Chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình (thứ hai từ trái sang) và Tổng giám đốc Thép Cửu Long - Vinashin (thứ ba từ trái sang) - Ảnh: Anh Quân. |
Câu chuyện Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đầu tư vào ngành thép, một lần nữa gây sự chú ý của công luận.
Hiệp hội Thép Việt Nam mới đây có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ đề nghị xem xét việc Vinashin mở rộng quy mô dự án thép tại Quảng Ninh lên 1 triệu tấn/năm. Lý do phản đối chính của Hiệp hội Thép Việt Nam là sản xuất thép đóng tàu không thuộc lĩnh vực chuyên sâu của Vinashin, nên không mang lại hiệu quả.
Chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình và Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thép Cửu Long - Vinashin, đơn vị tổng thầu xây lắp dự án nhà máy thép tại Quảng Ninh, ông Nguyễn Tuấn Dương, đã cùng trả lời báo giới về vấn đề này ngay tại nơi đang gây tranh cãi.
Nếu cứ nhập, sẽ khó có lãi
Vì sao Vinashin luôn nói thiếu vốn đầu tư, nhưng lại ưu tiên rót vốn vào ngành thép như thế?
Ông Phạm Thanh Bình: Vì hiện nay chúng ta nhập khẩu thép từ tất cả các đối thủ của chúng ta trong ngành đóng tàu. Cho nên, giá thép bao giờ cũng cao hơn và thời gian nhập được thép về bao giờ cũng dài hơn. Nếu như mua của họ mãi thì tàu của ta hoặc là kém cạnh tranh về giá, hoặc là phải chấp nhận mất đi lợi nhuận để đảm bảo giá cạnh tranh.
Sản xuất thép không chỉ là phát huy nội lực, mà còn làm tăng khả năng cạnh tranh của đóng tàu Việt Nam. Như thế, làm thép là vì mục đích kinh tế, vì khả năng cạnh tranh, là mục đích lớn nhất của ngành đóng tàu. Hội nhập thì phải là như vậy.
Ông Nguyễn Tuấn Dương: Thép tấm chiếm khoảng 20-25% giá thành con tàu. Còn nếu nhìn tổng thể cả các chi tiết máy thì thép chiếm đến 90% con tàu. Rõ ràng thép là “cơm” của con tàu. Cho nên, nếu ngành đóng tàu không chủ động được về thép thì rất có vấn đề.
Nếu cứ nhập khẩu từ các quốc gia cạnh tranh với chúng ta về đóng tàu thì dễ bị ép giá, chúng ta sẽ không bao giờ kinh doanh đóng tàu có lãi được.
Cụ thể, lợi ích của đầu tư thép với ngành đóng tàu như thế nào?
Ông Dương: Tự sản xuất được thép tấm so với việc mình đi mua thì sẽ có lợi hơn rất nhiều. Chúng tôi bán cho các doanh nghiệp trong Tập đoàn chắc chắn 100% sẽ rẻ hơn nhập khẩu.
Theo tôi tính, như hiện nay ở Hải Phòng (Công ty Cổ phần Thép Cửu Long - Vinashin) đang làm, rẻ hơn khoảng 100-150 USD/tấn.
Ông Bình: Tức là vào khoảng từ 10-20%. Nếu 1 năm như hiện nay, Vinashin sử dụng khoảng 1 triệu tấn thép đóng tàu, thì khoản tiết kiệm được sẽ là 100 triệu USD.
Cho nên, mặc dù lúc này rất khó khăn về vốn, nhưng chúng tôi vẫn phải ưu tiên đầu tư thép. Vì nếu không đầu tư thép thì khó khăn lại càng khó khăn hơn, khi khả năng cạnh tranh của chúng ta kém đi.
Cụ thể, Vinashin đóng góp gì vào nhà máy này?
Ông Dương: Vinashin đầu tư 100% vốn và Tập đoàn tự thực hiện dự án này. Chúng tôi, trong thời gian qua rất khó khăn về vốn, trong khi đó phía đối tác nước ngoài cũng yêu sách nhiều về giá cả trong quá trình lắp đặt. Chính vì thế, Tập đoàn quyết định tự thực hiện và giao dự án này cho Cửu Long - Vinashin.
Nhà máy nhận từ 21/3/2009 và trong vòng 10 tháng chúng tôi đã lắp ráp và cơ bản hoàn thành. Dự kiến đến 31/3/2010 chúng tôi sẽ cán nóng tại đây.
Vinashin vẫn làm thép, có sao đâu
Đã nhiều lần, Chính phủ nhận được văn bản kiến nghị gửi đến, nêu ý kiến Vinashin không có kinh nghiệm làm thép…
Ông Dương: Chúng tôi vẫn làm đấy, như ở Hải Phòng hiện nay đã sản xuất rồi, có sao đâu.
Hiệp hội Thép có nói là thép đóng tàu không phải thép đặc biệt, nên dành cho các doanh nghiệp khác làm. Ý các ông thế nào?
Ông Bình: Phải nói ngay là thép đóng tàu là thép đặc biệt, phải có chứng chỉ của các cơ quan đăng kiểm quốc tế mới được đưa lên tàu. Thép tấm thì có nhiều, nhưng không phải thép tấm nào cũng đem đóng tàu được.
