Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Phát triển thương hiệu từ nhãn hiệu

Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là quyền lợi của doanh nghiệp trong quá trình xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có nhiều nhà sản xuất chưa quan tâm đến điều này.

Từ nhãn hiệu

Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Nhựa Chí Thành, quận Bình Tân, TPHCM, trước năm 2003 hoạt động với quy mô nhỏ, chuyên sản xuất tranh điện, khung tranh, quạt nuôi tôm, mũ bảo hiểm... Để nâng cao sức cạnh tranh, những năm gần đây công ty đã tự nghiên cứu những công nghệ phù hợp, vừa bảo đảm tạo ra các sản phẩm có chất lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường, vừa có chi phí sản xuất thấp.

Đại diện Công ty Chí Thành, ông Nguyễn Hữu Chí, cho biết để tạo ra những nhãn hiệu mới, bản thân ông giám đốc phải lặn lội xuống các vùng chuyên nuôi tôm ở miền Tây trao đổi với người dân. Quan sát trên ao tôm, ông nhận thấy người nuôi tôm thiếu trang thiết bị hỗ trợ. Từ những khảo sát thực tế, bộ phận thiết kế sản phẩm của công ty đã nghiên cứu, sáng chế ra thuyền phao, cánh quạt tạo ôxy được đăng ký bảo hộ độc quyền sáng chế.

Các sản phẩm của Chí Thành trước khi đi vào sản xuất đều trải qua quy trình thăm dò thị hiếu của nhiều nhóm khách hàng, nghiên cứu, đầu tư công nghệ, giá thành hợp lý, tạo nhãn hiệu hàng hóa cho từng sản phẩm cụ thể, nhất là không vi phạm kiểu dáng công nghiệp. Kế đến là xây dựng chiến lược quảng bá sản phẩm thông qua hệ thống đại lý trên cả nước, cung cấp cho khách hàng mọi thông tin về sản phẩm thông qua trang web của công ty, các kênh quảng cáo.

Theo ông Chí, từ việc phát triển nhãn hiệu đến xây dựng thương hiệu là chiến lược kinh doanh lâu dài, liên tục và phải luôn trung thành với tiêu chí đề ra.

Đại diện nhãn hàng Vinacafé, ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Marketing, cho biết mặc dù biết thương hiệu là tài sản của doanh nghiệp tuy nhiên không phải lãnh đạo doanh nghiệp nào cũng lưu tâm đến khía cạnh này. Nhãn hiệu Vinacafé ra đời từ tháng 1-1983. Thế nhưng từ đó đến năm 1990 nhãn hiệu ngày chỉ được biết đến nhiều ở Liên Xô cũ và một số nước Đông Âu. Đến năm 1993 Vinacafé mới xúc tiến đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và bản quyền tác giả đối với tất cả bao bì sản phẩm.

Theo ông Tùng, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu mặc dù tốn không ít tiền bạc nhưng đó lại là điều kiện đầu tiên để doanh nghiệp yên tâm đầu tư xây dựng thương hiệu. Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam tại TPHCM, chi phí đăng ký bảo hộ nhóm sản phẩm của một nhãn hiệu có hiệu lực trong 10 năm tốn chưa tới 1 triệu đồng. Tuy nhiên các doanh nghiệp rất thờ ơ và chỉ quan tâm khi họ gặp rắc rối vì bị đối thủ làm nhái, làm giả sản phẩm.

Đến xây dựng thương hiệu

Tại hội thảo “Phát triển thương hiệu từ nhãn hiệu”, diễn ra tuần trước tại TPHCM, ông Louis Chan, Chuyên gia tư vấn pháp lý Công ty Procter & Gamble (P&G) châu Á, cho rằng nhãn hiệu có chức năng kép. Thứ nhất, nhãn hiệu giúp người tiêu dùng đưa ra quyết định đúng đắn khi lựa chọn hàng hóa, dịch vụ. Thứ hai, nhãn hiệu sẽ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển và phân phối hàng hóa và dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Một nhãn hiệu thành công bao giờ cũng căn cứ theo tâm lý, văn hóa, ngôn ngữ người tiêu dùng bản địa.

