Được hỗ trợ từ gói kích cầu của Chính phủ, doanh nghiệp Việt Nam, vốn nhỏ và yếu, đã vượt qua bão khủng hoảng năm 2009 một cách an toàn chứ không phá sản như nhiều người lo ngại. Họ còn tỏ rõ bản lĩnh vượt khủng hoảng bằng những con đường riêng.
Bà Mai Kiều Liên | Ông Lý Ngọc Minh |
Tạo dựng giá trị cốt lõi
Trong cuộc gặp gỡ giữa các Đại sứ hàng Việt cuối năm 2009, ông Lý Ngọc Minh - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Minh Long 1 đã trả lời câu hỏi về chất lượng sứ Minh Long 1 bằng màn biểu diễn ấn tượng: dùng tách uống trà… đóng đinh thay búa! Kết quả, những cây đinh lún sâu vào tấm ván, trong khi chiếc tách với thiết kế trang nhã, sang trọng và nước men bóng mịn còn nguyên vẹn, không vết trầy xước trong sự ngỡ ngàng của mọi người.
Ông Lý Ngọc Minh giãi bày: “Con đường của Minh Long 1 đeo đuổi từ trước đến giờ vẫn là làm ra sản phẩm có chất lượng và hàm lượng văn hóa cao theo nguyên tắc bốn không và bốn có: không biên giới, không thời gian, không giới tính, không tuổi tác; có văn hóa, có nghệ thuật, có phong cách riêng và có hồn. Khi hội tụ được những yếu tố này, sản phẩm đạt đến sự tinh hoa vĩnh cửu. Và đó chính là giá trị cốt lõi của Minh Long 1”.
Nhờ vậy, những sản phẩm của Minh Long 1 được khách hàng đón nhận. Hiện tại, sản phẩm của Minh Long 1 được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới, mỗi năm thu về hàng triệu USD. Ông Minh cho biết, từ giữa năm 2009 trở đi, nhất là cuối năm, đơn hàng dồn dập đổ về nên hơn 1.800 công nhân làm không hết việc.
Chia sẻ với cộng đồng
Trong bảng công bố xếp hạng VNR500 năm 2009, Vinamilk lọt vào TOP 10 DN trong số 500 DN tư nhân lớn nhất Việt Nam. Vinamilk được như ngày nay, một yếu tố quan trọng là có hệ thống phân phối rộng khắp.
Cuối năm 2009 Vinamilk có trên 170 nghìn điểm phân phối trên toàn quốc. Chủ tịch, kiêm TGĐ Mai Kiều Liên khẳng định: “Trong bối cảnh hiện nay, muốn cạnh tranh được với hàng ngoại và để người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, ngoài chất lượng và giá cả, DN càng phải đẩy mạnh việc xây dựng, mở rộng hệ thống phân phối. Tăng độ phủ cũng là tăng sức cạnh tranh”.
Không chỉ kinh doanh đơn thuần, Vinamilk chia sẻ với cộng đồng, giá thu mua sữa của nông dân được ưu tiên và Chương trình 6 triệu ly sữa cho trẻ em nghèo trên toàn quốc đang thực hiện là ví dụ.
Đến nay công ty đã đầu tư 5 trang trại nuôi bò sữa theo công nghệ hiện đại tại nhiều địa phương với gần chục nghìn con. Riêng trang trại tại Nghệ An đã có 3.000 con, với tổng vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng. Dần hình thành một vùng sản xuất nguyên liệu sữa tươi đạt chuẩn quốc tế, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và cho ra những sản phẩm chất lượng nhưng giá cạnh tranh. Đó là cách tốt nhất chia sẻ với cộng đồng.
Mục tiêu toàn cầu
Đặng Lê Nguyên Vũ |
Kể từ khi ngộ ra mình đang nắm trong tay “quyền lực” cà phê Việt Nam, Đặng Lê Nguyên Vũ-Chủ tịch HĐQT Cty CP Trung Nguyên lao vào xây dựng dự án “Thủ phủ cà phê toàn cầu”. Ba năm nay, Vũ dành toàn bộ tâm huyết cho dự án này.
Với tinh thần làm lại toàn bộ từ thương hiệu đến sản phẩm để vào cuộc chiến lớn, Trung Nguyên mời những chuyên gia hàng đầu thế giới làm tư vấn cho kế hoạch của mình, triển khai xây dựng những nhà máy chế biến cà phê mới với tổng trị giá hàng trăm triệu USD.
Cùng với sản xuất là chiến lược lấn sân thị trường ngoài nước. “Mỗi thị trường đều có thứ tự ưu tiên và có chiến lược riêng”- Vũ nói.
Trung Nguyên dự định mua lại một công ty cà phê cỡ trung bình tại Mỹ để tận dụng hệ thống phân phối sẵn có của cty và đưa cà phê VN vào Mỹ. Thay vì chọn thị trường nhỏ để ra thế giới cho an toàn, Vũ chọn Mỹ- thị trường lớn nhất, mạnh nhất để làm bàn đạp ra thế giới. Anh cho biết, năm 2010 Trung Nguyên sẽ làm cuộc xâm nhập nước Mỹ một cách ngoạn mục.
Đồng hành với nông dân
Sau bốn năm ra đời, Cty Cổ phần Vinacam đã lọt vào Top 10 trong bảng xếp hạng VNR 500 năm 2009 (500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam).
Hỏi bí quyết nào, ông Vũ Duy Hải - Tổng Giám đốc Cty bật mí: “Chúng tôi không kiếm lợi nhuận bằng mọi giá. Tâm niệm là một DN Việt, gắn liền với bà con nông dân nên Vinacam luôn chia sẻ khó khăn với bà con trong việc góp phần bình ổn thị trường phân bón trong nước”.
Thời điểm lạm phát năm 2008, giá phân bón tăng chóng mặt nhưng Vinacam không tát nước theo mưa. “Cty luôn xác định, là doanh nghiệp cầu nối, mua của người giàu bán cho nhà nghèo, vì khó khăn chung của cả triệu nông dân Việt Nam nên chúng tôi bán giá thấp hơn các DN khác. Tính ra, người dân được hưởng lợi hàng chục tỷ đồng từ quyết định này của Vinacam” – Ông Vũ Duy Hải tâm sự.
Nhờ cách làm riêng đó, chỉ sau 4 năm thành lập, tân binh Vinacam đã cung ứng trên 2 triệu tấn phân bón các loại. Riêng năm 2009, Vinacam đã nhập khẩu và cung ứng ra thị trường trên 500.000 tấn phân bón, với doanh số trên 3.000 tỷ đồng.
(Theo Đại Dương – Đức Kế // Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com