- Được biết, VIB vừa ký thỏa thuận khung dự án SMEFP giai đoạn 3, ông có thể nói rõ hơn về dự án này ?
Dự án tài trợ các DNNVV là một kế hoạch cho vay lại dựa theo thỏa thuận vay giữa Chính phủ VN và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA). Ngân hàng nhà nước VN là cơ quan diều hành Dự án, thông qua các định chế tài chính trong nước nhằm tài trợ vốn cho các DNNVV tăng cường sức cạnh tranh trong nền kinh tế. VIB là một đại diện cho các ngân hàng mới được lựa chọn trong giai đoạn 3.
Được Ngân hàng nhà nước lựa chọn tham gia Dự án SMEFP là điều kiện vô cùng thuận lợi cho các định chế tài chính. Để hỗ trợ các DNNVV đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn theo quy định của dự án SMEFP- NHNN vay vốn với lãi suất ưu đãi, ngày 17/3/2010 VIB đã ký thỏa thuận khung dự án SMEFP với Ban quản lý các Dự án quốc tế thuộc Ngân hàng nhà nước để tài trợ vốn trung dài hạn cho các DN SME. Đây cũng chính là đối tượng khách hàng trọng tâm mà VIB hướng đến trong năm 2010. Đợt giải ngân đầu tiên VIB tạm được Ban quản lý các Dự án quốc tế - Ngân hàng nhà nước phân bổ 80 tỷ đồng, hạn mức này sẽ được nâng lên ngay sau khi VIB giải ngân hết lần 1.
- Vậy nguồn vốn này sẽ nhắm đến những đối tượng DN nào, thưa ông ?
Theo điều kiện quy định, dự án đặc biệt xem xét các khoản đầu tư trung dài hạn để đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc thiết bị thuộc các ngành nghề như sản xuất, khai khoáng, nông lâm ngư nghiệp, xây dựng, cơ khí, phân phối, kho bãi, bán buôn, bán lẻ, kinh doanh xuất nhập khẩu, vận tải, in và xuất bản, công trình công cộng và hạ tầng cơ sở...
Ngân hàng Quốc Tế sẽ sử dụng nguồn vốn này để cấp tín dụng cho các khách hàng DNNVV với thời hạn và lãi suất hợp lý, hỗ trợ các DN đầu tư phát triển sản xuất.
- Để có thể tiếp cận được nguồn vốn, DNNVV này cần những điều kiện gì, thưa ông ?
Để có thể tiếp cận nguồn vốn này, các DN cần đáp ứng những tiêu chuẩn theo quy định của bên cho vay. Trước tiên, là DN được thành lập và đăng ký theo luật, trong đó thành phần ngoài quốc doanh chiếm ít nhất 50% vốn góp, thuộc một trong những loại hình: Cty cổ phần, Cty TNHH, Cty hợp danh, Cty hoặc DN tư nhân.
Quy mô của các DN này phải đáp ứng được 1 hoặc 2 tiêu chí về tổng nguồn vốn hoặc số lượng lao động bình quân năm. Cụ thể như các DN thuộc ngành nông, lâm nghiệp, công nghiệp và xây dựng vốn dưới 100 tỷ đồng hoặc số lượng lao động bình quân/ năm dưới 300 người, đối với ngành thương mại và dịch vụ: vốn điều lệ dưới 50 tỷ đồng hoặc số lượng lao động bình quân/năm dưới 100 người.
Các dự án được cho vay không vượt quá 25 tỷ đồng và DN tham gia ít nhất 15% vốn. Đây là ưu điểm của chương trình này, bởi đối với các khoản vay thông thường, DN thường phải tham gia từ 30-40% vốn đối ứng. Ngân hàng Quốc Tế sẵn sàng hỗ trợ tối đa các khách hàng đáp ứng đủ những điều kiện cơ bản trên để có thể tiếp cận nguồn vốn này.
- Ông dự báo thế nào về mặt bằng lãi suất trong thời gian tới. Ông có lời khuyên gì cho các DN khi muốn tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng ?
Năm 2010 được dự báo là năm bắt đầu có tín hiệu của sự phục hồi kinh tế. chính phủ dự kiến mức tăng trưởng GDP của năm 2010 là 6,5%. vì vậy với hầu hết DN, nhu cầu vốn trong năm 2010 sẽ lớn hơn rất nhiều so với năm 2009. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất trong thời gian tới không thể tăng đột biến mà sẽ tăng nhẹ vào cuối năm. Bởi trong 3 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP đạt 5,9%, tăng trưởng tín dụng đạt 1,4%. Hai điều kiện này không quá mâu thuẫn nhau. Bên cạnh đó, bản thân các DN cũng cẩn thận và cân nhắc hơn trong việc sử dụng đồng vốn.
Đối với các ngân hàng, việc cân nhắc, lựa chọn những khách hàng tốt là một điều kiện sống còn nhằm đảm bảo sự tồn tại bền vững và an toàn. Về phía DN, muốn tiếp cận tốt các nguồn vốn từ ngân hàng, DN cần phải xây dựng phương án kinh doanh chi tiết rõ ràng, quản lý chặt chẽ các tài sản đảm bảo, gia tăng phần vốn đối ứng (vốn chủ sở hữu), đặc biệt đảm bảo tình hình tài chính, tiếp cận và khai thác tốt các nguồn vốn vay. Hơn nữa có một điều mà các DN, đặc biệt các DNNVV nên chú ý là cần tiến tới tiếp cận, sử dụng các dịch vụ ngân hàng, không chỉ khi cần nguồn vốn mới tìm đến với ngân hàng mà DN cần hợp tác với ngân hàng ngay từ giai đoạn đầu.
Cụ thể trong giai đoạn hiện tại DN tiếp cận nguồn vốn qua các kênh: Tận dụng những chính sách hỗ trợ của chính phủ cũng như các nguốn vốn hỗ trợ phát triển từ các ngân hàng nước ngoài như chinh sách hỗ trợ lãi suất 2% cho khoản vay trung dài hạn; dự án SMEFP giai đoạn 3, dự án RDFII... Bên cạnh đó, các DN nên chủ động tìm kiếm các phương án sản xuất kinh doanh khả thi cao, các hợp đồng/phương án đầu ra tương đối chắc chắn để khi có nhu cầu nguồn vốn các ngân hàng sẽ đánh giá trên các cơ sở đó để cho vay.
Với Ngân hàng Quốc Tế, chúng tôi mong muốn trở thành đối tác tin cậy, đồng hành suốt cuộc đời khách hàng nên chúng tôi xây dựng nhiều chính sách ưu đãi dành cho khách hàng. Chúng tôi đã và đang xây dựng những gói sản phẩm chuyên biệt dành riêng cho các DN sản xuất kinh doanh thuộc một số ngành hàng trọng tâm như cà phê, gạo, thủy sản, xây dựng... Sử dụng gói sản phẩm đó, khách hàng sẽ được hưởng những ưu đãi về chính sách tín dụng, ngoại hối, dịch vụ tài khoản, chuyển tiền và các dịch vụ hỗ trợ khác.
- Xin cảm ơn ông!
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com