Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Số phận của Indochina Airlines sẽ sớm được quyết định

Indochina Airlines hiện đang đối mặt với việc mất giấy phép kinh doanh vận chuyện hàng không. Trong ảnh là một hình ảnh quảng cáo về dịch vụ của Indochina Airlines - Ảnh: Mộng Bình

Trang web của Hãng hàng không Đông Dương (Indochina Airlines) đã xuất hiện trở lại và hãng cũng đã đề nghị Cục Hàng không dân dụng Việt Nam xin được bay trở lại vào quí 4-2010. Nhưng khả năng hãng cất cánh trở lại và duy trì hoạt động lâu dài là rất khó.

Ông Võ Huy Cường, Trưởng phòng vận tải hàng không Cục Hàng không, đã nêu ra hàng loạt điều kiện liên quan đến chứng chỉ nhà khai thác tàu bay (air operator certificate - AOC), vốn pháp định, khả năng tài tính, năng lực khai thác, quyền vận chuyển mà Indochina Airlines không đáp ứng được để có thể giữ lại giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không như quy định.

Ông Cường nói vừa qua Cục Hàng không đã kiểm tra Indochina Airlines, nhưng hãng chưa có động thái gì tiến hành các thủ tục xây dựng năng lực và đáp ứng các điều kiện để cấp AOC. Hãng cũng chưa tiếp xúc với Cục Hàng không để tìm hiểu thông tin về điều này, và do vậy đến 30-5-2010 thì làm sao hãng có AOC được.

Ông Cường nhắc lại Nghị định 76/2007/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung quy định là một hãng hàng không phải có chứng chỉ nhà khai thác tàu bay sau 24 tháng được cấp phép và nếu không thì bị thu hồi giấy phép. Nghị định cũng nêu rõ giấy phép cũng sẽ bị thu hồi nếu hãng ngừng khai thác liên tục trong 1 năm.

Nếu dựa vào 2 điều kiện trên thì Indochina Airlines khó có khả năng đáp ứng. Hãng được cấp phép vào tháng 5-2008, và vì thế buộc phải có AOC trước ngày 30-5-2010 nếu không muốn phải đối mặt với việc bị thu hồi giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.

Indochina Airlines đã yêu cầu Cục Hàng không xin được bay trở lại vào quí 4-2010. Do vậy, hãng có khả năng giữ lại được giấy phép nếu có thể bay trước 30-10-2010, thời hạn đúng một năm hãng ngừng bay vì khó khăn về tài chính, nếu các cơ quan muốn tạo thêm cơ hội để hãng được bay mà không xét đến yếu tố phải có AOC sau 2 năm được cấp phép.

Đã có tiền lệ

Thực tế cho thấy, VietJet Air - Hãng hàng không tư nhân được cấp phép đầu tiên tại Việt Nam đã giữ được giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không sau 2 năm hãng không thể cất cánh vì phải trì hoãn kế hoạch bay khi các cơ quan xét đến yếu tố khó khăn về thị trường trong năm 2009.

Ông Cường giải thích giấy phép của VietJet Air không bị thu hồi vì hãng đã có những chuẩn bị cụ thể, có đơn xin lùi thời hạn cất cánh, có kế hoạch khai thác rõ ràng và thực tế họ đang tích cực hoàn tất các thủ tục để nhận AOC để đảm bảo điều kiện cất cánh, dự kiến vào tháng 8-2010.

Khả năng bay của VietJet Air càng được củng cố thêm khi Hãng hàng không giá rẻ hàng đầu châu Á là AirAsia đầu tư mua 30% cổ phần của hãng hàng không Việt Nam này, và đồng thời cũng giúp hãng về nhân sự, chuyên môn và triển khai mô hình hàng không giá rẻ mà hãng hàng không của Malaysia đang áp dụng rất thành công trong gần 10 năm hoạt động.

Gần đây, có thông tin cho rằng Indochina Airlines có kế hoạch bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài vì các quy định của hàng không dân dụng Việt Nam cho phép một nhà đầu tư nước ngoài được nắm không quá 30% cổ phần của một hãng hàng không Việt Nam và cổ phần của phía nước ngoài (nhiều nhà đầu tư) không vượt quá 49%.

Quy định thì đã rõ và đã được áp dụng với trường hợp của VietJet Air và Jetstar Pacific khi Tổng công ty đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) - cổ đông lớn nhất của hãng hàng không giá rẻ này đồng ý bán 30% cổ phần cho Qantas (Úc) theo thỏa thuận 2 bên ký vào năm 2007.

Ai có thể đầu tư vào Indochina Airlines?

