Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

S-fone chờ mặc áo liên doanh

Thông tin SK Telecom ngưng đầu tư vốn vào S-fone đã được đối tác của họ, công ty cổ phần dịch vụ bưu chính viễn thông Sài Gòn (SPT) xác nhận. Là mạng di động có tuổi đời đứng thứ ba ở Việt Nam, nhưng S-fone chỉ có vỏn vẹn bảy triệu thuê bao, chưa bằng 1/3 số thuê bao của Viettel dù S-fone ra đời trước ba năm. Mô hình hợp đồng hợp tác kinh doanh có phải là chiếc áo quá chật, khiến S-fone khó phát triển?

Chiếc áo “trung tâm” khiến cho những người điều hành không có quyền quyết định các hoạt động chiến lược. Ảnh: Lê Quang Nhật

“Ra đời trước mạng Viettel nhưng số thuê bao so với tình hình phát triển thực tế thị trường di động Việt Nam còn khiêm tốn”, ông Hồ Hồng Sơn, giám đốc trung tâm S-Telecom nói. Tính đến thời điểm này, theo ông Sơn, mạng S-fone có gần 7,3 triệu thuê bao kích hoạt, trong đó số thuê bao hoạt động trên mạng xấp xỉ 4 triệu thuê bao, số thuê bao sử dụng thường xuyên hàng tháng khoảng 1,5 triệu thuê bao. Các dịch vụ giá trị gia tăng tuy nhiều, nhưng số thuê bao sử dụng dịch vụ internet mobile khoảng 150.000, trong đó dùng thiết bị USB là 20.000.

Đạt mục tiêu nhưng không hài lòng

Theo mục tiêu chiến lược mà hai đối tác SK Telecom (Hàn Quốc) và SPT đặt ra là một triệu thuê bao vào năm 2016. Tuy con số thực tế vượt xa mong đợi của hai đối tác nhưng so với tốc độ phát triển thị trường di động Việt Nam trong năm năm trở lại đây, cả hai bên đều không hài lòng. Theo ông Sơn, lượng thuê bao không bằng các mạng khác là do chính sách đầu tư không thoả đáng. Hơn ba năm, kể từ tháng 7.2003,  S-fone mới phủ sóng 64 tỉnh thành. Hiện tại, S-fone mới chỉ có 1.100 trạm thu phát sóng BTS, trong khi đó nhiều nhà mạng khác đã có từ 10.000 – 15.000 trạm. Việc đầu tư chậm khiến S-fone không thu hút được các thuê bao ổn định, có thể sử dụng dịch vụ nhiều vì những khách hàng này đã “di chuyển” sang mạng khác do vùng phủ sóng rộng hơn.

Sự xuất hiện của các gương mặt mới đi cùng các chương trình khuyến mãi hấp dẫn khiến cho giá cước hạ liên tục và chỉ số chi tiêu bình quân trên mỗi thuê bao (ARPU) đều giảm. Trong giai đoạn 2003 – 2005, chỉ số này của mạng S-fone khoảng 20 USD/tháng, còn hiện nay là 4 USD/tháng. “Không có được thuê bao ổn định, cộng vào đó chấp nhận những hình thức khuyến mãi miễn phí như miễn phí cước cuộc gọi, mua SIM tặng máy… nên doanh thu thấp là chuyện tất nhiên”, ông Sơn giải thích.

Ít ưu thế công nghệ

Giai đoạn 2005 – 2006 là thời hoàng kim của công nghệ CDMA nhưng do S-fone không còn đầu tư mạnh nên mất cơ hội chiếm thị phần di động trong nước. Các chuyên gia về mạng di động CDMA không phủ nhận những nhược điểm của công nghệ này đã làm suy giảm “sức chiến đấu” của các nhà khai thác công nghệ CDMA trên toàn cầu. Vòng tròn luẩn quẩn: thiếu những tiêu chuẩn để đồng bộ thiết bị đầu cuối, các nhà sản xuất không có giải pháp để hạ giá thành, mỗi nhà mạng có tiêu chuẩn riêng về thiết bị và lượng người tiêu dùng thấp, nên giá máy cao. Thêm vào đó, mạng 3G ngày càng hoàn thiện cũng là “thế võ” đánh bật CDMA ra khỏi nhiều quốc gia.

Bất chấp nỗ lực bán máy giá thấp như Motorola F3C, Eco…, hay đưa ra các gói cước rẻ như gói “1 đồng”, “Forever”; S-fone vẫn khó thuyết phục người dùng đến với mạng này một cách ổn định.

