VN có thể phải đối mặt với nợ công lên tới 70%. Phải ngừng ngay những dự án dở dang mà kém hiệu quả, phải bán ngay những DN Nhà nước thương mại đơn thuần. Đó là ý kiến của các chuyên gia tại hội thảo sáng 18/10.
Nên bán ngay doanh nghiệp Nhà nước thương mại
Hội thảo Triển vọng kinh tế thế giới và chính sách ứng phó của Việt Nam do Viện Khoa học và Xã hội Việt Nam, Ngân hàng thế giới (WB) và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia phối hợp tổ chức diễn ra ngày 18/10 đã mở ra nhiều hướng mới cho tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam hiện nay, vốn đang được bàn thảo sôi nổi.
Tham dự hội thảo có Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Viết Ngoạn và nhiều chuyên gia nước ngoài đến từ WB, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA)...
Vấn đề nóng nhất hiện nay là tái cấu trúc nền kinh tế cần bắt đầu từ đâu, bởi cả ba lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và ngân hàng đều được Trung ương xác định là các lĩnh vực vực trọng điểm cho cuộc tái cấu trúc kinh tế, vốn đang được bàn thảo sôi nổi.
Nguyên bộ trưởng Bộ KH&ĐT, ông Trần Xuân Giá chia sẻ: Đáng lo ngại nhất là khả năng trả nợ của Việt Nam đang rất thấp. Làm thế nào, để cuộc khủng hoảng nợ công ở Việt Nam đừng xảy ra, vì nợ công giờ đang tăng rất nhanh. Nếu để lên tới 70% thì chắc chắn, chúng ta sẽ vỡ nợ.
Các chuyên gia thảo luận tại hội thảo. Ảnh: Phạm Huyền |
Ủng hộ quan điểm trên của nguyên bộ trưởng Bộ KH&ĐT, TS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam nói: "Hiện có tình trạng ở các địa phương, đơn vị làm mọi cách để dự án được duyệt. Chưa rõ nguồn vốn nhưng vẫn cứ trình lên, làm theo kiểu có đến đâu, làm đến đó rồi dở dang và kiểu gì sau này cũng xong".
Chúng ta đang đối mặt là nợ công rất cao, giá trị tuyệt đối của nợ công sẽ rất cao và trước mắt là sẽ tăng lên. Vì thế, phải giám sát từng dự án, kiên quyết với việc cắt các dự án dở dang, không hiệu quả.
Ông Trần Xuân Giá đã thẳng thắn đề nghị: "Đối với các dự án, công trình đã đầu tư chưa hoàn thành, phải làm tất cả các cách để không đẻ ra các dự án mà tương lai vài năm sau lại thấy là không hiệu quả. Trong nền kinh tế thị trường, cái gì Nhà nước làm tốt thì Nhà nước làm, cái gì tập thể làm tốt thì tập thể làm, cái gì tư nhân làm tốt thì để tư nhân làm. Chúng ta có tiêu chí rõ ràng và nên thực hiện như vậy".
Với phân tích này, ông Trần Xuân Giá mạnh mẽ đề nghị hai điểm: Nhà nước nên bán đứt hoặc bán lỗ ngay tất cả những dự án đang dở dang mà Nhà nước không nhất thiết phải nắm, bán cả những DNNN mà chỉ kinh doanh thương mại đơn thuần, rồi sử dụng nguồn lực ấy mà sử dụng hiệu quả hơn.
"Tôi đề nghị tái cơ cấu 2 đầu, đừng để đẻ thêm ra các DNNN rồi lại tái cơ cấu, đừng để xả rác rồi đi quét rác, rất mệt mỏi", ông Giá nói.
Tuy nhiên, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa lưu ý, có những dự án mang tính xã hội, có ý nghĩa lớn với kinh tế xã hội nói chung, vì thế, việc bán các dự án mà căn cứ theo tiêu chí phải nhìn thấy nguồn thu là chưa hợp lý.
Ông Dominic cũng cho rằng, việc bán DNNN cần cẩn trọng và không nên gộp tất cả vào một rổ. Một số DNNN làm nhiều dịch vụ xã hội như điện thì không thể bán hoàn toàn cho tư nhân. Vì thế, Chính phủ Việt Nam phải xác định DNNN làm thuần túy về thương mại thì bán càng sớm càng tốt để không cản trở nền kinh tế, còn những DN có trách nhiệm xã hội lớn, cần tách bạch 2 nhiệm vụ kinh doanh và công ích trước khi bán.
Nếu cứ tư duy Nhà nước làm tất cả, Nhà nước cũng làm kinh doanh, cũng đi cạnh tranh và kiếm tiến thì tất yếu, chẳng có chuyện bán DNNN xảy ra. Ảnh: VnEconomy |
Đổi mới từ "cái đầu"
Trong khi đó, không bàn giải pháp cụ thể, TS Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thẳng thắn nhìn nhận tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng phải bắt đầu từ chính cái đầu.
