Một giàn khoan tại bể Nam Côn sơn. |
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) vừa đề xuất Chính phủ cho phép tăng giá khí từ ngày 1/4 tới.
Theo đó, Petro Vietnam kiến nghi được tăng giá bán khí của bể Nam Côn Sơn cho ngành điện đối với phần sản lượng khí trên mức bao tiêu (khoảng 3,15 tỉ mét khối/năm) từ 3,85 USD/triệu BTU lên 4,6 USD/triệu BTU và giá khí bể Cửu Long từ 3,55 USD/triệu BTU lên 4,6 USD/triệu BTU, trượt giá 2%/năm.
Đối với sản lượng khí của bể Nam Côn Sơn bán cho ngành điện theo các hợp đồng bao tiêu giữa hai ngành đã được ký trước khoảng 3,55 tỉ m3/năm (bao gồm 1,85 tỉ m3 của lô 06.1 cho nhà máy điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và phần còn lại cho Nhà máy điện BOT Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 2.2) thì Petro Vietnam đề xuất vẫn giữ nguyên giá.
Theo Petro Vietnam, tổng sản lượng khí không đề xuất tăng giá chiếm khoảng 53% tổng sản lượng khí mà tập đoàn này khai thác được hàng năm.
Vào đầu tháng 6/2009, Chính phủ cũng đã cho phép Petro Vietnam tăng giá bán khí của bể Nam Côn Sơn và bể Cửu Long.
Tuy nhiên, theo Petro Vietnam, việc tập đoàn này tiếp tục kiến nghị tăng giá là nhằm đưa giá khí bán cho ngành điện và sản xuất phân đạm theo cơ chế thị trường, đặc biệt lộ trình tăng giá khí phù hợp với lộ trình tăng giá điện. Song đến thời điểm hiện tại, giá bán khí cho Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau vẫn được Petro Vietnam đề nghị giữ nguyên.
Mặt khác, Petro Vietnam cho rằng, việc tăng giá này là nhằm mục đích nâng cao lợi nhuận cho Tổng công ty khí Việt Nam (PV Gas) khi doanh nghiệp này được cổ phần hóa và nâng cao nguồn vốn đối ứng cho tập đoàn để đầu tư vào các dự án lớn.
Được biết, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phản đối đề xuất trên của Petro Vietnam, vì EVN cho rằng, mức giá điện mới vừa tăng từ 1/3/2010 là chưa tính đến yếu tố tăng giá khí bán cho ngành điện. Hơn nữa, giá khí bán cho ngành điện cũng đã được điều chỉnh tăng từ năm ngoái.
(Theo Bảo Anh // Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com