Thời gian tương đối dài vừa qua, dư luận đề cập nhiều đến vấn đề tái cấu trúc các doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước. Đòi hỏi này càng mạnh hơn, gấp gáp hơn khi vụ việc liên quan đến Vinashin xảy ra.
Việc tái cơ cấu là cần thiết, nhưng theo đánh giá của hầu hết các chuyên gia thì việc tái cơ cấu trước hết phải bắt nguồn từ chính các doanh nghiệp. Tự bản thân các doanh nghiệp, các tập đoàn phải biết mình cần tái cấu trúc như thế nào ? Và điều này phải làm thường xuyên, từ những vấn đề nhỏ nhất nảy sinh trong quá trình hoạt động - Một chuyên gia nhấn mạnh - Từ đó mới có những đề xuất lên các nhà quản lý, các cơ quan của Chính phủ, Nhà nước. Hiện nay, nói về vấn đề tái cấu trúc, các doanh nghiệp tư nhân, cổ phần doanh nghiệp FDI đang làm rất tốt. Trên thực tế, vấn đề tái cấu trúc ở các doanh nghiệp này cũng có thể nói là họ mở, khép và đóng – Nghĩa là họ mở rộng ngành nghề gì, khép lại lĩnh vực nào và lĩnh vực nào thì đóng lại, không làm nữa. Điều này được chứng minh một cách mạnh mẽ trong giai đoạn khoảng 5 năm trở lại đây, nhất là trước và sau giai đoạn bùng phát của thị trường chứng khoán cũng như cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Thực tiễn hoạt động của những doanh nghiệp này cho thấy những doanh nghiệp mở mà không phải khép, phải đóng là những doanh nghiệp cứ thỉnh thoảng (có khi là vài ba năm, dăm bảy năm) mới mở rộng một ngành nghề hay lĩnh vực nào đó, nhưng họ vẫn lấy ngành nghề cũ làm chính, làm trọng tâm. Khi mở rộng những lĩnh vực mới thì đều có liên quan, phụ trợ, kết hợp với lĩnh vực, ngành nghề chính truyền thống của mình. Một doanh nghiệp đến thời điểm hiện nay đã gặt hái được rất nhiều thành công từ lĩnh vực mà mình mới mở ra là kinh doanh khu đô thị cho biết: Vất vả lắm, mệt mõi lắm, tính toán, đặt ra kế hoạch mất mấy năm, mấy năm chuẩn bị nữa rồi mới quyết định. Mặc dù DN chúng tôi làm trong lĩnh vực xây dựng, thực lực tương đối mạnh (chủ yếu xây dựng công nghiệp, dân dụng), nhưng khi mở rộng thêm lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản cũng phải mất tới 10 năm. Đến thời điểm hiện nay, nói là thành công, nhưng nói thật cũng chỉ là những thành công bước đầu, chưa biết rồi có phải khép hay đóng hay không?
Ngược lại không ít doanh nghiệp vì không xem xét kỹ thời cuộc, nhìn nhận chưa kỹ vấn đề đã vội chuyển hướng kinh doanh, lấy một số lĩnh vực, ngành nghề mới được mở ra làm nòng cốt (nhất là mảng đầu tư tài chính, ngân hàng, bất động sản và những mảng này chẳng có gì có thể kết hợp với ngành nghề truyền thống của mình), bỏ lĩnh vực, ngành nghề truyền thống mà mình đã gây dựng, tồn tại, hiểu rõ ràng xuống vị trí thứ 2, thứ ba. Kết quả là khi khủng hoảng xẩy ra, thị trường chứng khoán xuống dốc… họ thất bại trong lĩnh vực mới. Nhiều doanh nghiệp hiểu nhanh vấn đề này và họ ngay lập tức quyết định tái cấu trúc, lại chuyển hướng. Họ khép, đóng ngay lập tức những ngành nghề, lĩnh vực mới mở và lại lấy ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh truyền thống làm chủ đạo như trước với quan điểm “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Phần lớn các doanh nghiệp này lại tiếp tục thành công và phát triển. Tuy nhiên, nhiều DN chậm chân trong việc Mở, đóng và khép vẫn đang phải vật lộn với hàng loạt khó khăn. Họ có tiếp tục thành công hay không vẫn đang là câu hỏi?
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com