Nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm tách Vinapco ra khỏi Vietnam Airlines. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng quan trọng là công tác kiểm soát Nhà nước về độc quyền
Vụ tranh chấp về giá nhiên liệu giữa Công ty Xăng dầu Hàng không (Vinapco) và hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific (JP) diễn ra ngày 1-4- 2008 đã được Hội đồng Cạnh tranh Quốc gia phân xử với phán quyết: Vinapco phải nộp phạt hơn 3,3 tỉ đồng do vi phạm luật cạnh tranh.
Nhưng ngay trước thời điểm quyết định trên có hiệu lực, hai bên lại đang bước vào đợt tranh cãi mới khi phía JP cho rằng Vinapco đã báo cáo sai sự thật lên Thủ tướng Chính phủ.
Nhiều tranh chấp
Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến đỉnh điểm của vụ việc tranh chấp là do không thỏa thuận được về giá bán nhiên liệu, Vinapco đã ngừng bơm xăng cho JP khiến hoạt động bay của hãng này bị đình trệ. Điều này chưa từng có tiền lệ ở VN và cũng là hy hữu đối với quốc tế.
Từ sự cố này, hàng loạt mâu thuẫn khác trong quan hệ kinh tế giữa JP và Vinapco cũng được xới lên. JP tố Vinapco chiếm dụng vốn bằng cách bắt hãng này phải ứng trước tiền mua xăng, bắt JP mua nhiên liệu với giá cao hơn giá bán cho Vietnam Airlines (VNA), để đồng hồ đo nhiên liệu ô tô chênh lệch với đồng hồ máy bay khiến mỗi tháng hãng này thiệt hại 500 triệu đồng... Phía Vinapco tố cáo JP không trả tiền xăng nên buộc phải ngừng cung cấp. Nếu như trước đây, cả Vinapco và JP đều là người nhà, thuộc VNA thì “lọt sàng xuống nia” nhưng khi JP ra ở riêng, mọi việc phải sòng phẳng.
|
Theo ông Lương Hoài Nam, Tổng Giám đốc JP, việc vi phạm luật cạnh tranh trong lĩnh vực hàng không không chỉ ở “vụ 1-4” mà còn nhiều hơn. Với cơ chế quản lý giá, phí như hiện nay sẽ không tránh khỏi những tranh chấp và việc Vinapco và JP phải đứng ra giải quyết tranh chấp ở Hội đồng Cạnh tranh là một bi kịch.
Vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước
Nhân vụ việc này, vấn đề độc quyền trong cung cấp xăng dầu hàng không được nhiều cơ quan chức năng cũng đặt ra. Theo quan điểm của Hội đồng Canh tranh, biện pháp để giải quyết vấn đề là tách Vinapco ra khỏi VNA; mở thị trường cho các doanh nghiệp (DN) khác cùng vào kinh doanh dịch vụ cung cấp xăng dầu cho các hãng hàng không và tăng cường hơn nữa quản lý của Nhà nước đối với dịch vụ này.
Đặc biệt, JP cũng đồng tình với quan điểm tách Vinapco ra khỏi VNA. Các hãng bay khác tuy chưa có ý kiến chính thức nhưng cũng cho rằng để Vinapco trực thuộc VNA - đối thủ cạnh tranh lớn nhất của họ - là không ổn.
Ở góc độ quản lý Nhà nước và nghiên cứu về kinh tế vĩ mô, TS Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng chỉ có hai cách giải quyết tận gốc vấn đề. Thứ nhất, tiếp tục duy trì cơ chế độc quyền như hiện nay hoặc mở cửa thị trường cho các DN khác cùng tham gia.
Theo cách thứ nhất, trọng trách duy trì sự ổn định của thị trường thuộc về các cơ quan kiểm soát Nhà nước về độc quyền. Cơ quan này phải có biện pháp bảo đảm giá xăng dầu hàng không bán trên thị trường là giá cạnh tranh và mọi khách hàng đều phải được đối xử bình đẳng, công bằng. Do đặc thù của nền kinh tế, nhiều lĩnh vực khác cũng đang duy trì cơ chế độc quyền nên độc quyền trong kinh doanh xăng dầu hàng không sẽ không phải vấn đề đáng lo ngại nếu có cơ chế kiểm soát tốt.
Theo cách thứ hai, phải tính đến khả năng mở cửa thị trường. Việc mở cửa này có thay đổi được bản chất vấn đề hay không là một vấn đề vì thị trường cung cấp nhiên liệu hàng không ở nước ta hiện còn quá nhỏ, chưa đủ sức thu hút nhà đầu tư.
Theo số liệu của Vinapco, mỗi năm, sức tiêu thụ xăng Jet A1 tại các sân bay trong cả nước là gần 50.000 tấn, chiếm 18% sản lượng nhiên liệu tiêu dùng cho cả nền kinh tế và chỉ bằng 1/10 đến 1/8 sản lượng tiêu thụ của một sân bay lớn quốc tế như Changi (Singapore), HKG (Hồng Kông)... Mới đây, Công ty Cổ phần Nhiên liệu bay Petrolimex (PJF) thuộc Tổng Công ty Xăng dầu VN đã được cấp phép tạm nhập, tái xuất cung cấp xăng dầu hàng không cho thị trường Campuchia. Đây là cơ sở để PJE gia nhập thị trường xăng dầu hàng không trong nước sau khi có đủ điều kiện pháp lý.
Không cần tách Vinapco khỏi VNA
Vấn đề tranh luận nhiều nhất là có nên tách Vinapco khỏi VNA được ông Nguyễn Đình Cung phân tích rất kỹ. Xét về mặt lý thuyết, việc tách Vinapco có thể sẽ tốt hơn nhưng trong thực tế lại không có ý nghĩa. Bởi vì không trực thuộc VNA, Vinapco vẫn là DN độc quyền. Nếu tách Vinapco đi đôi với việc mở cửa cho nhà cung cấp mới thì VNA có quyền thành lập một công ty cung cấp xăng dầu riêng cho mình. Nếu không, VNA là đối tượng mà bất cứ nhà cung cấp nào cũng nhắm đến với chế độ ưu tiên cao nhất vì đây là khách hàng lớn, ổn định. Đó là quy luật vận hành của kinh tế thị trường, cho nên không thể tránh khỏi việc phân biệt đối xử đối với khách hàng khác nhau. Chỉ trong trường hợp thấy sức ép lớn từ thị trường hoặc lợi nhuận, chủ sở hữu là Nhà nước mới có động cơ cho Vinapco ra ở riêng. Tại thời điểm này chưa có sức ép đó.
( Theo Tô Hà // Người lao động online )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com