"Nếu cứ bám riết vào tư duy cũ, quan điểm cũ thì sẽ không thể đổi mới được. Quan trọng nhất là chúng ta phải xác định đầy đủ, chính xác chức năng nhiệm vụ của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Nếu cứ tư duy Nhà nước làm tất cả, Nhà nước cũng làm kinh doanh, cũng đi cạnh tranh và kiếm tiến thì tất yếu, chẳng có chuyện bán DNNN xảy ra. Đúng nghĩa, Nhà nước chỉ nên tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi thôi".
Theo ông Bá, tại các nước, tỷ trọng của Nhà nước trong GDP thường chỉ 4-5%, có lúc là 7-8% GDP là họ đã phải bán ngay bớt đi rồi. DNNN ở nước nào cũng là một vấn đề đầy khúc mắc. Chỉ có điều, tại các nước, DNNN ít, tỷ lệ thấp nên họ chỉ có cảm giác như đi giẫm cát, còn ở ta, quá nhiều DNNN yếu kém nên cảm giác là ta đi dẫm lên đá tai mèo nên đau.
Tổng kết các đề xuất trên, ông Lê Xuân Bá bày tỏ, mục tiêu của tái cấu trúc như việc bán các DNNN không phải nhằm tăng thu cho ngân sách mà quan trọng hơn phải là hiệu quả, năng suất và chất lượng cho nền kinh tế sau này.
Ai chịu trách nhiệm khủng hoảng toàn cầu? Ông Deepak Mishra, chuyên gia kinh tế trưởng của WB cho rằng, dự báo GDP của Việt Nam đạt 6% năm nay vẫn còn lạc quan. Đối với các nước đang phát triển, GDP dự báo là 6% hoặc kịch bản xấu là 4%. Tuy nhiên, nếu loại Trung Quốc và Ấn Độ ra khỏi nhóm các nước đang phát triển thì kịch bản cơ bản cho các nước đang phát triển sẽ thấp đi 1%. Chuyên gia kinh tế Lê Đức Thúy đặt câu hỏi: Phải chăng chính cuộc khủng hoảng hiện nay là do các nước phát triển gây ra và sau đó, người chịu ảnh hưởng xấu nhất lại là các nước đang phát triển? Liệu, các quốc gia lớn, giàu sẽ chịu trách nhiệm như thế nào về tình hình này? Trước ý kiến này, ông Deepak Mishra tỏ ý đồng tình: Hầu hết các quốc gia đều bị ảnh hưởng do các gói cứu trợ đưa ra từ năm 2009. Một số nước (như Hy Lạp) chưa bao giờ ra khỏi khủng hoảng, kể cả Trung Quốc và Việt Nam cũng thế. Năm 2009, khủng hoảng xảy ra và Chính phủ Việt Nam cũng đã phải tung ra gói cứu trợ lớn mới có 5,3% GDP. Nhưng hiện nay, dư chấn của cuộc khủng hoảng trước còn mạnh hơn cả cú sốc đầu tiên. Và có lẽ tình hình hiện nay còn vượt qua sức chịu đựng của các nền kinh tế. Rõ ràng, trong thời điểm bùng nổ phát triển, một số nước đã được lợi và số nước khác là nạn nhân. Lợi ích ở thời điểm hưng thịnh, các quốc gia đang phát triển không được hưởng lợi nhiều và khi khủng hoảng, họ là chịu ảnh hưởng sâu sắc hơn. Trong khi đó, đại diện của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ông Dominic Patrick Mellor, bày tỏ: "Đúng là có sự được - mất không công bằng như vậy nhưng dù sao, chúng ta không nên đổ lỗi cho nhau. Phải thừa nhận rằng, một khi nền kinh tế hội nhập sâu thì tính tổn thương sẽ cao hơn". Dẫn chứng một cách sinh động hơn, ông Mellor nói: "Các chính sách thắt lưng buộc bụng hiện nay sẽ gây ra vòng luẩn quẩn như phải chi tiêu ít hơn, mỗi quốc gia thực hiện theo một cách khác nhau. Ví dụ như ở Hy Lạp, liệu người dân có phải trả giá cho lỗi lầm của Chính phủ không? Ở Việt Nam, 4-5 năm qua, tăng trưởng tín dụng mạnh và nhiều khoản trong đó là giờ là nợ xấu, làm cho bảng cân đối tài sản trong các ngân hàng xấu đi. Ai chịu trách nhiệm về việc này Không thể là người dân nghèo Việt Nam phải chịu thay cho người giàu được?" Trong bối cảnh chung này, ông Mishra cho rằng: "Ở Việt Nam, tôi nghĩ rằng, đối với các nhà hoạch định chính sách cấp cao nên chú ý tham gia các diễn đàn quốc tế để gây áp lực, có tiếng nói mạnh mẽ đối với các quốc gia phát triển đã gây ra cuộc khủng hoảng này". |
Tác giả: Phạm Huyền // Nguồn: VEF
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com