính trị và xen giữa chừng là dự án bệnh viện Chợ Rẫy Việt - Cam với vốn đầu tư 27,3 triệu đô la Mỹ, quy mô 500 giường bệnh đang được xây dựng. “Phải 22 tháng nữa chúng tôi mới có thể đón bệnh nhân đầu tiên. Hiện chúng tôi đã mở thầu một số hạng mục xây lắp, lựa chọn được đơn vị thi công là Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn” - ông nói. Bên ngoài hành lang các cuộc họp và thảo luận, giới doanh nhân Việt Nam tiếp xúc với ông Sok Kong với sự kính trọng thấy rõ. Buổi chiều, khi lòng vòng trên các đường phố chính của Xiêm Riệp, tôi đã nhận thấy 4-5 cây xăng đều của Sokimex. Ai đó đã nói rằng Sokimex hiện là đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu chủ lực của Campuchia, đang kiểm soát khoảng 70% thị trường này. Một vài khách sạn ở thủ đô, ở Xiêm Riệp cũng là của ông Sok Kong. Nền kinh tế Campuchia những năm gần đây đã được tư nhân hóa rất mạnh với tốc độ không ngờ. Một số lĩnh vực dịch vụ công cũng được mang ra đấu thầu với một mức nộp ngân sách hàng năm nhất định. Điều này, nói như một số doanh nghiệp Campuchia, là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. “Các doanh nghiệp Việt đã bắt đầu định hình chỗ đứng ở đất nước chúng tôi” - ông Sok Kong nhấn mạnh - “Họ đã chậm mất năm năm, nhưng họ vẫn còn cơ hội để lấy lại năm năm đó”. Vị doanh nhân giàu kinh nghiệm của Campuchia dẫn chứng trong các lĩnh vực như thủy điện, khai khoáng, trồng cao su, các công ty Trung Quốc đang hoạt động hết công suất. Số lượng dự án thủy điện, khai khoáng của họ gấp hàng chục lần của Việt Nam. “Họ (doanh nghiệp Trung Quốc) đi bằng hai chân, một là năng lực tài chính của bản thân và hai là sự hậu thuẫn, hỗ trợ của Chính phủ nước họ” - ông cho biết. Đã lấy được dự án, nhưng... Khi nhận ra sự đến muộn, vào sau của mình ở thị trường Campuchia, các doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực đi những bước nhanh. Công ty EVN Quốc tế (công ty con của tập đoàn Điện lực Việt Nam) đã được phía Campuchia giao là chủ đầu tư dự án thủy điện hạ Sê San II, thủy điện hạ Sê San I/Sê San 5 ở tỉnh Ratanakiri và Strung Treng với công suất lắp máy tổng cộng 500 MW. EVN cũng đang thúc đẩy đàm phán, xây dựng tuyến đường dây tải điện 220KV từ biên giới Việt Nam về Phnôm Pênh. Một doanh nghiệp Việt giấu tên nói với TBKTSG rằng EVN đã đề nghị các cơ quan chức năng Campuchia rà soát một số dự án điện đã được cấp cho chủ đầu tư nước ngoài, nhưng chậm triển khai, để thu hồi giao cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là những dự án dọc tuyến biên giới. Thành công sớm nhất trong số các dự án của Việt Nam có lẽ là hãng hàng không Cambodia Angkor Air với vốn điều lệ 100 triệu đô la Mỹ, trong đó Vietnam Airlines góp 51%. Từ cuối tháng 7 năm ngoái, hãng này đã thực hiện các chuyến bay thương mại Phnôm Pênh - Xiêm Riệp, Phnôm Pênh - TPHCM và mới đưa vào khai thác hành trình Hà Nội - Xiêm Riệp. Cambodia Angkor Air đã bắt đầu có lãi. Trong khi đó, hợp tác nông nghiệp là lĩnh vực mà doanh nghiệp hai nước đặt nhiều tham vọng, lại chưa có được kết quả nhanh chóng như mong muốn. Green Trade, công ty 100% vốn của Chính phủ Campuchia, có nhiệm vụ bình ổn giá lúa, gạo trên thị trường, đã hợp tác với Tổng công ty Lương thực miền Nam đầu tư hệ thống kho chứa và dây chuyền chế biến gạo xuất khẩu. Ông Nguyễn Văn Hiển, Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia, nhận xét chất lượng giống lúa ở Campuchia tốt, chất lượng gạo cao, nhưng khả năng và kỹ thuật thu hoạch của nông dân còn thấp. Kết quả là giá thành sản xuất cao, cộng thêm chi phí mềm, nâng chi phí sản xuất gạo. Mục tiêu của liên doanh Việt - Cam trong nông nghiệp là xuất khẩu 1 triệu tấn gạo và tạo ra thương hiệu cho gạo Campuchia, nhưng có lẽ 1 triệu tấn năm nay là một thách thức. Một trong những doanh nghiệp dân doanh hoạt động tích cực nhất ở thị trường Campuchia là Hoàng Anh Gia Lai. Công ty này đã được giao làm chủ đầu tư dự án khai thác chế