Tháng 5-2008, hãng hàng không Pacific Airlines (PA) chính thức đổi tên thành Jetstar Pacific Airlines (JPA). Lần đầu tiên, VN chính thức có hãng hàng không giá rẻ (trước đó, PA mới hoạt động thử nghiệm theo mô hình này); và cũng lần đầu tiên, một doanh nghiệp hàng không VN mua thương hiệu mạnh của nước ngoài để có thể tạo chỗ đứng trên thị trường bằng con đường nhanh nhất.
Ông Lương Hoài Nam trên một chuyến bay của Pacific Airlines. Ảnh: T.HÒA
Gập ghềnh “đường tắt”
Một chuyên gia trước đây là lãnh đạo của Cục Hàng không VN, hiện đang giữ vị trí quan trọng trong ban điều hành của hãng hàng không tư nhân VietJet Air, kể: Khi thấy ông Lương Hoài Nam thuyết phục được các cổ đông mạnh dạn tìm hướng đi mới, những người đứng đầu VietJet Air cũng cho rằng đây là một cách làm hay, rất có thể VietJet Air cũng đi theo cách này.
Bởi khi đó, PA là một thương hiệu đã ít nhiều có tên tuổi ở VN, được xây dựng 10 năm, đã mở được đường bay ra bên ngoài (đến Đài Loan) mà còn không đủ tự tin để trở thành một thương hiệu mạnh. Muốn thành hãng hàng không lớn, “khoác áo hàng hiệu” là cách làm mà ban lãnh đạo JPA tính rằng là “đường tắt” nhanh và hiệu quả.
Nhưng sự thua lỗ của JPA cùng với những rắc rối về pháp lý trong vấn đề sử dụng thương hiệu đi mua của JPA sau này đã khiến VietJet Air nhận thấy rằng con “đường tắt” này hóa ra đầy rẫy gập ghềnh, khúc khuỷu.
Đưa ra phương án kinh doanh bằng thương hiệu mạnh của bên ngoài lúc đầu được ban lãnh đạo JPA cho rằng khả thi, có thể đưa JPA thành hãng hàng không lớn thứ hai của VN và kinh doanh có lãi. Nhưng lãnh đạo JPA mới tính về phần mình mà không tính tới các quy định đang có hiệu lực.
Thế nên phương án mà ông Nam cùng ban lãnh đạo JPA đưa ra sớm đi vào bế tắc khi cơ quan quản lý là Bộ GTVT “thổi còi”, không cho JPA được “bê” nguyên thương hiệu Jetstar mua của hãng hàng không Úc Jetstar Airways để quảng cáo, bán sản phẩm ở thị trường VN vì phạm luật.
Hiện nay, JPA đang phải lo xây dựng lại thương hiệu mới và đàm phán với đối tác về hợp đồng. Tính đến giữa năm ngoái, cổ đông nước ngoài Qantas đã giải ngân vốn đầu tư vào JPA để nắm 27% cổ phần (mức tối đa Qantas được nắm giữ là 30%).
Tính toán một chiều
Ở VN, JPA có cơ hội để trở thành hãng hàng không lớn thứ hai, sau hãng hàng không quốc gia và là hãng hàng không cổ phần lớn nhất của cả nước. Trong chiến lược phát triển, ban lãnh đạo của JPA cũng xác định JPA phải chiếm lĩnh được vị trí này. Trong thực tế, chính JPA là nhân tố tạo nên tính cạnh tranh của thị trường hàng không VN khiến thị trường được mở rộng.
Từ chỗ đi máy bay là phương tiện xa xỉ, nhiều người dân có thu nhập trung bình cũng đã có thể bước lên máy bay. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của JPA trong thời gian ông Nam làm tổng giám đốc đã không như những tính toán trên bàn. Chính phủ đã hai lần tái cơ cấu nhưng hoạt động của JPA vẫn chưa thực sự hiệu quả.
Hiện tượng thua lỗ ở JPA đã khiến dư luận, báo chí cách đây một năm phải đặt câu hỏi liệu có phải Qantas “ép lỗ” để gây sức ép tăng tỉ lệ sở hữu vốn điều lệ trong JPA lên 49% nhằm mục đích thôn tính JPA?
Sau khi giải ngân, nhân sự của Qantas đưa vào vượt tỉ lệ cho phép đối với người nước ngoài là không quá 1/3 bộ máy lãnh đạo. Có thể vì thế, việc kiểm soát của bộ máy lãnh đạo người Việt ở JPA không thực sự hữu hiệu.
Bên cạnh vấn đề chủ quan của những người trực tiếp quản lý còn có nguyên nhân từ cơ chế, chính sách và môi trường kinh doanh. Vấn đề quá tải hạ tầng, thiếu nhân lực, quản lý giá không linh hoạt (trần giá vé máy bay nhiều năm chậm điều chỉnh và chưa được gỡ bỏ)... đã được các hãng hàng không nhiều lần đề cập, như là những rào cản khiến thị trường khó phát triển nhưng chậm được tháo gỡ.
Một chuyên gia từng sát cánh bên ông Lương Hoài Nam nhận xét trong bối cảnh như vậy, người đứng đầu JPA - nguyên tổng giám đốc Lương Hoài Nam đã có lúc được dư luận biết đến như là người có năng lực đã gặp phải rất nhiều lúng túng - không khác gì Đông Kisốt chiến đấu với những chiếc cối xay gió.
Xử lý hàng loạt cá nhân sai phạm tại JPA Ông Lại Xuân Thanh cho biết từ kết luận này, thanh tra hàng không sẽ xem xét xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính, cố tình che giấu, bất hợp tác với đoàn thanh tra... |
(Theo Phương Anh – Hiền Lương/nld)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com