Nhiều doanh nghiệp vận tải biển trong nước hiện đã áp dụng giá cước mới với mức tăng 10 – 15% nhằm bù cho những chi phí đầu vào tăng cao trong thời gian gần đây.
Mức cước mới hầu hết được các doanh nghiệp áp dụng cho hàng container từ đầu tháng 3, sau khi xăng dầu được điều chỉnh tăng. Trong khi đó, hàng rời lại có xu hướng giảm nhẹ, mặc dù giá dầu thô thế giới vẫn ở mức cao.
Chỉ đủ duy trì hoạt động
Theo thông báo của công ty vận tải biển Việt Nam (Vosco), cước vận tải hàng nội địa của doanh nghiệp này tăng 10% từ đầu tháng 3. Như vậy, mức cước tăng thêm trên toàn tuyến của Vosco vào khoảng 400.000 – 500.000 đồng/TEU. Với tuyến Hải Phòng – TP.HCM, mức cước hiện vào khoảng 6,4 triệu đồng/container 20 feet và 7,5 triệu đồng/container 40 feet. Trong khi đó, chiều ngược lại, loại container 40 feet có mức tăng cao hơn, dao động từ 11 – 12 triệu đồng/container.
Theo ông Nguyễn Hiến Chương, phòng môi giới và cho thuê tàu biển, công ty TNHH dịch vụ tiếp vận và thương mại Sài Gòn Cửu Long, do nhu cầu vận chuyển ra Hải Phòng lớn hơn nên đa số hãng tàu phải tăng chi phí điều chuyển container loại này.
Tương tự, công ty vận tải biển và thuê tàu (Vietfracht) cũng tăng cước vận tải biển thêm 15% từ đầu tháng 3. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn tăng phí các loại dịch vụ thêm 10 – 20%.
Đối với các tuyến quốc tế, mức tăng được các hãng tàu nước ngoài điều chỉnh tăng khoảng 10 – 15%. Theo ông Nguyễn Quốc Dũng, trưởng phòng xuất nhập khẩu, công ty cổ phần dệt may Phong Phú, cước phí vận tải biển từ Hong Kong về Việt Nam hiện vào khoảng 135 USD/container 20 feet, trong khi trước đây khoảng một tháng chỉ khoảng 120 USD. Tuyến Thượng Hải (Trung Quốc) về Việt Nam hiện 280 USD/container 20 feet, trong khi giá cũ chỉ 250 USD. Các hãng tàu trong nước, vốn chiếm thị phần khoảng 25%, chưa thông báo tăng cước quốc tế song chủ hàng phải trả thêm một khoản tăng giá nhiên liệu dựa trên lượng tiêu hao thực tế cho chủ tàu.
Với mức tăng này, theo nhận định của ông Chương, trước áp lực chi phí nhiên liệu, tỷ giá và lãi suất tăng mạnh như hiện nay, các hãng tàu chỉ đủ duy trì hoạt động. Ông Chương tính toán, chi phí nhiên liệu và tỷ giá cho đến thời điểm này đã tăng thêm trên 30% so với năm ngoái.
Cạnh tranh khốc liệt
Trong khi cước vận tải hàng container tăng, hàng rời lại có xu hướng giảm nhẹ, mặc dù giá dầu thô thế giới hiện đang ở mức cao. Mức giảm hiện vào khoảng 5 – 10% so với cuối năm ngoái. Với mức giảm này, cước vận tải cho một tấn bắp từ Ấn Độ về Việt Nam (TP.HCM hoặc Hải Phòng) chỉ còn 25 – 30 USD. Một tấn gạo từ Việt Nam đi Indonesia hiện cũng chỉ còn 24 – 35 USD (tuỳ cảng đến).
Trong khi đó, một tấn than từ Quảng Ninh đi Malaysia hiện vào khoảng 14 – 17 USD. Theo ông Chương, đây là mùa thấp điểm của vận chuyển hàng rời nên các hãng tàu buộc phải giảm giá để kéo khách. Ngoài ra, mức giảm này còn do sự cạnh tranh khốc liệt của các hãng tàu Trung Quốc có công suất lớn.
Ngành vận tải biển Việt Nam gần đây phụ thuộc vào các đơn hàng xuất nhập khẩu nguyên liệu thô từ Trung Quốc. Khi Chính phủ Trung Quốc điều chỉnh chính sách kinh tế, nguồn cung hàng bị tác động nhiều. Chính vì thế, tình hình vận tải biển trong ngắn hạn được các doanh nghiệp dự báo là sẽ trở nên phức tạp hơn và khả năng rủi ro tăng lên.
Hai tháng đầu năm nay, ước tính tổng giá trị hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam đạt trên 12,3 tỉ USD, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch nhập khẩu cũng tăng 26,8% so với cùng kỳ, đạt 14,2 tỉ USD. Do nhiều nguyên nhân, trong đó có cả thói quen mua CIF, bán FOB của doanh nghiệp trong nước, nên 75% thị phần vận tải biển thuộc về các hãng nước ngoài.
(Theo Ca Hảo/sgtt)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com