Công nhân của Vinashin ở Nhà máy đóng tàu Phà Rừng. Ảnh: Lã Anh. |
Thủ tướng Chính phủ vừa ký duyệt đề án tái cơ cấu Vinashin. Theo đó, hoạt động của tập đoàn này sẽ thu hẹp và chỉ tập trung vào ba lĩnh vực. Tuy vậy, vẫn có thể xem xét thu hẹp thêm để có một doanh nghiệp thực sự mạnh về đóng tàu trong tương lai.
Chỉ mới một năm trước đây, thương hiệu Vinashin còn được tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy xem như một lợi thế kinh doanh trên thương trường, nên nó đã được tập đoàn này sử dụng để làm vốn góp vào nhiều công ty liên kết. Nhưng giờ đây, cái giá trị vô hình đó chẳng những đã không còn, mà trái lại nó còn gây ra không ít khó khăn cho tất cả những doanh nghiệp có tên tuổi gắn liền với thương hiệu Vinashin. Sự tổn hại này là rất nghiêm trọng, vì nó đang làm chậm đáng kể sức phát triển của ngành đóng tàu, là ngành công nghiệp có vai trò quan trọng cả về kinh tế lẫn quốc phòng đối với Việt Nam.
Tiến sĩ Đặng Đình Cung, một chuyên gia tư vấn chiến lược công nghiệp ở Pháp, ví đóng tàu như nghề làm “xoong chảo” hạng nặng và nó có ý nghĩa quan trọng trong quy trình phát triển công nghệ cũng như tác dụng lan tỏa với nhiều ngành công nghiệp khác. Công nghệ của ngành này gồm hai kỹ năng: uốn nắn, định hình những tấm thép và hàn chúng lại; lắp ráp những thiết bị cơ khí, điều khiển tự động và viễn thông. Đây là những kỹ năng cần cho cả nhiều ngành khác như chế tạo vỏ tàu chiến, xe thiết giáp, giàn khoan và khai thác dầu khí, ống dẫn dầu và khí đốt, các thiết bị của ngành điện, công nghiệp hóa chất... Vì vậy, nếu Vinashin thực sự trở nên vững mạnh trong ngành nghề của mình, sẽ giúp ích rất nhiều cho khả năng phát triển của nhiều lĩnh vực công nghiệp nặng khác.
Ngày 18-11-2010, Thủ tướng đã ký phê duyệt đề án tái cơ cấu Vinashin. Theo đó, tập đoàn này sẽ tập trung vào ba lĩnh vực chính là đóng và sửa chữa tàu; phát triển công nghiệp phụ trợ liên quan đến đóng và sửa chữa tàu; xây dựng và phát triển nguồn nhân lực ngành đóng tàu. Có thể thấy, việc hướng Vinashin vào lĩnh vực đóng, sửa chữa tàu và phát triển nguồn nhân lực là chính xác. Nếu ngay từ đầu, mục tiêu này được xác lập rõ ràng và chỉ đạo thực hiện một cách nghiêm túc, thì sẽ không có chuyện vỡ nợ như hôm nay. Riêng vấn đề phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành đóng và sửa chữa tàu, có thể sẽ là sai lầm nếu tiếp tục giao cho Vinashin.
Riêng vấn đề phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành đóng và sửa chữa tàu, có thể sẽ là sai lầm nếu tiếp tục giao cho Vinashin. |
Trong xu hướng phát triển hiện nay, việc phân công lao động, hình thành nên chuỗi giá trị ngày càng sâu rộng. Mô hình sản xuất khép kín, làm từ đầu đến cuối một sản phẩm đã trở nên lỗi thời. Thế nhưng, trong kế hoạch phát triển hiện nay Vinashin vẫn đặt nặng việc đầu tư để tăng tỷ lệ nội địa hóa. Ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinashin, cho biết sẽ phấn đấu để đến năm 2015 nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 50% từ mức 10% của hiện tại.
Thay vì phấn đấu nâng tỷ lệ nội địa hóa, lẽ ra Vinashin phải phấn đấu để thu hút nhiều công ty vệ tinh đến đầu tư để sản xuất nguyên vật liệu, phụ tùng cung cấp cho mình. Nếu nhà đầu tư vệ tinh chưa chịu đến, thì nó cũng đồng nghĩa với việc đầu tư chưa thể có hiệu quả. Trong trường hợp này, nếu Vinashin quyết tâm tự làm, thì chắc chắn hiệu quả sẽ kém, đồng thời nguồn lực tài chính cũng bị phân tán. Điều nền kinh tế Việt Nam cần ở ngành công nghiệp đóng tàu là khả năng về công nghệ, chứ không phải ở tỷ lệ nội địa hóa. Đó là khả năng thiết kế và chế tạo được những chiếc tàu hiện đại với công nghệ cao và chi phí cạnh tranh. Vì suy cho cùng, nếu nâng được tỷ lệ nội địa hóa lên 50% hoặc 70%, nhưng vẫn phải phụ thuộc vào các bản vẽ thiết kế, tư vấn giám sát và đăng kiểm của nước ngoài, thì ngành đóng tàu Việt Nam vẫn chỉ là một ngành gia công. Chỉ có một khác biệt là gia công bằng nguyên vật liệu sản xuất trong nước, thay vì nhập khẩu. Trong lĩnh vực tài chính, cách giải quyết của Chính phủ đối với Vinashin hiện nay vẫn là phương pháp cũ. Đó là khoanh, giãn nợ đối với các nguồn vay trong nước và chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục cho Vinashin vay vốn. Cách làm này tuy vẫn có hiệu quả với Vinashin, nhưng đây là biện pháp hành chính, trái với nguyên tắc thị trường và nó có thể ảnh hưởng tới nỗ lực của Chính phủ để Việt Nam được thế giới công nhận là quốc gia có nền kinh tế thị trường. Việt Nam đã có Luật Phá sản. Đây là công cụ có thể áp dụng để tái cơ cấu Vinashin. Tuyên bố Vinashin phá sản không phải là kết thúc, mà nó là cơ hội để giải quyết vấn đề công nợ của tập đoàn theo luật lệ và khai sinh một Vinashin mới.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com