Cộng đồng doanh nhân Việt Nam đã có thêm nhiều triệu phú đô la Ảnh: Đức Thanh |
Ước vọng thành danh trên trường quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam đang dần thế chỗ cho ước vọng làm giàu được nhắc tới nhiều năm trước.
Giàu nhưng chưa mạnh
Đặt cùng một câu hỏi: “Doanh nhân Việt Nam giàu hay mạnh?”, ngay bản thân các doanh nhân lớn cũng chần chừ lựa chọn đáp án cho chính mình.
Cách đây 5 năm, việc sở hữu máy bay riêng hình như chưa từng được nhắc tới. Việc xếp hạng những người giàu nhất Việt Nam khi đó cũng khá nhạy cảm và dè dặt. Còn nhớ, khi một vài bài báo nhắc đến tên những người được cho là giàu nhất, đã có những phản ứng cho rằng, không nên đưa tài sản của cá nhân lên mặt báo, cho dù những gì mà báo giới nhắc tới cũng chỉ là một phần bề nổi trong hoạt động kinh doanh của các doanh nhân đó.
Mọi việc giờ đã khác. Hình ảnh những doanh nhân thành đạt thường gắn với những con số khổng lồ về quy mô tài sản, quy mô dự án, kế hoạch kinh doanh - đầu tư. Thậm chí, việc bổ sung tài sản lớn vào sở hữu của một số doanh nhân cũng là một cách để quảng bá thương hiệu doanh nghiệp lớn.
Nhiều chuyên gia kinh tế thừa nhận, giai đoạn 5 năm vừa qua, đặc biệt là trong những năm 2005-2007, với sự bùng nổ của thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, cộng đồng doanh nhân Việt Nam có thêm nhiều triệu phú đô la. Quy mô vốn các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân, lớn lên nhanh chóng.
Theo tính toán của nhóm nghiên cứu xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam hàng năm, số doanh nghiệp tư nhân xuất hiện ngày càng nhiều. Năm 2008, số doanh nghiệp tư nhân chiếm 24% trong danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Năm 2009, tỷ lệ này đã tăng lên mức 30%.
Trước đó, vào năm 2007, khi Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) lần đầu công bố danh sách 200 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, số doanh nghiệp tư nhân có tên chỉ là 17 doanh nghiệp, nhưng phần lớn là doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hoá. Tuy nhiên, phải đợi đến năm 2010, Vinamilk lần đầu tiên có mặt trong danh sách 200 doanh nghiệp nhỏ và vừa tiêu biểu của châu Á có mức doanh thu dưới 1 tỷ USD do Tạp chí Forbes bình chọn. Còn đa phần các thương hiệu lớn của Việt Nam vẫn dừng lại bên trong biên giới.
Tập đoàn kinh tế tư nhân: không chỉ là tên gọi
Sau khi Luật Doanh nghiệp năm 2005 ra đời, cùng với sự phát triển nhanh của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân được đặt nền móng từ Luật Doanh nghiệp 1999, tập đoàn tư nhân xuất hiện như những dấu ấn mới trong đời sống kinh tế Việt Nam.
Khi đó, những tên tuổi như FPT, Tập đoàn Hipt, Tập đoàn Việt Á, Tập đoàn Mai Linh, Tập đoàn Hoà Phát… đã bước vào thị trường một cách thuyết phục và ấn tượng. Thị trường chấp nhận họ nhanh chóng, bởi sự tăng trưởng và sức lan toả mạnh của chính thương hiệu, của doanh nghiệp đó.
Tuy nhiên, câu chuyện tập đoàn kinh tế tư nhân trở nên phức tạp hơn khi vào thời điểm năm 2007, tên gọi này xuất hiện như một trào lưu. Không ít doanh nghiệp lần đầu tiên thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh cũng khoác cái mũ “tập đoàn” lên mình như một cách đi tắt để làm thương hiệu. Không những thế, năng lực quản trị và điều hành của nhiều lãnh đạo tập đoàn mới nổi là dấu hỏi lớn.
Cách đi vội vã theo kiểu tự phong này của không ít doanh nghiệp đã làm tổn hại đến hình ảnh của tập đoàn kinh tế tư nhân được hình thành từ quá trình phát triển, tích tụ và phân chia của các thương hiệu lớn một cách thực chất. Một lần nữa, sự giàu có và lớn mạnh của các doanh nhân Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam được nhìn nhận tách bạch và dường như thiếu sự đồng hành.
Ước vọng lớn lên
Có thể nói là không bình thường khi ngay cả vị Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT (mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân được cho là mẫu mực của Việt Nam trong quá trình phát triển, tích tụ và mở rộng), ông Trương Gia Bình cho rằng, không biết sẽ “lớn” lên thế nào trong nỗ lực trở thành các tên tuổi ngang ngửa với các doanh nghiệp lớn của khu vực và thế giới. Sau nhiều năm phát triển, hình ảnh những củ khoai tây lăn lóc riêng lẻ vẫn được sử dụng để ví von cho sự liên kết của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam
“FPT được coi là lớn ở trong nước so với đa phần các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa của Việt Nam, song chưa thể gọi là lớn so với tiêu chuẩn thế giới. Để lớn lên, chúng tôi cần rất nhiều nỗ lực bên trong và sự ủng hộ của Chính phủ để đi nhanh hơn”, ông Bình nói và kỳ vọng về những bước phát triển đột phá của các tập đoàn kinh tế tư nhân Việt Nam trong vòng 5 năm tới, gắn với kế hoạch phát triển kinh tế mạnh mẽ của Chính phủ.
ứơc vọng thành danh trên trường quốc tế đang dần thế chỗ cho ước vọng làm giàu được nhắc tới nhiều năm trước. Ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trung Nguyên thậm chí còn đặt kỳ vọng xây dựng thương hiệu doanh nghiệp tầm quốc gia, quốc tế như một nguồn tài nguyên của quốc gia.
Tất nhiên, ngay bản thân ông Vũ cũng phải nhấn mạnh, nếu các thương hiệu Việt Nam không chiếm lĩnh thị trường nội địa, không thành công trên sân nhà, thì không thể vươn ra quốc tế. “Mở cửa và cạnh tranh hiện tại, dù ở sân nhà, cũng đều có tính chất toàn cầu, nên năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam phải bắt đầu từ sân nhà”, ông Vũ khẳng định.
Ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng bình luận, những thành công trên sân nhà, chiến lược tích tụ tốt sẽ làm bệ phóng vững vàng cho các doanh nghiệp tư nhân theo hướng tích tụ, tái đầu tư. “Tập đoàn kinh tế tư nhân là sự vận động lớn lên theo quy luật của doanh nghiệp. Bàn tay của Nhà nước là môi trường kinh doanh thuận lợi cho sự lớn lên nhanh và bền vững của các doanh nghiệp”, ông Cung nói.
(Theo Bảo Duy // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com