Chiếc áo cũ chật chội

Không chỉ do trở ngại về công nghệ, S-fone còn vướng bởi chiếc áo hợp đồng khai thác kinh doanh (BCC) hơi chật chội. Trước đây, quy định của ngành viễn thông không cho thành lập liên doanh. Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Sơn xác nhận từ năm 2005, các bên đã “ngồi lại” để tìm một hình thức kinh doanh mới vì những điều khoản pháp lý của mô hình BCC không còn phù hợp để nhà mạng S-fone phát triển. Theo mô hình đó, S-fone chỉ là một trung tâm trực thuộc SPT. Điều đó nghĩa là họ không có quyền quyết định bất kỳ một hoạt động nào mang tầm chiến lược phát triển. Đặc biệt, mô hình BCC không được phép vay vốn hoặc kêu gọi đầu tư từ nguồn nào. “Dù thời gian của BCC là đến năm 2016 nhưng đến năm 2005, chúng tôi đã triển khai hết các nguồn lực, điều kiện cam kết của hai bên. Muốn có lực phải có hình thức mới để phát triển theo hai giải pháp: hoặc là duy trì mô hình BCC hoặc là chuyển sang hình thức liên doanh nhưng chọn hình thức nào thì đến bây giờ đã thoả thuận song vẫn còn nhiều điểm căn bản, mang tính nguyên tắc cao và cả những vấn đề pháp lý nên chưa có kết quả cuối cùng”, ông Sơn cho biết.

Theo nhiều nguồn tin khác nhau, có lẽ mô hình liên doanh đã được hai bên nhắm đến nhưng còn nhiều vấn đề như quyền lợi, trách nhiệm trong mô hình mới chưa được đồng thuận nên chưa công khai. “Có thể giải quyết nhanh hoặc không thể giải quyết được nhưng quan điểm cá nhân tôi là không thể để lâu, có thể trong quý 3 hoặc chậm lắm là quý 4/2009 sẽ giải quyết rốt ráo lựa chọn mô hình nào. Còn chi tiết cụ thể thế nào chúng tôi chưa thể công bố được”, ông Sơn nói.

Trên hai trang web www.totaltele.com và wirelessfederation.com, người phát ngôn của tập đoàn SK Telecom Lauren Kim xác nhận: “SK Telecom ngưng đầu tư vốn nhưng vẫn hợp tác với SPT trong mô hình S-fone”. Nguồn tin này cũng cho biết, SK Telecom đã đầu tư vào mạng S-fone 180 triệu USD, còn việc ngưng đầu tư là vì số lượng thuê bao thấp. Theo tìm hiểu của Sài Gòn Tiếp Thị, cho đến nay, SK Telecom (Hàn Quốc) và SPT (Việt Nam) đều chưa có thông tin chính thức nào về mô hình BCC này.

“Câu chuyện chuyển đổi mô hình hợp tác chỉ là hình thức để tìm giải pháp phù hợp cho sự phát triển của S-fone. Điều đó có nghĩa là mạng S-fone vẫn hoạt động, không có vấn đề gì xảy ra như dư luận lo ngại. Nếu có gì thay đổi, chúng tôi sẽ có thông tin chính thức đến với người tiêu dùng. Dù không đạt được những hiệu quả nhưng trong bảy mạng di động đang hoạt động tại Việt Nam, S-fone vẫn có vị thế nhất định. Không dễ gì có được số thuê bao như vậy”, ông Sơn cam kết.


(Theo Gia Vinh/SGTT)

  • Petrovietnam đầu tư xây dựng hai dự án điện lớn
  • Hoa Sen Group kỷ niệm 8 năm ngày thành lập
  • Công ty Baseafood: Tháng 7, giá trị kim ngạch xuất khẩu cao nhất từ đầu năm đến nay
  • 100 triệu USD đóng mới tàu biển
  • Công ty Điện tử SamSung Vina khai trương trung tâm bảo hành tại Bình Dương
  • Doanh nghiệp KHCN sẽ được hỗ trợ khởi nghiệp
  • Kết nối cộng đồng doanh nhân người Việt
  • Vinaphone chính thức chọn Motorola là nhà cung cấp dịch vụ 3G tại Việt Nam
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
Thanh Dũng Furniture - Nội thất Thanh Dũng

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao