Liên quan đến những vấn đề nêu trong kết luận kiểm toán Tổng Cty kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) mà Tiền Phong vừa có loạt bài, hôm qua (14-12), Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh đã dành riêng cho PV Tiền Phong buổi trao đổi trực tiếp.
Ông cho rằng một phần trách nhiệm thuộc về cá nhân ông khi không sớm thông tin và lẽ ra SCIC phải giải trình tới bạn đọc, công luận sớm hơn.
Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh. Ảnh: Hồng Vĩnh |
Ba vấn đề được Bộ trưởng Vũ Văn Ninh đề cập là: phụ cấp các thành viên kiêm nhiệm HĐQT của SCIC; việc duyệt đơn giá tiền lương của đơn vị này và liên quan đến việc chi trả lương cho ban lãnh đạo Cty Cổ phần hàng không Jetstar Pacific Airlines (JPA).
Liên quan đến lương lãnh đạo SCIC, theo Bộ trưởng Ninh, số tiền 78 triệu đồng/tháng mà lãnh đạo doanh nghiệp này được nhận là thu nhập có thật nhưng chưa tính thuế và không chỉ bao gồm lương mà trong đó thực ra gồm 3 khoản tiền, đó là:
Tiền lương và cả tiền làm thêm giờ của năm 2007 được cộng dồn thanh toán vào quý 1/2008; Tiền làm thêm giờ, tiền quần áo, điện thoại, đồng phục; Tiền thưởng và cả các khoản phúc lợi không nằm trong quỹ lương (mà theo quy định của Nhà nước DN được phép hạch toán).
“Trên thực tế, nếu trừ đi các khoản thu nhập ngoài lương và sau khi trừ thuế, số tiền lương của lãnh đạo doanh nghiệp này là 36,4 triệu đồng/tháng” - Bộ trưởng Vũ Văn Ninh khẳng định.
Tuy nhiên, trên thực tế rõ ràng có một số việc, một số khoản, SCIC đã có thiếu sót. Chẳng hạn như việc chậm nộp thuế TNCN (chậm chứ không phải là trốn), việc chậm xử lý lãi thu từ số dư tiền gửi khoản tiền quản lý Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp trung ương, thưa Bộ trưởng?
Phải nói rõ là ngay khi Kiểm toán Nhà nước (KTNN) thực hiện kiểm toán, với vai trò Chủ tịch HĐQT, khi duyệt quyết toán tôi đã đề nghị bên kiểm toán kết hợp làm rõ. Đến tháng 7- 2009, SCIC đã thực hiện cắt giảm tiền thưởng từ quỹ lương. Tiền làm thêm giờ cũng cắt.
Ngay cả bản thân tôi, năm 2007 phụ cấp cho chức vụ HĐQT SCIC thực nhận là 1,4 triệu đồng/tháng, sau đó mới tăng lên hơn 2 triệu đồng/tháng, ngoài ra không có bất cứ khoản tiền nào. Câu chuyện vừa qua, qua thông tin dư luận người ta cứ nghĩ tôi nhận hai lương, ngay cả lãnh đạo cao cấp cũng hỏi tôi... - Bộ trưởng Vũ Văn Ninh. |
Ở đây, có hai khoản anh em làm có thiếu sót. Chẳng hạn biên chế mới đầu duyệt tiền lương cho 180 người nhưng trên thực tế chỉ có 130 người được chi trả lương. Thực tế, SCIC có lấy quỹ lương của 180 chia cho 130. Sau khi biết, tôi đã yêu cầu trả lại ngay.
Còn khoản tiền liên quan đến Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp (theo báo cáo là 25.755 tỷ đồng trong đó đã thực thu về quỹ 24.816 tỷ đồng; số còn phải thu tại các DN đến 31-12-2008 là 939 tỷ đồng, đoàn kiểm toán đã điều chỉnh tăng 1.006 tỷ đồng từ lãi tiền gửi ngân hàng năm 2008 của quỹ - Trích báo cáo KTNN- PV), thì từ 11- 8 -2008 đã thực hiện việc giao SCIC giữ quỹ, còn chi như thế nào là theo quy định của Chính phủ. Trong lúc chờ sử dụng, SCIC đã gửi tiền ở ngân hàng.
Về khoản tiền lãi nảy sinh, SCIC cũng có văn bản xin ý kiến Bộ Tài chính xử lý thế nào. Ngày 4-5-2008, Bộ Tài chính đã trả lời: SCIC không được coi đó là lãi kinh doanh mà phải nhập toàn bộ lãi vào Quỹ nói trên. Trong quá trình này, khi SCIC chưa thực hiện chỉ đạo của bộ và còn treo khoản tiền lãi đó thì KTNN kiểm tra thấy nên đặt vấn đề về số tiền này.