biến mỏ sắt kachak với công suất khai thác 1,45 triệu tấn quặng, tương đương 1 triệu tấn quặng tinh/năm. Hoàng Anh Gia Lai cũng đã lập công ty với vốn điều lệ 16 triệu đô la Mỹ để trồng và khai thác cao su. Để đi tắt, Hoàng Anh Gia Lai mua lại toàn bộ hai công ty Campuchia đã được chính phủ nước này cấp 12.000 héc ta đất để trồng cao su, và hiện đang tiến hành khai hoang. Năm nay, theo ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai, công ty sẽ trồng 1.000 héc ta, phần còn lại sẽ hoàn tất trong năm 2011. Sự tiếp theo của màn dạo đầu Một năm chưa phải là thời gian dài và trong khoảng thời gian đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã có trong tay những dự án tương đối quy mô ở Campuchia. Ông Sok Kong cho biết cách thức đầu tư mới của doanh nghiệp Việt đang gây được lòng tin ở đây. Trước đây, một số công ty Việt Nam đầu tư sang Campuchia chủ yếu qua con đường đại sứ quán, tự thân vận động, nay có hiệp hội, có ngân hàng đứng phía sau hỗ trợ, có sự tham gia của những tập đoàn lớn. Ông bảo, ông nên nhắc lại lời của Thủ tướng Hun Sen là “bây giờ là lúc Việt Nam làm được, làm chuyên nghiệp” và vị thế của các công ty Việt Nam ở Campuchia đã khác. Thế nhưng, đó mới chỉ là màn dạo đầu! Màn tiếp theo triển khai các dự án mới thực sự gian nan. Trong lĩnh vực khai khoáng, các công ty Việt Nam mới đang thăm dò trữ lượng, đo vẽ bản đồ địa chất, rà phá bom mìn tại các tuyến lộ trình và vị trí thi công. Ngay cả dự án mỏ quặng sắt của Hoàng Anh Gia Lai, cho dù đã kết thúc giai đoạn thăm dò, nộp hồ sơ đầu tư lên Chính phủ Campuchia, vẫn đang chờ Bộ Công nghiệp mỏ và Năng lượng cấp phép. Các dự án thủy điện sớm nhất cũng mới chỉ hoàn tất lập báo cáo khả thi, thiết kế kỹ thuật, thẩm tra. Hoặc như dự án nhà máy đường của Công ty cổ phần Đường Bình Định và công ty Indochina Food Industries, đã qua giai đoạn xây dựng văn phòng, khu nhà ở cho công nhân, gửi công nhân Campuchia sang Việt Nam đào tạo, phát quang 1.500 trên 7.000 héc ta diện tích trồng mía... Sự quyết tâm đầu tư, kinh doanh lâu dài của các công ty Việt Nam ở Campuchia hiện nay là điều không còn phải bàn cãi, dù rằng vẫn còn hiện tượng cá biệt doanh nghiệp này kèn cựa đơn vị kia. Bản thân các doanh nghiệp trước khi đầu tư sang Campuchia đã xác định rõ khả năng tài chính cũng như mức độ, thời gian kinh doanh họ có thể chịu đựng được để có lợi nhuận. Điều còn lại không thể không đề cập là sự hậu thuẫn của các cơ quan chức năng Việt Nam trong việc cấp phép đầu tư ra nước ngoài cho doanh nghiệp. Việc xin được giấy phép đầu tư sang Campuchia (cũng như sang Lào, Myanmar và một số quốc gia khác) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đang lấy của doanh nghiệp nhiều thời gian, công sức do thủ tục rườm rà, xử lý các khâu chậm chạp. Mà chưa có giấy phép của Bộ KH&ĐT, thì Ngân hàng Nhà nước chưa có cơ sở để cấp phép chuyển ngoại tệ ra nước ngoài. Có doanh nghiệp vừa khảo sát ở Campuchia, vừa xin giấy phép của Bộ KH&ĐT, còn chưa chuyển được ngoại tệ ra, thì nhờ ngân hàng hỗ trợ. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia, liên doanh bảo hiểm Việt - Cam đã có mặt từ sớm để làm bà đỡ cho một số dự án. Nền kinh tế Campuchia đang chuyển mình, có thể cảm nhận điều ấy trên các phố phường ở Phnôm Pênh, trong công cuộc đô thị hóa và sự tăng giá chóng mặt của bất động sản ở thủ đô cũng như Xiêm Riệp. Dấu ấn rõ nhất của sự chuyển mình là chuẩn bị thành lập thị trường chứng khoán Campuchia dù ngày khai trương vẫn chưa được ấn định dứt khoát. Một số nguồn tin nói rằng thời điểm mở cửa thị trường có thể là đầu hoặc giữa năm sau, nhưng các công ty, ngân hàng chuẩn bị niêm yết thì đã sẵn sàng. Việt Nam hiện có một dự án đầu tư chứng khoán vào Campuchia trị giá 14 triệu đô la Mỹ. Đây có lẽ là dự án đón đầu sớm nhất của doanh nhân Việt Nam ở thị trường có không ít hứa hẹn lợi nhuận này!
(Theo Hải Lý // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com