Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vì sao nhiều doanh nghiệp “bất mãn” với ngân hàng?

picture
Một khu nhà xưởng bị bỏ trống. Liệu có bao nhiêu doanh nghiệp đã "chết oan" vì ngân hàng?

Sự “bất mãn” không chỉ ở cách hành xử của một số ngân hàng cụ thể mà còn ở cả cung cách quản lý của Ngân hàng Nhà nước.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Công ty Cổ phần Bình Vinh (Đà Nẵng) Phạm Bắc Bình nói rằng, năm 2011 doanh nghiệp này "tý nữa chết oan" vì ngân hàng.

Chuyện là, Bình Vinh đang hợp tác rất tốt đẹp với một ngân hàng, nhưng với lý do đang khó khăn, "thanh khoản kém", nên ngân hàng đã không tiếp tục giải ngân, chỉ thu lại nợ đến hạn, chính điều này đã rút về hơn một nửa số vốn lưu động đang hoạt động của công ty, trong khi tài sản bảo đảm vẫn còn dư 50% so với hạn mức tín dụng.
 
"Lúc đó, chúng tôi vẫn là khách hàng VIP của họ, chưa bao giờ trả chậm một đồng nào, vì xác định ngân hàng là cổ đông chiến lược nên mọi thông tin về tài chính công ty đều minh bạch, sổ sách rõ ràng", ông Bình khẳng định.

Nhờ uy tín với các đối tác, được sự đồng cảm và chia sẻ của họ, bằng cách thanh toán nợ nhanh trong lúc khó khăn này  nên ông Bình cũng qua được cái đận đầy cam go ấy, trả hết nợ, lấy hết tài sản thế chấp chuyển qua ngân hàng khác, 300 lao động không những không "đứt gánh" giữa đường mà Bình Vinh vẫn phát triển với doanh thu tăng gấp đôi.

Nhưng sự “bất mãn” của Giám đốc Bình chẳng phải chỉ bắt đầu từ câu chuyện cụ thể đó. Với 16 năm trải nghiệm trên thương trường và luôn có sự gắn bó mật thiết với hệ thống nhà băng, ông Bình có đủ cả quan sát, nếm trải và so sánh để vững tin mà nhận xét rằng, chẳng bao giờ có chuyện ngân hàng bình đẳng với doanh nghiệp.

Bởi, hợp đồng cho vay vốn luôn cho phép ngân hàng có quyền không giải ngân cho doanh nghiệp, vì tình hình tài chính của chính họ. Nếu khách hàng thắc mắc thì sẽ được "động viên" là đây là mẫu chung, đã được duyệt rồi, anh cứ tin tưởng ký đi, lúc nào chúng tôi cũng có đủ tiền cho anh vay, cứ yên tâm. Hoặc tất cả các tài sản thế chấp đều được “đóng khung, bảo lãnh” cho tất cả các khoản vay, nên cho dù doanh nghiệp muốn rút bớt một tài sản nào đó để chuyển qua ngân hàng khác khác có chính sách ưu đãi hơn cũng không được. Mặc dù biết rằng hợp đồng giữa ngân hàng và doanh nghiệp là thỏa thuận, nhưng trong thời buổi kinh tế hiện nay, thử hỏi có bao nhiêu phần trăm doanh nghiệp hoạt động mà không vay vốn ngân hàng?

Thế nên, chính quy định đó đã cứu ngân hàng khi có sự cố khiến họ không thực hiện được cam kết. Khách hàng biết thế nhưng đâu thể có sự lựa chọn khác, đành chấp nhận thái độ kiểu "tôi quy định thế, anh vay thì vay không thì thôi". Và dường như Ngân hàng Nhà nước cũng chưa để tâm đến sự bất bình đẳng này, theo nhận xét của ông Bình.

Tuy nhiên, bức xúc với sự bất cập trong vận hành của hệ thống ngân hàng của vị doanh nhân này còn đến từ không ít điều vô lý khác.

"Nhiều ngân hàng có lãi suất rất cao đến hai mấy phần trăm, nhưng nếu doanh nghiệp thu xếp đuợc tiền để trả, tìm đến những ngân hàng khác có mức lãi thấp hơn, thì thường bị phạt vì trả nợ trước hạn, số tiền này không nhỏ. Điều đó rất vô lý, quá bất công với doanh nghiệp", ông Bình nhìn nhận.

Việc doanh nghiệp bị xử ép, theo phân tích của ông Bình còn ở chỗ, theo quy định mới của Ngân hàng Nhà nước thì bất kỳ một món nợ xấu nào đấy mà doanh nghiệp trả không xong tại một ngân hàng, thì tất cả các món nợ còn lại của doanh nghiệp trên hệ thống đều quy là xấu, nên doanh nghiệp sẽ rất khó khi tiếp cận với các khoản vay mới.