Về khoản tiền thuế TNCN hàng tháng SCIC cứ tính nộp trước bình quân tổng cộng là 1,8 tỷ đồng. Nhưng do có 40 cán bộ ở nơi khác chuyển về nên chưa kịp tính thuế dẫn đến còn nộp chậm 0,9 tỷ đồng, chứ không phải là không nộp.
Về việc chi trả lương cho ban lãnh đạo Cty Cổ phần hàng không Jetstar Pacific Airlines (JPA), Bộ trưởng có thể giải đáp cho công luận thắc mắc, tại sao thua lỗ, mà lãnh đạo JPA vẫn hưởng lương cao?
Lúc tôi mới về nhận chức tại Bộ đã giao cho SCIC việc tái cơ cấu doanh nghiệp này, trong đó có một điểm là tìm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài... Khi xây dựng bảng lương, HĐQT đã thuê tư vấn nước ngoài. Đây là mức lương tương ứng trong khu vực, và bảng lương xây dựng trên nguyên tắc phải có lãi.
Tuy nhiên,doanh nghiệp này lỗ. Trước thực tế này, tôi đã lệnh cho SCIC cắt giảm chi phí, bớt tiền lương của JPA. Với tư cách Chủ tịch HĐQT của SCIC, tôi đã mời Tổng Giám đốc Jetstar từ Australia sang làm việc và yêu cầu cắt giảm nhân sự, điều chỉnh tiền lương (chi tiết tại hộp thông tin kèm bài).
Theo Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, cũng cần ghi nhận quá trình hoạt động của SCIC. Cụ thể, sau 3 năm, SCIC đã nhận về gần 900 DN nằm rải rác ở các địa phương trong đó có tới 87% DN có số vốn dưới 10 tỷ đồng với nhiều DN nợ nần, lỗ... xác định Nhà nước phải bán hết phần vốn đại diện (chiếm khoảng 3% tổng vốn Nhà nước).
Trong thời gian này, SCIC đã bán được 202 DN với mức giá bình quân đạt 3,32 lần so với giá vốn. Vốn điều lệ tăng 36%, tỷ suất lợi nhuận tăng 1,7%. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán năm 2008 suy giảm, SCIC vẫn bán và thu về được số tiền gấp 1,7 lần mệnh giá.
SCIC đã giải quyết những tồn tại Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Ngày 14- 12, SCIC đã có công văn số 2940 ĐTKDV-VPĐH về việc thông tin báo chí liên quan đến kết quả kiểm toán của KTNN tại SCIC do Phó Tổng giám đốc Hoàng Nguyên Học ký. Theo đó, SCIC công nhận qua báo cáo của KTNN đang có 3 vấn đề tồn tại như: Tổng Cty chưa cung cấp đầy đủ và phân tích cụ thể số liệu và tình hình cho Đoàn Kiểm toán Nhà nước dẫn đến không phân định rõ thu nhập để tính thuế TNCN với tiền lương thuộc Quỹ lương năm 2008; Tổng Cty chưa kịp thời báo cáo Liên Bộ Tài chính - LĐ-TB&XH khi lao động thực tế thấp hơn kế hoạch trên 5% để điều chỉnh quỹ lương theo quy định. SCIC cũng khẳng định sau khi KTNN có ý kiến, Tổng Cty đã điều chỉnh giảm quỹ lương năm 2008 là 3,8 tỷ đồng theo đúng kết luận của KTNN; Tổng Cty đã chi trả tiền lương làm thêm giờ một số trường hợp vượt 200 giờ/năm. Liên quan đến Jetstar, SCIC cho biết: Đến nay, Cty đã giảm số cán bộ quản lý chủ chốt người nước ngoài (từ 12 người xuống còn 5 người và sẽ tiếp tục cắt giảm thêm trong thời gian tới đàm phán để cắt giảm 25%-50% thu nhập của lao động nước ngoài và, yêu cầu đối tác nước ngoài (Qantas) hỗ trợ chia sẻ chi phí tiền lương trả cho các vị trí do đối tác nước ngoài giới thiệu sang làm việc tại Việt Nam. Cty cũng đã thực hiện và tiếp tục cắt giảm lương của cán bộ chủ chốt người Việt Nam (với mức giảm ít nhất 25% đối với các vị trí tổng giám đốc, kế toán trưởng, giám đốc thương mại); cắt giảm khoảng 100 biên chế lao động... Theo tính toán, các biện pháp trên giúp JPA tiết kiệm ngay 1,5 triệu USD trong năm 2009. |
(Theo Khánh Huyền // Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com