Câu hỏi được đặt ra lúc này là liệu nhà đầu tư nước ngoài nào muốn và có khả năng mua cổ phần của Indochina Airlines khi cả Qantas và AirAsia – là 2 hãng hàng không nước ngoài thật sự muốn đầu tư vào các hãng hàng không Việt Nam đã đạt được kế hoạch của họ.

Công nợ và uy tín của Indochina Airlines cũng là những vấn đề không dễ giải quyết và buộc các nhà đầu tư nước ngoài phải cân nhắc. Còn nhớ, hàng ngàn khách của hãng phải lao đao ra sao khi không thể bay về với gia đình dịp tết vừa qua vì trước đó hãng đã bị Cục Hàng không thu hồi quyền vận chuyển hàng không vì không đáp ứng đủ điều kiện về khả năng tài chính như hãng đã hứa trong đơn xin cấp lại thương quyền bay gửi đến Cục Hàng không.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn qua điện thoại ngày 27-4, Giám đốc của Công ty xăng dầu hàng không (Vinapco), ông Trần Hữu Phúc nói rằng Indochina Airlines còn nợ công ty khoảng 20 tỉ đồng nhưng khả năng thu hồi nợ cũng rất mong manh.

Ông bức xúc nói: “Cứ khoảng 2 tuần, Vinapco gửi công văn đến Indochina Airlines đòi nợ nhưng chẳng nhận được bất cứ phản hồi nào từ phía hãng hàng không này. Nghe nói đâu hãng hàng không này cũng không có địa chỉ hoạt động chính thức”.

Ông Phúc có cơ sở khi đưa ra nhận định trên vì Thời báo Kinh tế Sài Gòn thử gọi các số điện thoại theo hướng dẫn được cung cấp trên trang web www.indochinaairlines.vn nhưng không được. Số điện thoại (08) 335471081 (gặp Mr Quân) tại địa chỉ số 05 đường Đống Đa, phường 2, quận Tân Bình không tồn tại, còn số (04) 39411473 (gặp Mr Phương) ở Hà Nội tại số 63 đường Lý Thường Kiệt, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm thì liên tục bận.

Indochina Airlines còn nợ các nhà cung cấp dịch vụ xăng dầu, suất ăn, phục vụ mặt đất… hàng chục tỉ đồng, và theo Cục Hàng không hãng không thể duy trì vốn điều lệ ở mức 200 tỉ đồng như đã quy định. Đây là mức vốn tối thiểu bắt buộc đối với một hãng hàng không để duy trì các hoạt động bay trong nước.

Nếu Indochina Airlines được phép cất cánh bay trở lại vào quí 4-2010, thì liệu hãng có đủ khả năng tài chính để duy trì hoạt động bay đến khi có lãi và để cạnh tranh được với Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và VietJet Air về giá vé và dịch vụ.

Ông Cường nói Indochina Airlines đã có công văn gửi Cục Hàng không yêu cầu được bay lại vào quí 4-2010, nhưng công văn này không được xem là chính thức vì hãng chỉ gửi bằng fax, còn bản chính vẫn chưa thấy đâu.

Ông Cường cho biết ngay cả trong công văn gửi bằng fax này thì Indochina Airlines chẳng nêu được kế hoạch cụ thể về khôi phục lại hoạt động bay thế nào mà chỉ nói rất chung chung là sẽ có cổ động chiến lược và yêu cầu các cổ đông đóng góp vốn. Hãng cũng chẳng đề cập đến việc giải quyết nợ.

Ông Cường nói vấn đề của Indochina Airlines hiện do Bộ Giao thông Vận tải giải quyết và Cục Hàng không đã hướng dẫn Indochina Airlines báo cáo bộ về tình hình hiện tại để bộ xem xét. Cơ quan này cũng sẽ sớm báo báo với bộ về tình hình thực tế là hãng không đủ các điều kiện để duy trì giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.

(Theo Bình Nguyên // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • VinaPhone Tour 2010: Trải nghiệm các tiện ích trên mạng di động
  • Điện tiếp tục căng thẳng trong tháng 5
  • VinaPhone Tour 2010: Trải nghiệm các tiện ích trên mạng di động
  • Công ty Điện tử Hà Nội: Khẳng định dấu ấn trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ hạ tầng công nghệ thông tin
  • Vinaconex triển khai nhiều dự án đầu tư bất động sản ở HN
  • Hợp sức giải bài toán thiếu vốn nông thôn
  • Mạng di động ảo Đông Dương được cấp phép WiMax
  • Bàn giao tàu chở ôtô đầu tiên đóng tại Việt Nam
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
Thanh Dũng Furniture - Nội thất Thanh Dũng

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao