Để tháo gỡ khó khăn trong việc giải ngân nguồn vốn tín dụng nhà nước, lãnh đạo VDB và VRG vừa tổ chức buổi làm việc vào sáng nay.
Theo những cam kết của lãnh đạo 2 đơn vị này tại buổi làm việc thì riêng lĩnh vực trồng cao su, tất cả những vướng mắc về mặt thủ tục pháp lý (thuê đất, lập dự án đầu tư…) 2 bên sẽ kiến nghị các bộ, ngành tháo gỡ; những vướng mắc của do các quy định về thủ tục của 2 bên thì 2 bên sẽ chủ động tháo gỡ, thậm chí những thủ tục nào VRG chưa hoàn thiện, VDB sẵn sàng cho “nợ” để tiến hành giải ngân kịp thời, thủ tục còn thiếu, thủ tục chưa đầy đủ sẽ hoàn thiện sau.
“Chúng tôi sẽ có công văn đôn đốc các chi nhánh VDB trên toàn quốc đẩy nhanh công tác thẩm định dự án; phối hợp chặt với các thành viên của Tập đoàn tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, nhất là khâu lập thủ tục đầu tư vì hiện tại khâu này vẫn còn quá nhiêu khê với mục tiêu đặt ra là ngay trong quý 4 này VDB có thể giải ngân nguồn vốn để VRG triển khai một số dự án trồng cao su tại Campuchia và sau 2 năm nữa, tất cả các dự án đã được Chính phủ Hoàng gia Campuchia cho thuê đất để trồng cao su, VGR sẽ “phủ kín” toàn bộ diện tích”, ông Dũng tuyên bố.
Không chỉ bảo đảm đủ vốn VGR trong việc đầu tư ra nước ngoài, trong buổi làm việc sáng nay, VDB còn cam kết ân hạn lãi tiền vay đối với dự án đầu tư ra nước ngoài cho VRG đến khi dự án của VGR có thu nhập (cây cao su bắt đầu cho khai thác mủ) với mục tiêu đặt ra là hỗ trợ tối đa VRG đầu tư ra nước ngoài.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng thành viên VRG, ông Lê Quang Thung cho biết, ngoài các dự án trồng cao su ở Lào đã triển khai, dự án trồng cao su ở Campuchia đang triển khai, VRG đang nghiên cứu để chuẩn bị đầu tư trồng, chế biến cao su tại Mozmbique, Myanmar và Angola.
“Chúng ta đang đứng trước cơ hội đầu tư vào những quốc gia này, nếu chúng ta không “nhanh chân” thì hàng loạt quốc gia khác cũng đang có ý định “nhảy vào”, đặc biệt là Trung Quốc - nước có thế mạnh và kinh nghiệm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại những quốc gia đang phát triển ở châu Phi, Lào, Campuchia và Myanmar”, ông Thung nhấn mạnh và kêu gọi Chính phủ tiếp tục ủng hộ VRG thông qua nguồn vốn tín dụng nhà nước từ VDB.
Hiện VRG đang quản lý 300.000 hecta cao su, theo kế hoạch, trong vòng 5 năm nữa, Tập đoàn sẽ trồng mới thêm ít nhất 200.000 hecta nữa (chủ yếu thuê đất trồng mới ở nước ngoài) với số vốn đầu tư lên tới 600 triệu USD.
Tuy nhiên, theo tính toán của VRG thì với giá cổ phiếu như hiện nay, thực hiện cổ phần hoá các DN thành viên và tiền thu về từ việc xuất khẩu sản phẩm cao su thì Tập đoàn cũng chỉ có thể bảo đảm được 50% số vốn.
“Số vốn còn lại chúng tôi trông chờ vào nguồn vay của VDB, bởi trồng và phát triển cây cao su là một trong những chủ trương lớn của Chính phủ nhằm phát triển một ngành công nghiệp xuất khẩu có thể mạnh, tạo công ăn việc làm lâu dài cho người lao động, góp phần xoá đói - giảm nghèo…”, ông Thung đặt vấn đề.
Theo ông Thung, VRG mặc dù được VDB ưu ái nhưng Tập đoàn bảo đảm khả năng tài chính để trả nợ. “Trong những năm vừa qua, ngành công nghiệp cao su tăng trưởng bình quân 20-25%/năm nhưng hoàn toàn không tăng trưởng nóng như những lĩnh vực khác. Với giá cao su xuất khẩu như hiện nay, năm 2010, VRG nhiều khả năng thu về khoảng 1 tỷ USD từ xuất khẩu cao su, còn toàn ngành chắc chắn sẽ thu về khoảng 2,2 tỷ đến 2,3 tỷ USD nhờ xuất khẩu sản phẩm cao su”, ông Thung cho biết.
Trong khi đó, Tổng giám đốc VRG, ông Trần Ngọc Thuận cho biết, việc đầu tư trồng cây cao su tại Campuchia có hiệu quả khá cao. “Giá thuê đất tại Capuchia rẻ hơn giá thuê đất tại Lào và rẻ hơn giá giá giao đất tại Việt Nam, thời gian thuê cũng dài hơn (70 năm so với 50 năm thuê của Lào). Ngoài ra, chính quyền các địa phương nơi VRG lập dự án cam kết tạo điều kiện tối đa cho VRG trồng, chế biến cao su”, ông Thuận cho biết thêm.
Theo số liệu của VDB, tính đến hết tháng 9.2010, hệ thống VDB đã cho các đơn vị thành viên thuộc VRG vay vốn thực hiện 18 dự án với tổng số vốn lên tới 1.800 tỷ đồng; hỗ trợ lãi suất sau đầu tư 5 dự án với tổng số tiền cam kết là 180 tỷ đồng. Ngoài ra, VDB đã thực hiện cho Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng (thành viên của VRG) vay lại vốn ODA để đầu tư dự án sản xuất săm lốp cỡ lớn và chuyên dùng với số vốn gần 100 triệu Rupi của Chính phủ Ấn Độ.
(Theo Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com