Nhà máy Okinawa tại cụm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp Thanh Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Tuy Phong. |
Đầu tháng 11 vừa qua, khi phải giải thể trước thời hạn, Công ty TNHH Hội An - Okinawa (Nhật Bản) đã tặng toàn bộ tài sản trị giá hơn 8,7 tỉ đồng cho chính quyền thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, sau hơn năm năm hoạt động sản xuất kinh doanh. Món quà này như một chút tình gửi lại mảnh đất đã có mối quan hệ lâu đời với người Nhật.
1. Trung tâm Văn hóa Mỹ nghệ Hội An - Okinawa của Công ty TNHH Hội An - tại cụm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp Thanh Hà, thành phố Hội An, đóng cửa gần một tháng nay. Tổng giám đốc Kinjo Yukiyasu cùng đồng sự đã về Nhật, mang theo “nỗi buồn” thất bại.
Không có nhiều thông tin về sự ra đi của doanh nghiệp này ngoài một “hợp đồng hiến tặng” toàn bộ tài sản còn lại cho chính quyền thành phố Hội An với “mong muốn thành phố Hội An sẽ lưu giữ lại chút hình ảnh về một ngành sản xuất thủy tinh thổi truyền thống của vùng Okinawa, Nhật Bản, bảo quản và sử dụng hữu hiệu những công trình kiến trúc mà công ty đã xây dựng”.
Không ai có thể ngờ được, với một doanh nghiệp từng mang theo cả những chai rượu mừng được sản xuất bằng công nghệ thủy tinh thổi truyền thống từ nước Nhật xa xôi đến Hội An chia vui cùng quan khách và người dân địa phương trong ngày nhận giấy phép đầu tư vào trung tuần tháng 2-2005, lại phải sớm rời “cuộc chơi” trên đất khách vì thua lỗ.
Sự hỗ trợ từ công ty mẹ, nỗ lực của ban lãnh đạo công ty và những ưu đãi của Nhà nước Việt Nam đã không thể kéo Okinawa thoát khỏi bờ vực phá sản. Giá nhiên liệu tăng hơn 50%, vượt qua dự kiến chi phí (khoảng 30%) khi thành lập công ty, giá bán lẻ ngày càng giảm, nhất là cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu từ cuối năm 2007 khiến công ty gặp rất nhiều khó khăn. Ngày 12-9-2009, việc công ty mẹ chính thức cắt viện trợ vốn đã “nhấn chìm” Okinawa.
Mặc dù trong quá trình thua lỗ kéo dài, Okinawa đã tìm được khách hàng mới là một công ty của Panama đặt sản xuất vỏ chai rượu, nhưng do số lỗ lũy kế đến tháng 12-2009 là quá lớn, nên tháng 6-2010, ba thành viên góp vốn của Okinawa đều nhất trí dừng hoạt động và tìm đối tác chuyển nhượng công ty. Đối tác ở Panama cũng có ý định mua lại nhà máy.
Theo đại diện của Okinawa, đây là đối tác mà họ cần tìm vì công ty này sẽ tiếp tục sản xuất mặt hàng thủy tinh thổi và thu nhận lại lao động của công ty nên đã tiến hành đàm phán. Theo yêu cầu từ phía chính quyền thành phố Hội An, đơn vị nhận chuyển nhượng Okinawa phải tiếp tục duy trì sản xuất ngành nghề thủy tinh mỹ nghệ, có thể bổ sung một số ngành nghề khác có công nghệ sạch, không gây ô nhiễm môi trường để khai thác hiệu quả mặt bằng hiện có (gần 2 héc ta). Đối tác mới phải thay đổi công nghệ lò đốt tiên tiến để giảm thiểu đến mức thấp nhất việc gây ô nhiễm môi trường; tiếp nhận và giải quyết việc làm cho số lao động nghỉ việc và tuyển dụng thêm một số lao động mới tại địa phương, lập dự án đầu tư mới thay thế dự án cũ của Okinawa!