Như vậy,  nếu doanh nghiệp trả nợ không đúng hạn (kể cả trước hạn) thì bị phạt, thông tin cũng bị đưa lên hệ thống còn ngân hàng không thực hiện đúng cam kết thì không hề có vấn đề gì. Doanh nghiệp muốn chuyển tài sản qua ngân hàng khác thì phải trả hết nợ, trong khi Ngân hàng Nhà nước lại không cho mua bán nợ để bảo vệ các ngân hàng. Nên, "bất mãn lớn trong cộng đồng doanh nghiệp là ngân hàng chỉ bảo vệ ngân hàng chứ không bảo vệ doanh nghiệp", ông Bình nói. Doanh nghiệp thì bình đẳng cạnh tranh, còn ngân hàng thì được bảo vệ trong hệ thống.

Vậy nên, theo vị doanh nhân này, nếu doanh nghiệp mạnh lỡ làm ăn với ngân hàng yếu kém, tới khi họ không cho vay theo đúng cam kết thì sẽ phải trả giá rất đắt, thực tế là nhiều doanh nghiệp đã lâm vào cảnh đó. Và trong khi thông tin về hoạt động của từng ngân hàng còn quá mù mờ, thì nếu nói như một số ý kiến là doanh nghiệp "chết" do dựa quá nhiều vào ngân hàng là rất thiếu trách nhiệm.

"Bất ổn lớn nhất của kinh tế vĩ mô vẫn đang nằm ở hệ thống ngân hàng, cần phải có những chấn chỉnh kịp thời để hướng dòng tiền vào lĩnh vực kinh doanh sản xuất, tạo ra của cải vật chất cho xã hội, và kích cầu được thị trường tiêu thụ”, ông Bình nói.

Ghi nhận của VnEconomy tại nhiều doanh nghiệp khác cũng cho thấy sự không ổn trong điều hành lãi suất còn nằm ở khoảng cách 6%, giữa lãi suất tiền gửi 9%/năm và định hướng lãi suất cho vay 15%/năm hiện nay.

Vì sao ngân hàng để khoảng cách rộng như thế? Đặt ra câu hỏi này và trả lời luôn, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH Vietin (Đà Nẵng) Trương Phước Ánh đề cập đến nợ xấu đang ở mức rất lớn, khiến cho ngân hàng lấy khoản này này "bù" khoản khác. Bên cạnh đó còn là hành động "té nước theo mưa", có thể cho vay đến 15% cũng đã có lãi rồi nhưng "thiên hạ" đang ở mức 16% thì "hơi đâu" mình giảm, vị doanh nhân này phân tích.

Hệ lụy của những bất cập trong điều hành lãi suất hiện nay doanh nghiệp đang phải chịu, nói cho cùng là cả nền kinh tế phải chịu, song đến lúc nào đó thì chính ngân hàng cũng là "nạn nhân", vì doanh nghiệp khó thì ngân hàng cũng không thể "khỏe" được, ông Ánh nhìn nhận.

Đặt trong sự so sánh với các nước, ông Lê Văn Hiểu, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Máy và Thiết bị phụ tùng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng nhận xét, điều hành của ngân hàng hiện nay đang ở mức dưới trung bình. "Cách điều hành vĩ mô qua hệ thống ngân hàng không ổn, độ tuân thủ rất ít. Những câu chuyện liên quan đến ngân hàng không thấy đâu là kinh tế thị trường, nhiều anh em còn có cảm giác là giới ngân hàng liên kết lại với nhau để có lợi ích lớn nhất và Ngân hàng Nhà nước ít nhiều có bảo trợ cho việc này", ông Hiểu nói.

Còn ở cương vị Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị, Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Bến Hải Hà Sỹ Đồng đúc kết: “Ngân hàng vẫn thường nói là đồng hành với doanh nghiệp, nhưng hành động lại cho thấy điều ngược lại”.

Khẳng định rằng các ngân hàng hoàn toàn có thể kiểm tra được dòng tiền cho vay có đang được sử dụng đúng mục đích hay không, doanh nhân Phạm Bắc Bình đề nghị ngân hàng nên tổ chức cho doanh nghiệp ký cam kết sử dụng dòng tiền đúng mục đích cho sản xuất kinh doanh, nếu vi phạm thì sẽ chịu phạt nặng.

Phải có các biện pháp để các doanh nghiệp làm ăn chân chính có thể bước ra khỏi "căn phòng ngột ngạt" hiện nay, đó là mong muốn không chỉ của riêng ông Bình.

(Theo Vneconomy)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
Thanh Dũng Furniture - Nội thất Thanh Dũng

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao