Ông Patrick Regis, Chủ tịch Rolls-Royce Việt Nam vừa có buổi gặp gỡ với giới phóng viên tại TPHCM. Rolls-Royce là công ty đa quốc gia hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, thiết bị năng lượng toàn cầu… Tại Việt Nam, Rolls-Royce Việt Nam đang hoạt động kinh doanh trên 3 lĩnh vực chính là hàng không, hàng hải và năng lượng. Ông Patrick Regis cho biết đang tìm thấy nhiều cơ hội cho các hợp đồng mới tại thị trường Việt Nam.
Qua buổi gặp gỡ, được biết Tập đoàn Rolls - Royce vừa mở văn phòng tại Việt Nam và hy vọng sẽ có được những quan hệ làm ăn tốt với các đối tác. Nói vậy nhưng thực tế Rolls-Royce Việt Nam đã có những “mối” làm ăn lớn ở thị trường nước ta từ trước. Như việc Vietnam Airlines đã đặt mua nhiều loại máy bay hiện đại, bao gồm Airbus A350 và Boeing B787 trong chiến lược phát triển đội máy bay của hãng từ gần 70 chiếc hiện nay lên 150 vào năm 2020. Các loại máy bay mới này cần những động cơ mạnh, tiết kiệm năng lượng và các động cơ của Rolls-Royce đã đáp ứng các tiêu chuẩn này…
Vào tháng 7-2010, Rolls-Royce đã công bố giành được phần thầu trị giá 240 triệu USD để cung cấp động cơ V2500 có lượng khí thải thấp hơn cho 36 máy bay Airbus A321 của Vietnam Airlines. Ngoài Vietnam Airlines, các khách hàng khác của Rolls-Royce tại Việt Nam còn bao gồm Vinashin, Vinalines, PetroVietnam, VietsovPetro, các nhà máy đóng tàu của Bộ Quốc phòng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các công ty hoạt động trong lĩnh vực hàng hải và dầu khí khác…
Ông Patrick Regis cho biết, các đơn đặt hàng từ châu Á đã tăng gấp 3 lần trong 5 năm qua và Rolls-Royce đã có quan hệ làm ăn với Việt Nam từ 10 năm qua. Không chỉ một số hợp đồng và biên bản ghi nhớ về việc cung cấp động cơ cho máy bay Fokker của Vietnam Airlines… mà Rolls-Royce còn cung cấp bộ nén đẩy, các thiết bị tàu biển cho Vinashin. Hiện Rolls-Royce Việt Nam đang quản lý nhà máy Odim tại Vũng Tàu, chuyên sản xuất các thiết bị phục vụ cho các dự án hàng hải và dầu khí ngoài biển. Chính vì thế ông Patrick Regis cho rằng thị trường Việt Nam sẽ là một trong những thị trường hấp dẫn của tập đoàn trong 1, 2 năm tới.
Như vậy cũng có nghĩa, Rolls-Royce muốn làm ăn lâu dài tại Việt Nam. Đây là một tín hiệu khá tốt để Việt Nam tận dụng, học tập những kiến thức, kinh nghiệm quản lý mà Rolls-Royce mang lại, nhất là ở trong lĩnh vực ứng dụng khoa học công nghệ. Điều này, bước đầu đã được Rolls-Royce Việt Nam “mở cửa” bằng chương trình đào tạo kỹ năng cao cấp cho các lãnh đạo của Vietnam Airlines vào tháng 6 vừa qua. Ông Patrick Regis cho rằng, những chương trình do Rolls-Royce tổ chức cung cấp một cách hệ thống nội dung đào tạo thuộc những lĩnh vực chủ chốt trong doanh nghiệp, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế, tăng cường hiểu biết về những thách thức mà doanh nghiệp đang đối mặt…
Tuy nhiên, ông Patrick Regis cũng thẳng thắn: Sản phẩm của Rolls-Royce là công nghệ cực kỳ phức tạp và bước đầu tại Việt Nam chỉ là những khâu sản xuất đơn giản, như tại nhà máy Odim ở Vũng Tàu. Do đó, việc giúp Việt Nam đào tạo quản lý cấp cao trong lĩnh vực liên quan cũng là cách giúp Việt Nam phát triển. Hơn nữa Rolls-Royce đã có trung tâm nghiên cứu, đào tạo ở Singapore, sẽ là nơi đào tạo nhân sự cho Việt Nam khi có nhu cầu. Điều này cũng có nghĩa, Việt Nam đang có cơ hội tiếp thu nền công nghệ, cách quản lý của Rolls-Royce nếu biết tận dụng.
( Theo BÁ TÂN // Báo SGGP Online )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com