Vậy còn ý kiến cho rằng đầu tư thép đang thừa sản lượng rồi…
Ông Bình: Thêm nhà máy công suất 1 triệu tấn/năm thì đúng là trước năm 2012-2013 Vinashin có thể dư thừa sản lượng thép tấm. Chúng tôi đã có kế hoạch xuất khẩu một phần. Nhưng đến năm 2015 thì nhu cầu của chúng tôi là 2,5 triệu tấn thép, tức là lúc đó chúng tôi còn phải đầu tư thép tiếp.
Hoặc là trong ngành thép Việt Nam, doanh nghiệp nào đó đầu tư tiếp một nhà máy nữa thì chúng tôi vẫn có thể sử dụng được. Còn nhà máy này sẽ chỉ thỏa mãn yêu cầu đến 2013, sau đó bắt đầu là thiếu.
Ông Dương: Từ cuối năm 2010, Vinashin có thể tự lo được hết thép, không phải nhập khẩu một kg nào. Hiện nay, con tàu lớn nhất do Vinashin đóng mới là 150.000 tấn, nếu đóng tới 300.000 tấn chúng tôi vẫn có thể lo được vì nhà máy mới này có thể sản xuất thép tấm khổ rộng đến 3,25m, độ dày từ 6mm đến 70mm, có thể đóng được tàu trọng tải đến 300.000 tấn.
Theo dự kiến, cuối tháng 3/2010, khi nhà máy chạy cán thép nóng được, chúng tôi có thể sẽ khởi động đầu tư tiếp ngay nhà máy luyện thép công xuất 1,2 triệu tấn/năm, nguyên liệu đầu vào sẽ dùng thép xốp cũng do Vinashin đã đầu tư xây dựng ở Yên Bái. Có nghĩa là thép tấm đóng tàu sẽ là từ quặng của Việt Nam, ra đến thép xốp, đến phôi thép và cán thành tấm để đóng tàu.
Từ 2011, tổng sản lượng sản xuất thép các loại của Vinashin sẽ là khoảng 4 triệu tấn/năm, đáp ứng toàn bộ nhu cầu của Vinashin, từ thép vỏ tàu, thép xương tàu, đến chi tiết chế tạo.
Việc Vinashin đầu tư công suất nhỏ trước, sau đó nâng lên có gây lãng phí trong đầu tư?
Ông Dương: Đầu tư thì cũng phải lựa túi tiền. Hơn nữa, chúng tôi cũng muốn có thời gian rút kinh nghiệm để tiến tới đầu tư nhà máy lớn như thế này. Đến nhà máy này, từ lắp đặt, vận hành, chuyển giao… 100% đều do đội ngũ cán bộ công nhân viên của Vinashin làm hết, không có người nước ngoài.
Với nhà máy tại Hải Phòng hiện nay là khổ nhỏ 1,6m, độ dày từ 6mm đến 40mm, chỉ đóng được tàu đến 5.000 tấn. Mà thị trường đóng tàu xuất khẩu của Vinashin chủ yếu là tàu lớn, từ 12.000 tấn trở lên. Cho nên, nhà máy này ra đời mới có thể đáp ứng được nhu cầu về thép tấm cho đóng tàu xuất khẩu.
Khi bắt đầu đầu tư nhà máy thép Cái Lân, chúng tôi đã tính toán đầu tư theo công suất 1 triệu tấn/năm. Đầu tư mở rộng thì chỉ thêm phần luyện, một số thiết bị như làm nguội cưỡng bức… là có thể nâng công suất lên, chứ không phải bỏ hết đi đầu tư lại.
Ông có nói Tập đoàn tự xây lắp toàn bộ nhà máy, tất cả các chuyên gia đều không cần đến. Như vậy, kiểm định dây chuyền này thì cơ quan nào chịu trách nhiệm?
Ông Dương: Hiện nay, tại nhà máy này chúng tôi có cơ quan kiểm định và hệ thống quản lý chất lượng của DNV (Na Uy), và sắp tới là cơ quan đăng kiểm của ClassNK… sẽ tiếp tục kiểm tra khả năng làm việc của máy móc thiết bị, sau đó kiểm tra chất lượng từng sản phẩm.
Tức là chúng tôi sẽ phải có hai chứng chỉ đăng kiểm, thứ nhất là chứng chỉ về quản lý hệ thống theo tiêu chuẩn ISO; thứ hai là chứng chỉ nhà máy này có đủ tiêu chuẩn sản xuất thép đóng tàu hay không. Tiếp đến là kiểm định từng phôi thép một, từng tấm thép một.
Khi phôi vào, đăng kiểm họ kiểm tra và đóng dấu, khi cán ra, trên từng tấm đăng kiểm cũng kiểm tra và đóng dấu hết, thì mới được cơ quan đăng kiểm cho phép đóng vào con tàu.
Về mặt chất lượng chúng tôi khẳng định tất cả các loại thép sử dụng cho con tàu là thép A, thép B, thép E…, đều có thể sản xuất được tại nhà máy này mà không có vấn đề gì.
(Theo Anh Quân // Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com