Công ty Cổ phần Kinh doanh Xi măng Miền Bắc vừa có đơn khiếu nại gửi đến báo chí về việc Tổng công ty Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI) từ chối bảo hiểm xe ôtô bị tai nạn.
Theo đơn này, ngày 1/3/2009, chiếc xe tải mang biển kiểm soát 30H - 6365 đứng tên Công ty Cổ phần Kinh doanh Xi măng Miền Bắc do tài xế Vũ Huy Anh đang điều khiển xuống dốc ở Km số 26, quốc lộ 70, thuộc địa phận xã Bằng Luân, Đoan Hùng, Phú Thọ thì phanh không ăn và bị đâm vào đồi đất gây hư hỏng nặng. Chiếc xe gặp tai nạn khi đang chở 9 tấn xi măng.
Anh Vũ Huy Anh cho biết, chiếc xe bị tai nạn đã tham gia bảo hiểm vật chất tại PVI Hà Nội theo giấy chứng nhận bảo hiểm 0071344 có hiệu lực từ ngày 15/5/2008 đến 15/5/2009.
Ngay sau khi gặp tại nạn, anh Vũ Huy Anh đã liên hệ đến PVI Hà Nội là nơi Xi măng Miền Bắc mua bảo hiểm và được nhân viên của PVI hướng dẫn đưa xe về xưởng tại xưởng ôtô thuộc Công ty Cổ phần Ôtô số 3, địa chỉ Biên Giang, Hà Đông, Hà Nội.
Theo báo giá của Công ty Cổ phần Ôtô số 3, tổng giá trị chi phí sửa chữa khắc phục thiệt hại do tai nạn của xe 30H-6365 lên trên 120 triệu đồng.
Ngày 19/3/2009, Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) đã tiến hành giám định theo yêu cầu của PVI Hà Nội và đi đến kết luận: "Nguyên nhân hư hỏng phanh của xe ôtô biển số 30H-6365 là do xy-lanh phanh trên cơ cấu phanh bên trái ở cầu giữa bị chảy dầu trước khi xảy ra vụ tai nạn. Hiện tượng chảy dầu này làm giảm áp suất trong hệ thống phanh, đồng thời do dầu phanh bám dính vào má phanh và tang trống làm cho má phanh bị trượt lớn khi phanh làm giảm đáng kể hiệu quả phanh".
Sau khi kết hợp với một số quy định tại Tiêu chuẩn ngành 22TCN 307-03 về yêu cầu an toàn chung phương tiện giao thông cơ giới đường bộ của Bộ Giao thông Vận tải, ngày 7/4/2009 PVI Hà Nội có Công văn 475/HN-GĐBT kết luận xe 30H-6365 không đảm bảo an toàn kỹ thuật khi tham gia giao thông.
Cụ thể, PVI cho rằng xe bị tai nạn từ nguyên nhân "hư hỏng do khuyết tật, ẩn tỳ mất giá trị, giảm dần chất lượng cho dù có giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường". Vì vậy, PVI từ chối bồi thường thiệt hại vật chất cho xe bị tai nạn của Xi măng Miền Bắc. Đồng thời, PVI cũng khẳng định trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày 7/4, nếu Xi măng Miền Bắc không có ý kiến gì khác thì PVI Hà Nội sẽ đóng hồ sơ vụ việc.
Ngay sau khi PVI có kết luận về nguyên nhân xe gặp tai nạn và từ chối bồi thường, Xi măng Miền Bắc đã có công văn phúc đáp số 96/CV-XMMB ngày 4/5/2009, trong đó khẳng định việc từ chối bồi thường của PVI Hà Nội là vô căn cứ.
Ông Bùi Khắc Luyện, Giám đốc Công ty Xi măng Miền Bắc, cho rằng việc PVI viện dẫn quy định tại tiêu chuẩn 22TCN 307-03 là không thuyết phục. Bởi theo ông Luyện, phạm vi đối tượng điều chỉnh của tiêu chuẩn 22TCN 307-03 được nêu rõ là "quy định các yêu cầu kỹ thuật cơ bản áp dụng để kiểm tra chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp xe trong nước".
Như vậy, tiêu chuẩn 22TCN 307-03 chỉ áp dụng với xe mới sản xuất lắp ráp trong nước trước khi xuất xưởng chứ không liên quan tới xe ôtô đang hoạt động - lĩnh vực của Cục Đăng kiểm Việt Nam với giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Ông Luyện cũng cho rằng, khi xe xuống dốc và có tải trọng lớn, động cơ trong tình trạng bị ép nổ; mặt khác, lái xe phải sử dụng phanh để kiểm soát tốc độ, khi đó xy-lanh và các đường ống dẫn dầu của hệ thống phanh luôn luôn có áp suất rất cao, việc đạp phanh khiến áp suất tăng mạnh và cũng là nguyên nhân thường dẫn tới mất phanh. Vì thế, tai nạn của xe 30H-6365 không nằm trong phạm vi loại trừ bảo hiểm và phải được bồi thường.
Ngoài ra, theo Điều 48 Luật Kinh doanh Bảo hiểm năm 2000 và theo Quy tắc bảo hiểm kết hợp xe cơ giới của PVI ngày 17/7/2007, "trường hợp PVI và chủ xe cơ giới không thống nhất được về nguyên nhân và mức độ thiệt hại thì sẽ trưng cầu giám định viên độc lập để tiến hành giám định". Do đó, ông Luyện cho rằng việc PVI đơn phương căn cứ vào kết luận của Viện Khoa học Hình sự để từ chối bồi thường là trái luật chứ chưa nói tới việc kết luận của Viện Khoa học Hình sự đã hoàn toàn chính xác hay chưa.
Bên cạnh đó, theo quan điểm của đại diện Xi măng Miền Bắc, Luật Kinh doanh Bảo hiểm đã quy định việc giám định tai nạn thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm và phải được tiến hành ngay sau khi tai nạn xảy ra.
Do đó, việc PVI để 19 ngày sau khi xảy ra tai nạn mới trưng cầu giám định thì kết quả giám định có thể không còn đảm bảo tính trung thực và khách quan. Trong khoảng thời gian đó với điều kiện để xe ở ngoài trời thì nhiều hư hại hao mòn tự nhiên có thể xảy ra, ngay cả vết rách cao su như nội dung công văn của Viện Khoa học Hình sự nhắc tới cũng có thể cũ đi.
(Theo Đức Thọ - Phươnh Anh // VnEconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com