Trong 20 năm hoạt động tại Việt Nam, công ty Vedan làm từ thiện không ít và cũng thành công tại thị trường này với việc hàng hoá có mặt ở khắp nơi. Tuy nhiên, việc bị phát hiện xả thải ra sông Thị Vải (Đồng Nai) đã khiến hình ảnh công ty xấu đi và dẫn đến việc sản phẩm Vedan bị người tiêu dùng tẩy chay.
Trường hợp của Vedan được một số diễn giả tại hội thảo về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) tổ chức tại TPHCM hôm 8-9 đưa ra như một ví dụ cho thấy, để tạo hình ảnh doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội, làm từ thiện là đáng khuyến khích, nhưng chưa đủ mà phải gắn với nhiều yếu tố khác, như môi trường, xã hội, chất lượng sản phẩm,...
Theo ông Phạm Nguyên Vinh, giám đốc quan hệ đối ngoại của công ty quản lý quỹ Dragon Capital và cũng phụ trách CSR tại công ty này, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang hiểu CSR là làm từ thiện, nhưng doanh nghiệp nước ngoài lại xem CSR là làm sao giảm thiểu chất thải, không gây ô nhiễm nguồn nước,…
Ông Vinh cho rằng, nếu chỉ làm từ thiện, thì việc này sẽ không bền vững vì khi công ty kinh doanh không có lãi thì sẽ không có tiền để đổ vào việc làm từ thiện. Do đó, chương trình CSR của doanh nghiệp nên tập trung vào ngành nghề của công ty. Chẳng hạn như, nếu là công ty ô tô có lợi thế về công nghệ, có thể tập trung cải tiến chất lượng sản phẩm làm sao để tiết kiệm nhiên liệu.
“Ngoài ra, phải tập hợp ban lãnh đạo để xem tầm nhìn của công ty, xem công ty có sẵn hàng hy sinh những lợi ích ngắn hạn để có những chuyển đổi và thay đổi trong chất lượng sản phẩm”.
Đồng tình với quan điểm của ông Vinh, giáo sư Hà Tôn Vinh, vốn đang cùng với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện dự án đưa chương trình CSR vào đại học, cho biết, CSR ban đầu là công cụ nhưng sau đó nên đưa vào chiến lược cạnh tranh và xây dựng hình ảnh công ty.
Giáo sư Wayne Visser, giám đốc điều hành của công ty tư vấn CSR Intl tại Anh, cho biết, hiện có nhiều quan niệm khác nhau về CSR và thay đổi qua mỗi thời kỳ. Tuy nhiên, ông cho rằng để làm CSR, doanh nghiệp trước hết phải có đóng góp về kinh tế, tức tạo công ăn việc làm, đào tạo nhân lực, đóng thuế. Tiếp đến, doanh nghiệp phải có lòng nhân ái, chẳng hạn như làm từ thiện, xây dựng các công trình từ thiện, hay có cách ứng xử tốt với người lao động trong công ty. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải cư xử đạo đức, như chất lượng của sản phẩm, và tuân theo pháp luật.
Một số khảo sát trên thế giới cho thấy người tiêu dùng muốn các công ty không chỉ dừng lại ở vai trò truyền thống như tạo lợi nhuận, đóng thuế, và tuân thủ pháp luật, mà muốn các công ty đóng góp cho những mục tiêu xã hội rộng hơn. Bên cạnh đó, người tiêu dùng xem việc mua của mình như một sức mạnh để đánh giá CSR của công ty, như tẩy chay sản phẩm của các công ty không có CSR.
Nhìn nhận của ở một số nước về điều quan trọng nhất trong CSR của doanh nghiệp: Mỹ, Canada, Brazil: tham gia vào cộng đồng. Úc, Anh, và nhiều nước châu Âu: bảo vệ môi trường. Mexico và Trung Quốc: chất lượng và sự an toàn của sản phẩm. (Nguồn: GlobalScan, 2007). |
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com