Mặc dù nhiều DN đã áp dụng giải pháp kiểm tra khắt khe hồ sơ khi tuyển dụng tài xế và buộc tài xế phải ký quỹ 5 - 10 triệu đồng (trừ dần vào lương) khi nhận việc. Thế nhưng vấn nạn trộm cắp vẫn diễn ra hàng ngày hàng giờ trên những cung đường. Làm gì để chặn đứng vấn nạn trộm cắp đang là câu hỏi lớn đặt ra với hầu hết DN vận tải.
Từ câu chuyện mất rơmooc, mất hàng
Trước đây, các DN vận tải hàng hóa thường không quản lý được lượng nhiên liệu, nhưng từ khi nhiều DN áp dụng khoán định mức thì việc mất dầu ít xảy ra. Các Cty thường giới hạn định mức khoảng 40 lít/ 100km. Nếu tài xế biết tiết kiệm, lượng dầu dư ra được DN thu mua lại theo giá thị trường. Vì thế, tài xế ít có tư tưởng “bòn rút” bình dầu theo mỗi chuyến hàng.
Nếu như từ khi khoán định mức mỗi chuyến, việc ăn cắp dầu ít diễn ra thì thời gian gần đây, tại một số DN lại nổi lên nạn ăn cắp rơmooc xe container. Nhiều DN có số lượng đầu xe kéo nhiều với hàng ngàn rơmooc thì việc quản lý gặp rất nhiều khó khăn. Chính việc mỗi xe có tới vài chiếc rơmooc nên rất khó quản lý. Mỗi chiếc rơmooc trị giá khoảng 300- 400 triệu đồng, nhưng chỉ cần bán ra khoảng vài chục triệu đồng đã là “nguồn lợi” rất hấp hẫn với kẻ làm ăn bất chính.
Nạn rút ruột container, chiêu thức còn tinh vi hơn. Sau khi nhận hàng, tài xế thường cho xe chạy vào một nơi nào đó dùng kìm cộng lực và đồ nghề phá những chốt cửa ở 2 bên thùng container để mở lấy hàng mà niêm chì (seal) vẫn còn nguyên vẹn. Sau khi lấy hàng xong, những chốt cửa này sẽ được thay mới và dùng loại sơn cùng màu với thùng container sơn lại để ngụy trang. Với chiêu thức này, tài xế thường dễ qua mặt chủ hàng vì nếu không để ý kỹ, chủ hàng khó mà phát hiện. Theo lời kể của một tài xế, ở một số vựa thu mua phế liệu trên địa bàn thành phố có cả khu vực dành riêng cho container chui vào “làm hàng”. Khi xe đã vào trong đó thì chỉ có tài xế và chủ vựa thu mua biết họ sẽ làm gì với lô hàng.
Một chủ DN cho biết, trước đây Cty thỉnh thoảng lại bị mất hàng trong container một cách khó hiểu dù niêm chì vẫn còn. Sau này điều tra mới biết các bản lề hai bên hông cửa bị cạy. Cty đã sử dụng biện pháp thuê người giám sát nhưng cũng không có hiệu quả vì chỉ cần mỗi lần họ phát hiện, lập biên bản và báo về Cty là y như rằng ngày hôm đó họ bị “đánh dằn mặt”...
Đến những bài học kinh nghiệm
Giải pháp đầu tiên là các DN vận tải cùng nhau đoàn kết lại, nói không với việc thu mua rơmooc giá rẻ của kẻ gian. |
Để quản lý tốt đội xe, nhiều DN đã cho gắn thiết bị định vị (hộp đen) cho tất cả các xe. Chi phí cho thiết bị này khoảng 5 triệu đồng/ 1 hộp đen/ 1xe, chưa kể cước phí kết nối gần 200.000 đồng/ thiết bị/ tháng. Nhờ có thiết bị này mà chỉ cần ngồi ở nhà, DN cũng có thể theo dõi được những chuyến hàng nên đảm bảo được sự an toàn cho lô hàng và thời gian giao hàng đúng tiến độ. Tuy nhiên, dù gắn thiết bị định vị nhưng kẻ xấu vẫn có nhiều chiêu làm nhiễu sóng hoặc không liên lạc được. Khi xảy ra “sóng yếu” thì đầu xe đó luôn luôn “có vấn đề”. Đó cũng là một cách để DN phát hiện ra “kẻ gian”. Vì thế, dù kẻ gian có nhiều “mánh khóe”, nhưng gắn thiết bị định vị vẫn giúp DN quản lý được đội ngũ tài xế, quản lý được tài sản.
Theo kinh nghiệm của nhiều DN, để đối phó với nạn rút ruột hàng hóa, các Cty phải tự hàn lại bản lề cửa mỗi thùng container và đánh dấu bằng ký hiệu riêng, nhất là với xe tải việc hàn lại hông cửa càng phải kỹ lưỡng. Sau mỗi chuyến hàng về, người giám sát chỉ cần kiểm tra xem cửa có còn nguyên vẹn không, nếu có dấu vết mới, phải mời tài xế làm việc ngay.
Tuy nhiên, để giải quyết được vấn nạn này từ gốc, giải pháp đầu tiên là các DN vận tải cùng nhau đoàn kết lại, nói không với việc thu mua rơmooc giá rẻ của kẻ gian thì vấn nạn này sẽ tự nhiên giảm đi bởi kẻ gian sẽ không có “đầu ra”. Bởi một thực tế hiện nay là đa số những nơi thu mua lại các thiết bị ăn trộm là những DN vận tải bằng container, nên những rơ mooc bị mất cứ lẩn quẩn từ DN này sang DN khác.
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com