“Nếu sử dụng nhãn hiệu có chiến lược, doanh nghiệp có thể tăng doanh số bán hàng, tạo cơ hội nhượng quyền thương mại, gia tăng hoặc duy trì thị phần, xây dựng liên minh và các đối tác. Từ nhãn hiệu chiến lược, doanh nghiệp sẽ hình thành nên thương hiệu mạnh vì củng cố sự trung thành của khách hàng, tăng doanh số và thu nhập, đưa ra thị trường sản phẩm mới hoặc xác định lại vị trí của sản phẩm đang có, tạo ra tài sản có giá trị trong các giao dịch tài chính”, ông Louis Chan phân tích.

Dẫn câu chuyện sử dụng nhãn hiệu một cách chiến lược của P&G, ông Louis Chan nói: “Bắt đầu từ sản phẩm dao cạo râu Gillette ra đời cách đây hơn 100 năm, nhãn hiệu này từng bước đưa ra thị trường các sản phẩm khác như hoạt chất cạo râu, keo chăm sóc tóc... tạo ra một cú hích liên quan đến sản phẩm cũ. Việc đa dạng hóa sản phẩm từ một nhãn hiệu chính là công cụ để đạt được thị phần lớn hơn. Nhãn hiệu tã lót Pampers cũng được P&G phát triển thành công trong hơn nửa thế kỷ qua. Nhãn hiệu này ngày nay không chỉ có sản phẩm tã lót mà đã cho ra đời nhiều sản phẩm liên quan đến việc chăm sóc trẻ từ khi còn trong bụng mẹ cho đến trước tuổi đi học”.

Về biện pháp gia tăng sức mạnh của nhãn hiệu, ông Chan gợi ý doanh nghiệp nên xây dựng quan hệ liên minh và đối tác có tiềm năng về tài chính, thị trường lớn ở khu vực hoặc toàn cầu để tung ra dòng sản phẩm “mang nhãn hiệu toàn cầu, am hiểu địa phương”.

Nhìn ở khía cạnh khác, ông Owen Malone, Trưởng phòng Sở hữu trí tuệ Công ty Foster (Úc), cho rằng doanh nghiệp sản xuất ngày càng chịu nhiều áp lực đổi mới công nghệ liên tục, sự phụ thuộc ngày càng tăng vào thương hiệu sản phẩm và dịch vụ, thị trường toàn cầu hóa. Thậm chí giá trị tài sản của doanh nghiệp cũng phụ thuộc vào việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam, ông Malone khuyên: “Hãy thiết lập một cơ chế bảo hộ nhãn hiệu được định hướng bởi chiến lược thương hiệu. Đảm bảo mối quan hệ chặt chẽ giữa tiếp thị và quản lý nhãn hiệu trong quá trình phát triển thương hiệu”.

Cần tăng mức xử phạt xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp

Nhà nước cần đơn giản hóa thủ tục đăng ký bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp. Hiện nay thời gian thẩm định hồ sơ tương đối dài, thường từ 18-24 tháng. Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn tất bộ hồ sơ đăng ký. Việc doanh nghiệp tự viết bản mô tả sáng chế và kiểu dáng rất khó; việc phân loại doanh mục sản phẩm, nhãn hiệu cũng phức tạp không kém. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ thông tin và các thủ tục pháp lý cho doanh nghiệp đăng ký bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp ở trong nước cũng như đăng ký ra nước ngoài.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp khi bị xâm phạm.

Nhà nước cần tăng các mức xử phạt tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp cao hơn nữa để bảo vệ thành quả lao động sáng tạo của doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp sáng tạo nhiều hơn nữa.

Ông NGUYỄN HỮU CHÍ, Đại diện Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Nhựa Chí Thành

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Tìm cách bám trụ với nghề
  • Nhìn lại các doanh nghiệp tư nhân: Cuộc cạnh tranh trong biển đỏ
  • Boeing và Airbus "bội thu" đơn đặt hàng máy bay
  • Viettel tiến vào thị trường nước ngoài thứ 5
  • 4 lý do doanh nghiệp khó tuyển lao động
  • EVN Telecom sẽ cổ phần hóa như thế nào?
  • Tháng 12, Vietnam Airlines mở đường bay thẳng sang Anh
  • Petro Vietnam không thay đổi kế hoạch thăm dò trên biển Đông
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
Thanh Dũng Furniture - Nội thất Thanh Dũng

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao