Trong khi buộc phải đối mặt với yêu cầu cơ cấu, tận dụng mọi lợi thế, tìm khe thị trường mới…, các DN lại đang lúng túng trong tìm nguồn vốn cho các hoạt động này.
Hai trong tổng số 31 DN trong một khu công nghiệp của Hà Nội đã có đề nghị để lấy lại tiền đặt cọc cho diện tích nhà xưởng định thuê. Một số DN đang tiến hành thủ tục pháp lý để tạm dừng hoạt động.
Ông Vũ Duy Thái, Chủ tịch Hội Công thương Hà Nội khẳng định, danh sách các DN thành viên xin tạm dừng hoạt động, hoặc rút lui các dự án, kế hoạch đầu tư đang có dấu hiệu gia tăng. “Tôi không muốn nói về một tỷ lệ phần trăm nào đó, vì điều này thực sự không có ý nghĩa với các DN.
Điều tôi muốn nói là, DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, đang phải nhìn thực tại để suy luận những khó khăn tiếp theo, thay vì nhận được những sự hỗ trợ đích thực”, ông Thái chia sẻ và cho biết, sẵn sàng cung cấp danh sách DN đang gặp khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước, vì mục tiêu thông tin chính xác từ DN.
Thông tin từ Hội DN nữ Hà Nội cho biết, các DN đang làm thủ tục tạm dừng hoạt động chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, quảng cáo, xây dựng, tư vấn, dịch vụ thương mại đơn thuần... Hiện tượng phá sản trên thực tế chưa xuất hiện. Bà Phạm Thị Loan, Chủ tịch Hội DN nữ Hà Nội cho rằng, các DN đều ý thức rất rõ yêu cầu cơ cấu lại. “Việc bố trí lại nhân sự, tiết giảm các bộ phận chưa cần thiết, giữ nguyên những nhân tố cốt lõi của DN đang là cách mà nhiều DN lựa chọn”, bà Loan nói.
Trong khi buộc phải đối mặt với yêu cầu cơ cấu, tận dụng mọi lợi thế, tìm khe thị trường mới…, các DN lại đang lúng túng trong tìm nguồn vốn cho các hoạt động này. Vốn vay ngân hàng với lãi suất cao như hiện nay không được chọn để duy trì và nâng cao năng lực hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo bà Loan, với tình hình hiện tại, lãi suất mà DN có thể chịu được là dưới 10% với vay tiền đồng và dưới 5% với vay USD.
Nguồn vốn huy động từ các cổ đông lại trở nên hạn hẹp khi thị trường chứng khoán chưa có cơ thoát khỏi chuỗi ngày dò đáy. Hiện hàng loạt ngân hàng đang chuẩn bị triển khai kế hoạch thu hồi nợ đến hạn. Và theo dự đoán của nhiều chuyên gia, giai đoạn phát lộ những khó khăn của DN là từ tháng 12/2008 và các tháng đầu năm 2009.
Vấn đề có vẻ đang trở nên bức xúc hơn khi mới đây, ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM đã phải lên tiếng đề nghị Chính phủ xem xét, nhanh chóng trình Quốc hội cân nhắc lại thời điểm thực hiện việc đánh thuế từ chuyển nhượng chứng khoán, từ lợi nhuận chia cổ tức… của các cổ đông.
“Nhiều DN đang phải trông đợi vào kênh huy động này. Nếu như các nhà đầu tư không cảm thấy đủ hấp dẫn để đầu tư, thì kênh huy động quan trọng này của DN sẽ bị đứt. Chúng tôi đề nghị những chính sách kịp thời để hỗ trợ DN, tạo điều kiện cho các DN thực sự có năng lực, có cơ hội để duy trì và ổn định sản xuất”, ông Thắng kiến nghị.
Bên cạnh đó, việc gia hạn thêm các khoản vay cho các DN, đặc biệt là các khoản trung và dài hạn, cần phải có quyết định cụ thể và kịp thời. Thông tin về định hướng chính sách này đã được đưa ra khá kịp thời với diễn biến của thị trường, song việc quyết định, theo ông Thắng là quá chậm.
Tất nhiên, việc khoanh nợ hay cho vay không thể diễn ra như thời điểm năm 2007, năm mà mức dư nợ tín dụng lên tới 54%, cao đến mức bà Dương Thu Hương, nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thừa nhận là trong “đời làm ngân hàng” của mình, chưa bao giờ thấy mức tăng lớn như vậy. Song cũng không thể làm khó cho DN dân doanh, ưu ái hơn cho DN, tập đoàn nhà nước.
Bà Loan cho rằng, với chỉ số ICOR của khu vực DN nhà nước là 8, của khu vực DN tư nhân là 4 và của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là 2, các ngân hàng nên cân nhắc về hiệu quả đầu tư nguồn vốn của mình hơn là nhìn vào cơ cấu sở hữu của DN.
Về giải pháp khai phá thị trường xuất khẩu mới, các DN đề nghị Chính phủ có cơ chế tích cực, mở đường bằng ngoại giao, văn hoá và thông tin. Các ngân hàng cũng được đề nghị tham gia và cùng DN trong việc chuyển hướng thị trường xuất khẩu…
(Theo Đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com