Vài ngày trước khi Toyota thu hồi hàng triệu xe, ban lãnh đạo hãng đã từng xảy ra tranh chấp về việc khi nào thì thông báo cho người tiêu dùng về các vấn đề an toàn liên quan đến lỗi chân ga.
Theo tài liệu mà AP có được, một lãnh đạo của Toyota đã đề nghị hãng sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới cần “làm sáng tỏ vụ việc”.
Trong một bức thư điện tử ngày 16/1/2010, Irv Miller, người khi đó giữ chức Phó chủ tịch Toyota Mỹ, đã cảnh báo với các đồng nghiệp: “Chúng ta không thể bảo vệ khách hàng bằng cách giữ im lặng mãi. Thời điểm che giấu điều này đã qua. Chúng ta cần phải làm rõ vấn đề”.
5 ngày sau, Toyota tuyên bố thu hồi 2,3 triệu sản phẩm để sửa lỗi dính chân ga, trong đó có nhiều dòng thông dụng như Camry và Corolla.
Trước đó vài tháng, hồi tháng 9/2009, nhà sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới này cũng đã tuyên bố thu hồi hơn 4 triệu sản phẩm để sửa lỗi thàm sàn làm kẹt chân ga, dẫn tới hiện tượng tăng tốc đột ngột.
Tính tới nay, Toyota đã phải thu hồi hơn 8,5 triệu xe trên toàn cầu do lỗi chân ga ở hàng loạt mẫu xe và vấn đề chân phanh ở xe Prius hybrid. Và gần đây nhất, Toyota Hàn Quốc lại phải thu hồi thêm 13.000 xe bị lỗi.
Trả lời về thông tin trên, Toyota trong một tuyên bố nói rằng, hãng “không bình luận về các cuộc trao đổi trong nội bộ công ty” và từ chối nêu ý kiến về bức thư của ông Miller.
Nhân vật chính trong vụ việc, ông Miller từ nhà riêng ở Los Angeles cũng nói rằng, không bình luận gì về vấn đề này. Ông đã nghỉ việc chính thức ở Toyota từ hôm 1/2.
Hôm 5/4, Mỹ đã quyết định phạt Toyota số tiền 16,4 triệu USD do đã cố tình giấu diếm các nhà chức trách nước này về những vấn đề an toàn liên quan đến lỗi dính chân ga. Bộ trưởng Giao thông Mỹ, Ray LaHood, nói rằng Toyota đã phạm một sai lầm to lớn khi không thông báo những vấn đề an toàn sớm hơn.
Trong một diễn biến khác có liên quan, Sở Công Thương tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) hôm 7/4 cho hay, hơn 1.700 phụ tùng ôtô các loại chưa được chứng nhận đã bị phát hiện ở kho hàng của hai đại lý thuộc FAW Toyota Motor Sales Co Ltd tại thành phố Nghĩa Ô, miền đông tỉnh này.
Theo ông Pan Wei, một quan chức thuộc Sở này, luật pháp Trung Quốc quy định, hàng hoá không có chứng nhận được xem là không hợp pháp và sẽ không được tiêu thụ trên thị trường.
Các nguồn tin cho hay, số phụ tùng có xuất xứ từ Toyota Motor Warehousing & Trading Co., một chi nhánh của Toyota ở Thượng Hải đảm nhiệm việc phân phối linh kiện, phụ tùng cho các cửa hàng của hãng xe này tại Trung Quốc.
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com