Cuộc thương thảo bất thành. Không thể chờ đợi và cần phải sớm về nước theo yêu cầu của công ty mẹ, Tổng giám đốc Yukiyasu đã quyết định hiến tặng toàn bộ tài sản còn lại cho UBND thành phố Hội An.
2. Chuyện lỗ, lãi trong kinh doanh là lẽ thường tình. Tuy nhiên, việc khiến không ít người ngạc nhiên là thay vì bán thanh lý để vớt vát chút vốn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tiên tại Quảng Nam phải giải thể trước thời hạn đã chọn cách tặng tài sản cho thành phố Hội An. Sau gần 20 năm thu hút FDI, đã có hơn 15 doanh nghiệp FDI bị thu hồi giấy phép đầu tư vì không triển khai dự án hoặc không thực thi đúng Luật Đầu tư Việt Nam; chưa có doanh nghiệp nào tuân thủ mọi quy định pháp luật Việt Nam lại phải chịu cảnh giải thể trước thời hạn như Okinawa.
Câu trả lời của nhiều nhân viên kinh tế đối ngoại Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam vẫn là chuyện “đáng tiếc” và “không đáng có”. Nhiệm vụ của những người có trách nhiệm ở Quảng Nam lúc này là hỗ trợ, tạo mọi điều kiện (đúng theo luật như không nợ thuế, các nghĩa vụ liên quan và giải quyết chính sách cho người lao động) để Okinawa giải thể trước thời hạn, và trở về nước đúng kế hoạch. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam, Okinawa là một doanh nghiệp luôn làm đúng quy định, tuân thủ luật pháp Việt Nam.
Sau Okinawa, không biết còn bao nhiêu doanh nghiệp FDI đang đứng trên bờ vực phá sản hay giải thể trước thời hạn trong cơn lốc của thị trường. Theo một văn bản thống kê, hiện có 19/79 doanh nghiệp FDI giấy phép còn hiệu lực tại Quảng Nam đang thua lỗ nhiều năm liền. Con số ước thu năm 2010 khoảng 338 tỉ đồng, đạt 135,2% dự toán của ngành thuế trong khu vực doanh nghiệp FDI, có lẽ sẽ tăng hơn nhiều nếu như không có chuyện lỗ của doanh nghiệp. Trên thực tế, ngành thuế đã không thu được thuế thu nhập doanh nghiệp ngoài loại thuế gián thu (thuế giá trị gia tăng).
Một kế hoạch kiểm tra, xác định lỗ để tư vấn cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả đã được ngành thuế lên lịch tiến hành trong thời gian sớm nhất. Hy vọng sẽ không có thêm doanh nghiệp FDI nào nữa phải nhận lấy một “đoạn kết buồn” như Okinawa!
Công ty TNHH Hội An - Okinawa được thành lập theo giấy phép đầu tư số 05/GP-Qna ngày 18-2-2005 do UBND tỉnh Quảng Nam cấp. Tháng 3-2006, nhà máy bắt đầu đi vào sản xuất tại cụm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp Thanh Hà (Hội An) với 27 cán bộ nhân viên, sau đó tăng lên 69 người, trong đó có 47 người có hợp đồng lao động dài hạn. Thị trường xuất khẩu chính của công ty là Nhật Bản, Hà Lan, Mỹ, Canada… với tổng doanh thu xuất khẩu hơn 1 triệu đô la Mỹ; tổng doanh thu nội địa 12.000 đô la Mỹ. Số lỗ năm năm liên tiếp, từ tháng 2-2005 đến 30-6-2010, là 20,6 tỉ đồng. Ngày 1-11-2010, Okinawa đã hiến tặng toàn bộ tài sản, vật kiến trúc có trên đất gồm 21 hạng mục, trị giá hơn 8,7 tỉ đồng cho thành phố Hội An. UBND Hội An chính thức nhận tài sản hiến tặng và trả hơn 870 triệu đồng để Okinawa nộp thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam. |
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com